Bắc Giang: Tận thấy sự vô cảm từ 'điểm đen' tai nạn trên Tỉnh lộ 295
Tỉnh lộ 295 đoạn qua xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, sau khi mở rộng mặt đường đưa vào khai thác (năm 2018) đã hình thành 2 điểm thường xuyên xảy ra TNGT, làm nhiều người trọng thương, có nạn nhân tử vong. Điều đáng nói, 2 'điểm đen' tai nạn này hình thành do dự án thi công bỏ dở đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được khắc phục...
"Điểm đen" TNGT hình thành trước cổng trụ sở UBND xã
Tỉnh lộ 295 đoạn qua xã Ngọc Sơn (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) dài khoảng 4 km, từ Ngã ba Trại Cờ (xã Ngọc Sơn) đến xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, Bắc Giang) là tuyến giao thông huyết mạch liên huyện. Trước đây đoạn đường này hẹp, thường xuyên bị lấn chiếm hành lang an toàn nên năm 2018 tỉnh Bắc Giang cho triển khai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 8m, giúp phương tiện đi lại thuận lợi. Tuy nhiên, khi đường đưa vào khai thác thì đoạn qua xóm Tân Thành phát sinh 2 điểm thường xuyên xảy ra TNGT, 1 điểm trước cổng trước trụ sở UBND xã Ngọc Sơn (Km51+800) và điểm ngã 3 xóm Tân Thành, cách đó khoảng 300m. Đây là hai đoạn đường thi công bỏ dở do người dân cản trở đòi tiền đền bù mặt bằng khi dự án mở rộng mặt đường triển khai nên hình thành nút thắt "cổ chai" và bãi thùng vũng ổ trâu, ổ voi nắng bụi, mưa lầy. Hơn thế, 2 đoạn đường này đều nằm ở khúc cua khiến 2 chiều phương tiện lưu thông đối đầu nhau.
Theo người dân địa phương, tại hai "điểm đen" này mỗi năm xảy ra hàng chục vụ TNGT làm nhiều nạn nhân phải cấp cứu, có vụ gãy chân tay, có vụ chết người. Gần đây nhất là đầu tháng 10/2024, xảy ra tai nạn giữa một người điều khiển xe máy với người đi bộ và xe ô tô khiến cho người điều khiển xe máy tử vong. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, nạn nhân là nam giới, người địa phương. "Tai nạn xảy ra trên đoạn đường trước đây bỏ dở thi công ngay trước cổng UBND xã Ngọc Sơn do người điều khiển xe máy va chạm với người đi bộ, rồi xe mất lái lao vào một ô tô đi ngược chiều. Điều đau xót nhất, nạn nhân là người làng và mới chỉ 17 tuổi", ông Hồng cho biết.
Cũng theo ông Hồng, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, một phần của đoạn đường trên (phía đối diện cổng UBND xã) vẫn bỏ dở từ khi thi công dự án nên mặt đường thùng vũng "ổ gà", "ổ trâu" nên thường xuyên xảy ra tai nạn va quệt, đổ xe, ngã xe.
Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải một số người dân sinh sống hai bên đoạn đường cho biết, do đoạn đường trên liên tiếp xảy ra tai nạn nên mới đây có một nhóm người đạp xe thể dục tự nguyện bỏ kinh phí để vá đường. "Trong khi đó đã mấy năm rồi mà chả thấy ông tỉnh và ông huyện đâu, ngay cả ông công ty quản lý đường bộ cũng chẳng "ngó ngàng" gì đến chuyện sửa chữa, khắc phục cả", một người dân mỉa mai bày tỏ.
Cũng theo người dân sở tại, đoạn đường này (Km51+800) đúng vào khúc cua, từ khi đường làm xong đến nay xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đâm xe, ngã xe gây thương tích. Có những hôm tai nạn liên tiếp xảy ra, vụ này xảy ra ngay sau vụ khác. Hay xảy ra nhất là nhưng hôm trời mưa, đường trơn và buổi tối, mới đây xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm một thiếu niên người làng tử vong".
