Bắc Giang: nguy cơ mất ATGT ở các bến đò ngang
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện vẫn duy trì 24 bến khách ngang sông phục vụ nhu cầu đi lại, lao động, học tập, giao thương của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý bến bãi còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ sắp tới.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang, trong số 24 bến khách ngang sông đang hoạt động, chỉ có 2 bến có giấy phép còn hiệu lực, 16 bến đã hết hạn giấy phép và 6 bến hoạt động không phép. Dù toàn bộ người điều khiển phương tiện đều có chứng chỉ chuyên môn, nhưng nhiều phương tiện đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật, thậm chí một số không có giấy kiểm định.
Tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa) – nơi có sông Cầu chảy qua, hiện chỉ còn 2 bến đò hoạt động tại thôn Mai Trung và Mai Thượng. Dù được trang bị áo phao, phao cứu sinh, hành khách thường xuyên không sử dụng, lái đò cũng không nhắc nhở. Đáng chú ý, bến đò thôn Mai Thượng hoạt động không phép, do chưa tổ chức đấu thầu để hoàn tất thủ tục pháp lý. UBND xã đang lên kế hoạch tổ chức đấu thầu để trình cấp có thẩm quyền cấp phép.

Tại bến đò Mai Thượng, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), nhiều hành khách đi đò không mặc áo phao.
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hiệp Hòa cho biết, UBND huyện đã quyết định đóng 8 bến đò không đủ điều kiện hoặc theo đơn tự nguyện của chủ bến. Tuy nhiên, nhiều chủ bến, lái đò vẫn lơ là các quy định an toàn, khách đi đò chủ quan, không mặc áo phao vì quãng đường ngắn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tuyến sông Thương và sông Lục Nam. Bến đò Mom (xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang), bến đò Tiên La (xã Đức Giang, TP Bắc Giang) hiện đã hết hạn giấy phép. Trên sông Lục Nam, bến Cẩm Lang (xã Tiên Nha) hoạt động không phép, còn bến Long Khánh (TP Bắc Giang) giấy phép cũng đã hết hạn.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các hợp đồng thuê đất làm bến đã hết hạn hoặc chưa xác định rõ ràng diện tích, ranh giới, loại đất, gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ cấp phép. Bên cạnh đó, một số chủ bến cũng chưa chủ động gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép.
Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 40 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 420 triệu đồng. Đồng thời, đơn vị tăng cường tuyên truyền, yêu cầu chủ bến ký cam kết đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh, không chở quá tải và nhắc nhở hành khách mặc áo phao.
Trong bối cảnh mùa mưa lũ đang đến gần, công tác tuần tra, kiểm soát sẽ tiếp tục được siết chặt nhằm phòng ngừa tai nạn đường thủy. Lực lượng chức năng cũng kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về điều kiện hoạt động, an toàn phương tiện và hành khách.
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp phép hoạt động cho các bến đủ điều kiện theo quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.