Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên (kỳ 2)
Xã Lộc Lâm Anh hùng thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng là một mảnh đất kiên trung, một căn cứ địa đi qua cả hai cuộc kháng chiến. Trong một chuyến 'về nguồn', tôi đã gặp cựu du kích người Mạ tên là K'Brốp, người đã giữ gìn, nâng niu bức ảnh Bác Hồ do một anh bộ đội miền Bắc cắt ra từ một tờ báo mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965. Thế nhưng, không chỉ ông K'Brốp, trong quá trình tập hợp tư liệu cho loạt bài viết này, chúng tôi cũng đã được nghe kể rất nhiều nhân chứng đã gìn giữ ảnh Bác như báu vật trong những ngày đất nước còn trong khói lửa, giữa hang ổ kẻ thù.
KỲ 2: CHUYỆN VỀ NHỮNG TẤM ẢNH BÁC HỒ

Cán bộ người đồng bào DTTS Tây Nguyên về báo công trước tượng đài Bác Hồ ở TP Pleiku- Gia Lai
• BỨC CHÂN DUNG VỊ ĐẠI BỒ TÁT
Dưới đây là lời kể của Đại đức Thích Giới Lực, một tu sĩ Phật giáo từng trụ trì một ngôi chùa lớn ở Bảo Lộc.
Theo lời nhà sư, chuông chùa sáng mùa thu năm ấy hình như cũng ngân lên những âm thanh não nề thương tiếc. Tiếng nói của người xướng ngôn viên từ Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội phát ra có phần yếu và lạc giọng: “Vô cùng đau đớn báo tin để toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam biết... Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã từ trần hồi 9 giờ, ngày 3/9/1969 sau một cơn đau tim đột ngột, rất nặng, thọ 79 tuổi...”. Là một tu sĩ biết hàng phục tâm để có thể kìm chế mọi xúc động trong bất cứ tình huống nào, nhưng cái tin sét đánh này làm vị đại đức bị chấn động tinh thần. Hồi tưởng lại kỷ niệm xa xưa, trước khi xuất gia, ông đã từng là một đội viên Đội Thiếu niên cứu quốc, hoạt động chống Pháp nhiều năm ở thành Sài Gòn - Gia Định. Trong tiềm thức của ông đã thấm đậm hình ảnh của những năm tháng đấu tranh và có lòng kính yêu Bác Hồ. Đại đức Thích Giới Lực đã cầm bút ghi vội những dòng xúc cảm của mình: “Một sáng u buồn bao trùm tang tóc, vị Đại Bồ Tát hóa thân đã thênh thang viên tịch, thế giới đã mất đi một bậc vĩ nhân kiệt xuất. Dân tộc Việt Nam mãi mãi hãnh diện về tên Người - Hồ Chí Minh!".
Hai tuần sau ngày Bác mất, vị đại đức ra mua báo tại nhà sách Trí Đức đối diện chùa và ông vô cùng thích thú khi bắt gặp hai tờ báo tiếng Anh, ngoài bìa có hình Hồ Chí Minh, tờ Time và tờ Newsweek. Mừng thầm trong lòng, nhưng hỏi mua thì chưa dám mà chậm tay thì sợ người khác mua mất. Khách hàng lúc này ra vào khá đông. Trên sạp báo chỉ còn vài số, đại đức Thích Giới Lực dè dặt lấy riêng hai số báo và để khuất dưới một tờ nhật báo tiếng Việt. Bức ảnh Bác trên tờ Newsweek rất rõ nét và đẹp; hình ảnh Bác với tư thế ung dung như một bậc kỳ lão, tiên ông giải thoát. Nhà sư kể lại: “Đem hai tờ báo về, tôi sung sướng cắt vội bức chân dung của Bác để vào khung hình trang nghiêm rồi treo phía trong cánh cửa tủ bàn thờ Phật. Mồi lần mở cánh tủ là thấy Bác như đưa tay tiếp sức cho mình. Tôi sung sướng ngắm Bác trong sự tôn ngưỡng kín đáo. Sưu tầm các tài liệu về Bác Hồ qua các tạp chí, sách báo trong và ngoài nước, bất cứ tài liệu nào có liên quan đến Bác, tôi đều cất giữ như bảo vật, không khác gì một phật tử trân trọng các ảnh tượng của chư Phật và Bồ Tát vậy. Việc sưu tầm cất giữ các tài liệu trên có phần nguy hiểm cho bản thân tôi, nhưng chính hình ảnh và cuộc đời của Bác là một động lực nhiệm màu thúc đẩy tôi tìm hiểu về Bác khắp nơi mà không quản ngại. Trên căn nhà sàn tôi đang ở trở thành một thiền cóc bí mật; những người đến chiêm ngưỡng là những nhà sư tiến bộ, nhà giáo yêu nước và đồng bào lao động thương kính Bác Hồ”.
