Bắc Kạn: Nhiều nông dân kinh doanh thành công trên nền tảng số
Hiện nay, bán hàng trực tuyến đang được coi là 'mảnh đất màu mỡ' để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng kết nối với các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để khởi nghiệp và tăng doanh thu bán hàng.
Khởi nghiệp trên nền tảng số
Còn nhớ cách đây hơn một năm, trong lần đi hái quả sổ ở bờ suối, chị Mùng Thị Mến, thôn Tổng Chảo, xã Quảng Khê (Ba Bể) đã livestream trên nền tảng mạng xã hội tiktok quá trình trải nghiệm thực tế hoạt động của mình, thu hút được đông đảo cộng đồng mạng quan tâm. Chị Mến chia sẻ: "Lúc đấy tôi không nghĩ là mọi người sẽ quan tâm đến loại quả này như vậy, thấy nhiều người muốn mua quả này nên tôi liền nghĩ tại sao không thử bán quả sổ trên tiktok?".
Tận dụng các nền tảng từ mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube... chị Mến bắt đầu làm các video ngắn giới thiệu về sản phẩm bằng những hình ảnh chân thực nhất về nông sản quê hương, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, qua đó phát triển số lượng lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Mỗi ngày, chị dậy từ sớm để chuẩn bị setup máy móc để quay lại quá trình đi hái sổ của mình. Nhờ cách nói chuyện gần gũi và dí dỏm, các buổi livestream của chị đã thu hút đông đảo người xem, lượng tiếp cận trung bình từ trên 1 triệu lượt xem. Hiện, có thời điểm một ngày chị Mến bán được khoảng 170kg quả sổ với giá 30.000 đồng/kg quả tươi, 70.000 đồng/kg sổ muối chua ngọt.
“Trung bình, mỗi tháng trừ chi phí tôi thu được trên dưới 10 triệu đồng từ việc bán quả sổ. Ở nông thôn thì số tiền trên là không hề nhỏ. Các nền tảng số giúp ích cho cuộc sống rất nhiều, nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác. Riêng về mô hình của tôi, bên cạnh giúp mở rộng thị trường khách hàng, tiện lợi trong giao dịch, các nền tảng số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo còn giúp tôi nâng cao kiến thức, kỹ thuật làm tranh”- chị Mến chia sẻ.
Không chỉ làm video về quả sổ, chị Mến còn làm các video giới thiệu phong cảnh thiên nhiên đẹp, con người và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện. Hầu hết các video đều nhận được sự quan tâm và thu hút nhiều lượt xem.
Cách đây gần 1 năm, chị Hoàng Thị Lan ở xã Văn Minh (Na Rì) chỉ dùng mạng xã hội để giải trí. Sau khi nhận thấy những nền tảng xã hội này có thể mang lại lợi nhuận, chị Lan bắt đầu thử nghiệm với việc đánh giá sản phẩm để nhận được hoa hồng khi các sản phẩm đó được tiêu thụ. Dần dần chị Lan nhận thấy tiềm năng của các sản phẩm ở địa phương mình, nên đã tự mày mò làm video bán hàng trên các nền tảng số.
"Thời gian đầu tôi chỉ làm tiếp thị liên kết, nhưng sau đó tôi muốn giới thiệu và bán các sản phẩm của quê hương như: Miến, quẩy Na Rì và các loại thảo dược. Từ việc bán những sản phẩm của quê hương, tôi đã làm ra sản phẩm chủ lực của riêng mình đó là cá nướng giã ớt. Hiện tại trung bình mỗi tuần tôi tiêu thụ được khoảng 300 đơn hàng cá nướng giã ớt. Sau gần 1 năm bán hàng trực tuyến, tôi đã thu về hơn 100 triệu đồng"- chị Lan kể.
Mở rộng thị trường nhờ công nghệ số
Anh Phạm Minh Đức ở thôn Tân Hoan, xã Tân Tú (Bạch Thông) được biết đến là thanh niên tích cực ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế.
Rượu men lá Tân Tú, do Tổ hợp tác Đức Duyên mà anh Đức làm tổ trưởng, hoạt động sản xuất theo dây chuyền khép kín với nguồn nguyên liệu gạo của địa phương. Trung bình mỗi năm anh Đức thu mua khoảng 15 tấn gạo cho người dân. Năm 2023, sản phẩm “Rượu men lá Tân Tú” đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, có truy xuất bằng mã vạch, tiện lợi cho người tiêu dùng.
Anh Phạm Minh Đức cho biết. “Quá trình kinh doanh các sản phẩm của Tổ hợp tác, chúng tôi đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đưa hàng tới tay người tiêu dùng; quảng bá về nguồn gốc và an toàn thực phẩm”.
Facebooker Đại Bắc Kạn thời gian qua đã thu hút được nhiều lượt người quan tâm theo dõi và đặt mua các mặt hàng nông sản. Chỉ với 01 chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng internet, các mặt hàng nông sản của tỉnh Bắc Kạn được vợ chồng anh Đại giới thiệu chi tiết tới khách hàng. Các sản phẩm nông sản khi bán online thu hút nhiều khách hàng với những hình ảnh trực tiếp bởi chất lượng, mẫu mã cũng như tiện ích khi mua sản phẩm. Nhờ livestream trên mạng xã hội bán các nông sản của địa phương, vợ chồng anh “Đại Bắc Kạn” đã có doanh thu tới 200 triệu đồng/tháng.
Việc tiếp cận công nghệ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống đã thay đổi cuộc sống người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Chị Lý Thị Hà, chủ cơ sở sản xuất miến dong Hà Trần, xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Chỉ trong dịp Tết năm qua, cơ sở sản xuất của tôi đã chốt được hàng trăm ki-lô-gam miến dong trên Facebook, hơn gấp nhiều lần so với bán hàng truyền thống. Mọi giao dịch tiền, hàng đều được thực hiện qua điện thoại thông minh, rất tiện lợi".
Bên cạnh mạng xã hội, nhận thức được lợi ích của sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tiếp cận. Thông qua kênh này, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận giao dịch hàng hóa, sản phẩm chủ lực…
Ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ nông sản đang là xu thế, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân… Việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng thông qua phản hồi từ tin nhắn, bình luận, giúp các HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.../.
Quý Đôn - Huyền Thương