Bắc Nam sum họp và câu chuyện đoàn kết để thành công ở các buôn làng Đắk Lắk

Sau 50 năm đất nước thống nhất, đoàn kết trở thành truyền thống quý báu và những cái đẹp của cuộc sống đã giúp hội tụ tình thương và trí tuệ, giúp các buôn làng dân tộc thiểu số hợp tác khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và chinh phục những thành công.

Ông Trần Đình Thập, một xã viên mới của Hợp tác xã say sưa nghe ông Mai Đình Thọ, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, Chủ tịch hợp tác xã (HTX) thuyết minh công nghệ tưới và châm phân tự động điều khiển từ xa.

Ông Trần Đình Thập (bên trái) nghe ông Mai Đình Thọ (giữa) thuyết minh công nghệ tưới điều khiển từ xa.

Ông Trần Đình Thập (bên trái) nghe ông Mai Đình Thọ (giữa) thuyết minh công nghệ tưới điều khiển từ xa.

Năm nay đã 70 tuổi, tự nhận đã có thời kỳ dài là người lười biếng, không chí thú làm ăn, nhưng sau khi được mời thưởng thức hương vị sầu riêng trong vườn của hợp tác xã thì ông Thập đã bị thuyết phục bởi giá trị của trái cây này và đã cố gắng đầu tư được gần 1 ha, đồng thời ông cũng làm đơn xin vào hợp tác xã để được học hỏi và được giúp đỡ.

"Vô hợp tác xã, chủ yếu là để họ bày cho. Kỹ thuật không biết thì hỏi. Phun thuốc gì không biết thì cũng hỏi, người ta bày cho. Đây họ cũng là đại lý thuốc-vật tư nông nghiệp. Mua chưa có tiền thì họ cho nợ. Nói chung vô đây là nhờ hợp tác xã, đùm bọc nhau. Thấy tôi nghèo thì họ cho vay, cho mượn trước. Người giàu làm chỗ dựa cho người nghèo, để vượt lên chính mình.", ông Trần Đình Thập chia sẻ.

Ông Thập cho biết thêm, chính ông Nguyễn Công Điềm, dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, trú thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh và là Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp sạch Krông Pắc đã mời ông tới vườn tham quan, tự tay cắt sầu riêng mời khách để thuyết phục ông đầu tư trồng sầu riêng.

Sự chân thành của những người khác quê hương, khác dòng máu, không chỉ đưa ông Thập đến thành công mà còn khiến họ trở thành anh em.

Ông Trần Đình Thập quê Nghệ An và người anh em Nguyễn Công Điềm (áo caro)

Ông Trần Đình Thập quê Nghệ An và người anh em Nguyễn Công Điềm (áo caro)

Cũng tại buổi nói chuyện, ông Nguyễn Công Điềm lại dẫn ra nhiều thông tin xúc động, đó là vào những năm 1980, bà con người Tày, Nùng ở Cao Bằng và Lạng Sơn vào thôn Thanh Xuân, Thanh Bình, xã Ea Kênh lập nghiệp trong nghèo khó và nạn nghiện thuốc phiện. Lúc đó ở 2 thôn, có đến hơn 50 người phải đi cai nghiện tập trung.

Nhưng chính nhờ sự đùm bọc lẫn nhau mà tất cả đã cai nghiện thành công, từ đó đến nay không ai tái nghiện. Ai cũng chí thú làm ăn và có một cuộc sống thật sự tươi sáng.

Ông Điềm cho biết, cũng vì mong muốn giúp bà con thoát khỏi cái nghèo, ông đã tham gia sáng lập hợp tác xã nông nghiệp sạch cũng vì tin tưởng chắc chắn rằng, đoàn kết trong một hợp tác xã sẽ dẫn mọi người đến thành công bền vững hơn.

"Bà con trong đó thì rất là đoàn kết. Hộ này, hộ kia thấy trái rụng hay vàng lá thì lập tức cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, làm sao kết quả năm này phải cao hơn năm trước, vụ này tăng hơn vụ trước. Thành lập hợp tác xã thì anh em cùng góp vốn. Mục đích là để chứng nhận được nguồn gốc, xuất xứ, để có hướng đi được bền vững.", ông Nguyễn Công Điềm nói.

Câu chuyện đoàn kết, đùm bọc nhau, hướng về nông nghiệp sinh thái, hướng đến phát triển bền vững ở hợp tác xã nông nghiệp sạch Krông Pách đã giúp hợp tác xã thu hút ngày càng đông thành viên. Hiện hợp tác xã đã có 150 thành viên tham gia, có cả bà con người Kinh, người Ê Đê, Tày và Nùng.