Đại đức Thích Giới Lực cũng chia sẻ thêm: “Đối với hàng tu sĩ và phật tử Việt Nam thì rõ ràng Hồ Chí Minh xứng đáng là vị Đại Bồ Tát hóa thân. Ý nghĩa Bồ Tát được hiểu là người đã thành tựu trí tuệ giác siêu việt nhưng không vội nhập Niết Bàn để hưởng hạnh phúc cho riêng mình mà tình nguyện hiện nơi trần gian để cứu vớt chúng nhân thoát khỏi mọi trầm luân đau khổ…”.

Già làng Điểu Đoi - cựu du kích người dân tộc Mạ (đã mất), thờ Bác Hồ tại gia đình mình từ ngày nước nhà thống nhất đến nay
• XEM ẢNH BÁC VÀ NGHE CHUYỆN VỀ NGƯỜI TRÊN RẪY
Ông Huỳnh Thanh Phương, một cán bộ cách mạng, hưu trí tại Phường 9, TP Đà Lạt cũng từng kể lại: "Đầu mùa khô năm 1961, đoàn công tác chúng tôi đến buôn Cây Da (xã Lộc Bắc, Bảo Lộc) làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở, phát động phong trào cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc Mạ. Chúng tôi thực hiện phương châm ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để có điều kiện gần gũi, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia cách mạng. Sau mấy tuần chung sống với đồng bào, chúng tôi tìm mọi cách để nói cho đồng bào hiểu về cách mạng, về Đảng, về Chính phủ do Cụ Hồ lãnh đạo. Chúng tôi còn kể chuyện về cuộc sống tự do, hạnh phúc của đồng bào miền Bắc trong chế độ mới. Đồng bào miền Nam suốt mấy chục năm sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, bị chúng dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ, xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, cách mạng, nên khi chúng tôi nói chuyện đồng bào vẫn còn bán tín bán nghi.
Làm thế nào để lấy lại lòng tin trong đồng bào? Đó là câu hỏi mà anh em chúng tôi ngày đêm trăn trở. Một lần đi làm rẫy với một nhóm người Mạ, vào lúc nghỉ, tôi lấy cuốn cuốn sổ tay có mấy tấm hình, trong đó có hình Bác Hồ. Mấy thanh niên ngồi bên cạnh liền mượn xem rồi hỏi tấm hình cụ già đẹp lão này là ai. Tôi liền giới thiệu đó là tấm hình Cụ Hồ. Nghe nói đến hai tiếng Cụ Hồ, mọi người đều ngồi bật dậy và xúm lại ngắm kỹ. Thấy anh em biểu lộ tình cảm khác thường, tôi liền nói: Cụ Hồ là người sáng lập ra Đảng Lao động Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Pháp và ngày nay đang đánh đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tôi còn kể thêm một số mẩu chuyện về đời hoạt động của Bác, tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc ít người, với đồng bào miền Nam. Bác thường khuyên đồng bào tích cực tăng gia sản xuất để ăn no và nuôi bộ đội đánh giặc. Lúc đầu chỉ có mấy thanh niên nghe kể chuyện, nhưng một lúc sau, qua tiếng gọi của họ, đồng bào ở các rẫy kéo đến say sưa nghe tôi kể chuyện. Cuốn sổ có tấm hình Bác được đồng bào chuyền tay nhau ngắm thật kỹ. Tôi kể lại những câu chuyện về Bác để cho đồng bào nghe, mọi người chăm chú theo dõi và không muốn ngắt lời tôi.
Suốt buổi chiều hôm đó, bà con bỏ cả công việc để nghe tôi kể chuyện Bác Hồ. Khuôn mặt mọi người rạng rỡ, như muốn in sâu hình ảnh và những câu chuyện mà tôi vừa kể. Nghe xong, một cụ già nói: “Vậy ra hôm nay mới được biết, được thấy hình Bác Hồ, có cán bộ nói chuyện ta mới rõ, chớ bấy lâu nay ta cũng chỉ nghe nói về Cụ Hồ lãnh đạo nhân dân ta đánh giặc để có độc lập, tự do, đồng bào có cơm ăn, áo mặc”. Khi ra về, đồng bào còn dặn tối nay cán bộ về buôn kể tiếp để những người khác được nghe, được thấy hình Bác Hồ. Tôi đem câu chuyện này kể lại với anh em trong tổ công tác, mọi người vui mừng khôn xiết, vì qua những câu chuyện về Bác Hồ đã khơi dậy niềm tin và tình cảm của đồng bào đối với Đảng, với Bác Hồ kính yêu.