Ngoài vị trí trên, theo người dân, tại đoạn ngã ba xóm Tân Thành cũng thường xuyên xảy ra va chạm giao thông. Tương tự đoạn trước cổng UBND xã Ngọc Sơn, đoạn đường này cũng cong cua và còn là ngã ba hiện 1/2 mặt đường thi công bỏ dở chưa hoàn thiện do một hộ dân trước đây cản trở thi công đã tạo thành thùng vũng rất nguy hiểm đối với phương tiện lưu thông.
Dân "mòn mỏi" chờ, cơ quan quản lý thờ ơ
Theo người dân và khảo sát thực tế của PV Tạp chí Giao thông vận tải, đoạn Tỉnh lộ 295 tại Km51+800 qua xã Ngọc Sơn thường xuyên xảy ra TNGT do nâng cấp, cải tạo dở dang từ gần 4 năm nay. Việc bỏ dở thi công khiến mặt đường bị thu hẹp khoảng một nửa (trước khi được người dân đổ bê tông sau khi xảy ra vụ tai nạn chết người vào tháng 10/2024), trong khi đây là đoạn đường cong cua, khuất tầm nhìn (nhất từ hướng Ngã ba Trại Cờ đi xã Việt Ngọc). Các phương tiện tham gia giao thông trước khi đến khu vực này do đường thoáng, rộng thường đi nhanh, khi đến đoạn cong cua đường hẹp bất ngờ, lại có nhiều ổ gà, ổ voi nên sẽ đánh lái để tránh dễ lao sang làn đường ngược chiều gây ra va chạm.
Điểm đáng lưu ý, mặc dù đoạn đường bỏ dở thi công và cong cua nhưng không hề có biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm cũng như không có vạch sơn kẻ đường để người tham gia giao thông phòng ngừa tai nạn.
Qua tiếp xúc với PV, người dân sinh sống trên đoạn đường đều tỏ ra lo lắng không biết đến khi nào đơn vị triển khai dự án (Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Bắc Giang), Công ty quản lý đường bộ Bắc Giang và chính quyền địa phương có phương án khắc phục 2 "điểm đen" tai nạn này. Còn theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, xã đã phản ánh nhiều lần đến huyện và Công ty Quản lý đường bộ Bắc Giang nhưng vẫn chưa thấy động thái gì để hoàn thiện đoạn đường còn dang dở.
"Chủ trương của tỉnh Bắc Giang khi thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo mở rộng đoạn đường trên là vận động các hộ dân ven đường hiến đất mở đường. Trong quá trình thực hiện hầu hết các hộ dân hiến đất, nhưng còn 3 hộ gia đình tại đoạn đường trên chưa đồng ý hiến đất. UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần báo cáo UBND huyện Hiệp Hòa, và huyện cũng chỉ chỉ đạo tiếp tục vận động. Vì thế, chưa biết khi nào hoàn thiện mở rộng nốt vị trí trên. Việc đền bù mặt bằng nằm ngoài khả năng, thẩm quyền của xã", ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, một hộ gia đình tại vị trí trên đã bày tỏ đồng ý giao mặt bằng để mở rộng đường, như đơn vị quản lý đường không hiểu sao vẫn trù trừ.
Theo tìm hiểu của PV, hai vị trí hình thành điểm thường xuyên xảy ra TNGT trên Tỉnh lộ 295 qua xã Ngọc Sơn đã tồn tại gần 4 năm. Cho dù lấy lý do vướng mặt bằng, hay dân cản trở thi công hoặc vì lợi cá nhân thì cũng đều không thỏa đáng. Bởi việc khắc phục một điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn, đảm bảo ATGT không thể không có giải pháp, ngoại trừ sự vô cảm, nhất là khi sự việc kéo dài và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn và có nạn nhân tử vong.
Nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết điểm thường xuyên xảy ra TNGT trên Tỉnh lộ 295, Tạp chí Giao thông vận tải đã phản ánh đến lãnh đạo huyện Hiệp Hòa, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang và Công ty quản lý đường bộ Bắc Giang. Tuy nhiên đến nay vẫn chỉ nhận được lời hứa "sẽ quan tâm, xem xét" và như thực tế diễn ra gần 4 năm qua.