Thượng Tọa Thích Đạo Ứng trên "con đường thiền" và sầu riêng sinh thái của thiền viện Trúc Lâm Từ Giác.

Thượng Tọa Thích Đạo Ứng trên "con đường thiền" và sầu riêng sinh thái của thiền viện Trúc Lâm Từ Giác.

Trong đó, nhiều thành viên như mục sư Ama Yotha ở Buôn Jung, xã Ea Yông dù rất bận nhưng vẫn nhận lời làm đội trưởng đội sản xuất.

Thượng Tọa Thích Đạo Ứng, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Từ Giác, xã Ea Yông thì đưa luôn cây sầu riêng sạch vào trồng trong khuôn viên thiền viện và trở thành thành viên đặc biệt của hợp tác xã. Thượng tọa Thích Đạo ứng cho biết: “Tất nhiên mình hưởng ứng những gì tốt đẹp nhất. Mà nông nghiệp sạch có lẽ là tốt nhất cho sức khỏe của người dùng. Được quỹ đất có sẵn thì mình hưởng ứng tinh thần này, cho nên đã tham gia vào hợp tác xã, làm theo kỹ thuật mà hợp tác xã hướng dẫn để tránh ô nhiễm môi trường cho xung quanh.”

50 năm đất nước thống nhất, Tây Nguyên đã có cơ đồ kinh tế vượt trội, quốc phòng an ninh vững chắc, hạ tầng điện-đường-trường-trạm ngày càng đồng bộ.

Nhưng điều đem lại nhiều cảm hứng nhất là Bắc Nam thực sự sum họp trên vùng đất này. Không chỉ các hộ dân sum họp trên cùng thôn buôn, tổ dân phố... mà những người cùng chí hướng còn tìm thấy nhau, cùng hợp tác bàn tính tương lai. Như chị H’Len Niê, ở thành phố Buôn Ma Thuột, đã có những người em từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tìm đến và trở thành cộng sự, cùng nhau nâng tầm văn hóa, ẩm thực Ê Đê.

Y Pôt Niê cùng những người bạn, người chị, trong một lễ khai trương sản phẩm thổ cẩm tơ tằm, kết hợp tinh hoa nghề tằm tang dưới xuôi và dệt thổ cẩm Ê Đê truyền thống.

Y Pôt Niê cùng những người bạn, người chị, trong một lễ khai trương sản phẩm thổ cẩm tơ tằm, kết hợp tinh hoa nghề tằm tang dưới xuôi và dệt thổ cẩm Ê Đê truyền thống.

Trong khi đó, chị H’loan ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, đã thành công với hệ thống nhà yến ở Đắk Lắk và Gia Lai, xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu được sản phẩm yến sào.

Chàng trai Y Pốt Niê, người Ê Đê sáng lập Công ty Cổ phần Ê Đê Café, ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đã tìm thấy những người anh trong cộng đồng doanh nghiệp ở tận Hà Nội, được nâng bước khởi nghiệp, xây được nhà máy.

“Bản thân của Pốt muốn truyền lại cảm hứng để các em nhỏ và các nhân viên mới về sau này là cách làm cà phê của mình là để thấy được giá trị của nông nghiệp, giá trị của buôn làng, để cho các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi tư duy, làm tốt hơn, phát triển nông nghiệp ở buôn làng ngày càng vững mạnh hơn.", Y Pốt Niê nói.

Xuân Kỷ Dậu 1969, lần cuối đọc thơ chúc tết Đồng bào chiến sĩ cả nước trên sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ đã động viên cả nước tiến lên vì tương lai Bắc Nam sum họp.

Tháng 4 lịch sử này kỷ niệm 50 năm thống nhất, cộng đồng 54 dân tộc trên khắp các miền của đất nước đã thực sự sum vầy.

Với Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk, người dân từ khắp mọi miền định cư ở đây, đang cùng nắm tay trong vòng xoang đoàn kết, trong tiếng chiêng vượt rào cản ngôn ngữ và tuổi tác.

Cái Đẹp đoàn kết đang làm sâu sắc thêm giá trị của độc lập, thống nhất, trở thành nền tảng để buôn làng chinh phục những thành công mới, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước./.

Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bac-nam-sum-hop-va-cau-chuyen-doan-ket-de-thanh-cong-o-cac-buon-lang-dak-lak-post1195413.vov
Zalo