Vài tuần sau, chúng tôi đến các buôn khác tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nhưng chúng tôi hết sức ngạc nhiên là đến đâu cũng thấy đồng bào đang tập trung dọn rẫy để trồng mì, trồng bắp nuôi cách mạng. Họ vừa làm vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện mà tôi đã kể với đồng bào ở buôn Cây Da. Sau này chúng tôi mới đuợc biết là một già làng buôn Cây Da đã sang đây kể lại với bà con và động viên bà con trồng mì, trồng bắp để có lương thực nuôi Bộ đội Cụ Hồ. Từ đó, đồng bào Lộc Bắc một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng và trở thành một trong những căn cứ vững chắc của tỉnh Lâm Đồng trong cuộc kháng chiến chồng Mỹ, cứu nước…".
• DẤU ẢNH BÁC TRONG ĐẤT VƯỜN NHÀ
Bà Tôn Nữ Thị Tuyết là một cơ sở cách mạng tại nội thành Đà Lạt, kể lại: Năm 1953, bà Tuyết tham gia tổ chức phụ nữ chợ Đà Lat, do đồng chí Trần Ngọc Bảy phụ trách. Bà Tuyết cùng một số chị em cơ sở được giao nhiệm vụ liên lạc và tiếp tế lương thực từ thị xã ra chiến khu ở vùng Cam Ly. Một ngày tháng 5/1953, khoảng sáu giờ tối bà gánh gạo ra điểm hẹn, gần lăng Nguyễn Hữu Hào. Tại điểm hẹn, đồng chí Dũng (cán bộ thị ủy) sau khi nhận gạo xong đã tặng bà tấm ảnh Bác Hồ (cỡ 4x6), phía sau tấm ảnh ghi: “Tặng chị Loan, kỷ niệm vị Cha già dân tộc” (Loan là bí danh của bà Tuyết khi hoạt động bí mật).
Được tặng ảnh của Bác, bà Tôn Nữ Thị Tuyết vô cùng cảm động và sung sướng như nhận được một món quà quý giá mà chưa khi nào bà dám mơ tới. Bà giấu tấm hình của Bác vào trong gánh rau và đi thật nhanh về nhà, sợ địch khám xét. Về đến nhà, bà Tuyết vào phòng riêng đóng chặt cửa lại rồi mới đưa hình Bác ra ngắm thật kỹ. Bà Tuyết nhớ lại: “Càng ngắm, tôi càng thấy Bác như ông tiên vậy, khuôn mặt hiền từ và đôi mắt sáng ngời. Sau đó, tôi lấy bông gòn ra quấn quanh tấm hình rồi bỏ vào lọ thủy tinh cất trong tủ; song thấy chưa yên tâm vì nhà tôi địch đã nghi vấn, chúng thường lục soát. Để bảo đảm an toàn hơn, tôi đành phải mang chiếc lọ đựng tấm hình của Bác chôn xuống đất. Bao nhiêu tình cảm thiêng liêng trân trọng đối với Bác đều dồn nén trong tôi, lòng thầm mong cuộc kháng chiến mau giành được thắng lợi để mọi người được sống trong độc lập, tự do, được tự do ngắm Bác hàng ngày. Rất tiếc, vì ngôi nhà đó thường xuyên bị lục soát, nên gia đình tôi rời đi chỗ khác, đành phải gửi lại đất vườn tấm hình Bác mà tôi đã cất giấu…”.
Bà Tôn Nữ Thị Tuyết kể tiếp: “Lần thứ hai tôi nhận được tấm hình của Bác vào năm 1969. Khi nghe tin Bác qua đời, tôi đã lập bàn thờ tại gia cúng Bác. Khoảng một tháng sau, chị em cơ sở ở chợ Đà Lạt chuyển cho tôi một tấm hình của Bác. Để che mắt địch, tôi lại phải giấu tấm hình trong lư hương và hàng ngày thắp hương cho Bác trước bàn thờ Phật. Từ ngày đó cho tới ngày Đà Lạt giải phóng, tôi thường xuyên thắp hương thờ phụng Bác với tấm lòng trân trọng, biết ơn công lao to lớn của Người…”.
(CÒN TIẾP)