Bắc Giang ngày ấy sục sôi cách mạng

BẮC GIANG - Năm 1945, phong trào cách mạng ở tỉnh ta ngày càng dâng cao, đặc biệt sau Nhật đảo chính Pháp (9/3), T.Ư Đảng ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945); Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa (13/8). Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ở Bắc Giang, từ đồng bằng, đô thị đến miền núi, khí thế cách mạng hừng hực, nhiều nơi Đảng đã lãnh đạo quần chúng giành chính quyền.

Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 tại làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân (Hiệp Hòa), Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng chủ trì chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Tối 1/6/1945, lực lượng tự vệ tổng Hoàng Vân do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng Ban cán sự Đảng chỉ huy tiến vào chiếm huyện lỵ, thu 30 súng, đốt toàn bộ sổ sách, tài liệu.

 Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Tại Việt Yên, trước khí thế phong trào cách mạng dâng cao, địch hoang mang tột độ. Tối 26/6, lực lượng tự vệ kéo đến huyện lỵ tước vũ khí địch. Ngày 28/6, Ủy ban dân tộc giải phóng huyện Việt Yên được thành lập. Ở Yên Thế, tự vệ đánh đồn binh Bố Hạ bắt sống Chánh Triệu, thu 20 súng vào ngày 17/8, giành chính quyền. Ngày 17/7, gần 400 tự vệ ở nhiều xã bao vây phủ, đến ngày 18/7 địch phải đầu hàng. Ngày 20/7, Ủy ban dân tộc giải phóng phủ ra mắt nhân dân trong cuộc mít tinh có hàng ngàn người dự. Cũng ngày này, tự vệ ở Song Khê, An Tràng, Đào Tràng, Cảnh Thụy bao vây tiến công thắng lợi huyện lỵ Yên Dũng. Các lý tưởng, chánh tổng trong toàn huyện đã phải nộp hết bằng triện, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Ta thu được toàn bộ vũ khí địch. Nhân dân ở các huyện lỵ khác trong tỉnh cũng hừng hực khí thế cách mạng, ráo riết khởi nghĩa…

Tại thị xã Phủ Lạng Thương (TP Bắc Giang ngày nay) tình hình rất khẩn trương. Tỉnh trưởng Bắc Giang Nguyễn Ngọc Đĩnh trong lúc hoang mang lo sợ, một mặt bắn tin xin liên hệ với Việt Minh, mặt khác lại âm mưu giao chính quyền cho bọn Đại Việt phản động.

 Trong Cách mạng Tháng Tám, Bắc Giang là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lị sớm nhất trên cả nước. Ảnh tư liệu: Khu vực trung tâm thị xã Phủ Lạng Thương khoảng năm 1910.

Trong Cách mạng Tháng Tám, Bắc Giang là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lị sớm nhất trên cả nước. Ảnh tư liệu: Khu vực trung tâm thị xã Phủ Lạng Thương khoảng năm 1910.

Được cơ sở cách mạng trong thị xã báo tin, 8 giờ sáng 18/8, Tỉnh trưởng sẽ bàn giao chính quyền cho Đại Việt, ba đồng chí (Hồ Công Dự, Ninh Văn Phan, Trương Văn Nhã) ngay trong đêm 17/8 đang dự hội nghị do Tỉnh ủy triệu tập tại Yên Lý (Yên Thế) đã lập tức trở về Song Khê (Yên Dũng, nay thuộc TP Bắc Giang).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự Tỉnh ủy, nhân dân Bắc Giang đã vùng dậy bẻ tan ách gông xiềng nô lệ, đập tan sự thống trị thực dân ngót trăm năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm, góp phần cùng nhân dân cả nước lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 18/8/1945 mãi mãi là dấu son trong lịch sử tỉnh nhà.

Tại đây quần chúng đã tập trung để chờ lệnh hành động. Cuộc họp nhanh chóng đề ra kế hoạch: Chọn một số tự vệ cùng ba đồng chí Dự, Phan, Nhã đột nhập vào dinh tỉnh trưởng, bắt Tỉnh trưởng đầu hàng. Huy động các đội tự vệ mai phục bên hữu ngạn sông Thương, sẵn sàng nổ súng khi cần thiết. Tập hợp quần chúng biểu tình thị uy để uy hiếp địch. Gửi thư cho các đồng chí lãnh đạo trong Ban cán sự Tỉnh ủy nhanh chóng đem quân tiếp viện, đề phòng có xung đột vũ trang.

