Bắc Giang: Khơi thông nguồn vốn cho hợp tác xã

Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận, nhất là nguồn vay từ ngân hàng thương mại (NHTM). Để tháo gỡ điểm nghẽn này cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực từ các bên liên quan.

Khó tiếp cận vốn vay

Vốn được xem là “đòn bẩy” giúp HTX phát triển nhanh chóng, bền vững. Thời gian qua, chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận vốn vay đã phần nào đi vào cuộc sống song số lượng HTX thụ hưởng vẫn khiêm tốn. Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, chỉ có 14 HTX được vay vốn từ các NHTM của tỉnh với dư nợ gần 120 tỷ đồng, trong khi mỗi năm, hàng trăm đơn vị có nhu cầu vay vốn. Nguyên nhân thường gặp là do HTX không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp.

 HTX Xanh Bảo Sơn (Lục Nam) tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

HTX Xanh Bảo Sơn (Lục Nam) tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Tìm hiểu tại HTX Xanh Bảo Sơn, xã Bảo Sơn (Lục Nam), các thành viên trong HTX có nhu cầu vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Lục Nam để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, tài sản bảo đảm là đất nông nghiệp có giá trị thấp; tài sản gắn liền với đất cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký bảo đảm vay vốn ngân hàng. Thiếu vốn nên các thành viên khó mở rộng quy mô.

Một HTX sản xuất nấm ở Lạng Giang duy trì hoạt động sản xuất hơn 10 năm nay, lợi nhuận mỗi năm khoảng 100-120 triệu đồng. Cây nấm đem lại giá trị kinh tế cao nên HTX dự định tiếp tục xây dựng nhà xưởng rộng khoảng 1 nghìn m2 trên diện tích đất sẵn có của thành viên để tăng quy mô, thu nhập. Tuy nhiên, việc này khó thực hiện vì thiếu kinh phí. HTX đã tìm đến các NHTM đề xuất vay vốn nhưng do không có tài sản bảo đảm, công tác hạch toán kế toán chưa chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch nên chưa được ngân hàng giải quyết nhu cầu.

Từ ngày 1/7/2024, Luật HTX năm 2023 có hiệu lực thi hành. Điều 23 của Luật về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm cho các tổ chức kinh tế tập thể đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp HTX tiếp cận vốn vay từ NHTM thuận lợi hơn.

Theo tổng hợp của ngành chức năng, toàn tỉnh có hơn 1,1 nghìn HTX, phần lớn chưa chú trọng đến việc quản lý tài chính, sổ sách, báo cáo tài chính... Nhiều giám đốc HTX chưa biết xây dựng, đọc báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán; hoạt động sản xuất cầm chừng, thiếu tính liên kết, đầu ra cho sản phẩm khó khăn… Đây cũng là các nguyên nhân khiến HTX khó tiếp cận nguồn vốn từ NHTM cũng như chính sách hỗ trợ lãi suất quy định tại Nghị quyết số 24/2018/NQ của HĐND tỉnh Bắc Giang (ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Về phía ngân hàng, hiện nay, điều kiện vay vốn tín dụng khá chặt chẽ, một số thủ tục còn phức tạp, khó khăn cho các HTX. Hợp đồng vay vốn do NHTM dự thảo có nhiều ràng buộc, rủi ro đều rơi về phía các HTX. Thực tế, các NHTM thường tìm kiếm nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp, chưa mặn mà với đề nghị vay vốn của các HTX, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nâng cao năng lực sản xuất, quản lý

Như đã nói, hiện toàn tỉnh có 14 HTX được vay vốn từ các NHTM vì đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, trong số này có HTX chăn nuôi ngựa cỏ Lục Nam, xã Chu Điện (Lục Nam). Anh Nguyễn Tiến Tứ, Giám đốc HTX cho hay, chăn nuôi ngựa cỏ cần rất nhiều vốn vì giá mỗi con giống lên tới 50-60 triệu đồng. Ngoài vốn tự chủ, HTX có nhu cầu vay 4 tỷ đồng từ Phòng giao dịch Lục Nam của Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bắc Giang để đầu tư phát triển sản xuất. Do HTX có tài sản bảo đảm, quản lý tài chính rõ ràng, phương án sản xuất hiệu quả, mỗi năm lãi từ 6-8 tỷ đồng… nên được ngân hàng chấp thuận hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, lãi suất cho vay 0,59%/tháng.

 Các thành viên HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động sản xuất hương truyền thống.

Các thành viên HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động sản xuất hương truyền thống.

Anh Tứ chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Bên cạnh đáp ứng đủ điều kiện phía ngân hàng yêu cầu, vấn đề quan trọng không kém là HTX phải có phương án kinh doanh, sử dụng vốn hiệu quả. Theo đó, ngoài cung cấp cho thị trường ngựa thịt, ngựa giống, chúng tôi còn quan tâm chế biến sâu giúp nâng giá trị sản phẩm. Hiện đơn vị có sản phẩm nem, giò, cao ngựa tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩm cao ngựa đang được hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận OCOP.

Vừa phát triển sản xuất, HTX còn quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường”. Các HTX như: Nông nghiệp xanh Yên Thế; Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, Thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc (Yên Dũng)… cũng là những đơn vị được vay vốn từ NHTM với số tiền lớn. Điểm chung của các HTX là hoạt động sản xuất hiệu quả, tạo niềm tin cho phía ngân hàng.

Để tăng số lượng các HTX được tiếp cận vốn vay từ nhtm, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên rà soát, thống kê các HTX có nhu cầu vay vốn, sau đó gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang xem xét, chỉ đạo các nhtm tạo điều kiện cho HTX vay vốn. Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã gửi danh sách 9 HTX có nhu cầu vay vốn cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang và hiện 1 HTX đã được giải quyết cho vay. Đồng thời phát huy tốt vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả cho các đơn vị thành viên; triển khai đồng bộ các giải pháp giúp HTX nâng cao năng lực điều hành, quản trị, sản xuất, mở rộng thị trường.

Tại các hội nghị, hội thảo về chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX, nhiều đại biểu đại diện cho các sở, ngành cũng đề xuất giải pháp giúp các HTX tháo gỡ khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, các HTX cần không ngừng phát huy năng lực; từng bước tích lũy tài sản bằng cách thu hút thành viên có nội lực tài chính, sản xuất kinh doanh hiệu quả; quản lý tài chính đúng quy định; xây dựng phương án quản lý, sử dụng vốn vay hợp lý.

Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các NHTM chủ động rà soát, làm việc cụ thể nhằm giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn; thiết kế các gói sản phẩm phù hợp cho đối tượng vay là HTX và thành viên của HTX. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX nhằm tháo gỡ vướng mắc, giúp các tổ chức tiếp cận vốn thuận lợi.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-khoi-thong-nguon-von-cho-hop-tac-xa-080909.bbg
Zalo