Khoảng 4 giờ sáng 18/8, đồng chí Ninh Văn Phan, Hồ Công Dự dẫn đầu một đội tự vệ sáu, bảy người trang bị vũ khí, xuất phát từ đình Song Khê đột nhập vào dinh tỉnh trưởng lúc 6 giờ. Vốn đã hoảng sợ trước khí thế cách mạng lại ở tình thế bất ngờ không thể chống cự, Nguyễn Ngọc Đĩnh buộc phải đầu hàng. Khi đồng chí Dự, Phan thuyết phục áp đảo viên Tỉnh trưởng, đã có tự vệ giữ điện thoại, bố trí người canh gác tại cửa văn phòng và tại cửa dinh. Viên chánh Bảo an theo lệnh Tỉnh trưởng đã phải giao toàn bộ vũ khí (gần 200 khẩu súng) và trại Bảo an cho ta.

 Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại Nhà trưng bày di tích ATK Hoàng Vân (Hiệp Hòa). Ảnh: VIỆT HƯNG.

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại Nhà trưng bày di tích ATK Hoàng Vân (Hiệp Hòa). Ảnh: VIỆT HƯNG.

Lúc đó là 7 giờ sáng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên dinh Tỉnh trưởng và trại Bảo an. Ta lệnh cho Nguyễn Ngọc Đĩnh gọi điện thoại báo tin cho quân đội Nhật ở Bắc Giang biết Việt Minh đã chiếm thị xã, yêu cầu Nhật phải điều đình với Việt Minh. Đồng chí Ninh Văn Phan nói với viên quan ba hiến binh Nhật, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh thì Nhật không còn là đối tượng của Việt Minh nữa. Việt Minh yêu cầu quân lính Nhật không được chống lại cách mạng. Việt Minh cũng không đụng chạm đến binh lính Nhật. Cuối cùng, quân đội Nhật đã giao nộp vũ khí cho ta, phải rút về tập trung ở Cầu Lồ (Lục Nam) và Phủ Lạng Thương, không được vận chuyển thóc gạo đi nơi khác.

Trong khi ta đang điều đình với Nhật, theo kế hoạch vạch ra từ trước, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân các phủ huyện Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang từ mọi ngả đường tiến vào thị xã tuần hành thị uy. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ tràn ngập các ngả đường. Tiếng hô khẩu hiệu, vang dậy những bài ca cách mạng đã làm chấn động cả thị xã. Như vậy khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi. Ngày 21/8/1945 tại sân vận động thị xã Phủ Lạng Thương, Tỉnh ủy tổ chức mít tinh và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ tịch, đồng chí Ninh Văn Phan làm Phó Chủ tịch, đồng chí Hà Thị Quế là ủy viên, phụ trách quân sự.

 Cầu Á Lữ bắc qua sông Thương (TP Bắc Giang). Ảnh: ĐOÀN ANH TUẤN.

Cầu Á Lữ bắc qua sông Thương (TP Bắc Giang). Ảnh: ĐOÀN ANH TUẤN.

Tiếp đến ngày 25/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời thị xã ra đời do đồng chí Đinh Văn Loan làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đức Thành làm Phó Chủ tịch. Đến cuối năm 1945, tại 9 huyện, phủ, châu, thị xã và 437 xã trong tỉnh đã thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban cán sự Tỉnh ủy, nhân dân Bắc Giang đã vùng dậy bẻ tan ách gông xiềng nô lệ, đập tan sự thống trị thực dân ngót trăm năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm, góp phần cùng nhân dân cả nước lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 18/8/1945 mãi mãi là dấu son trong lịch sử tỉnh nhà.

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang (tập 1) -NXB Chính trị quốc gia, 2003.

Đỗ Nhật Minh (tổng hợp)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-ngay-ay-suc-soi-cach-mang-110922.bbg
Zalo