Bắc Giang khởi động xúc tiến tiêu thụ vải thiều
Với tổng diện tích hơn 29,7 nghìn ha, năm nay, Bắc Giang dự báo được mùa vải thiều. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến mùa quả chín nên công tác tiêu thụ sản phẩm được các ngành chức năng, doanh nghiệp chủ động thực hiện.
Nhiều hợp đồng được ký kết
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang) đã sớm chuẩn bị cho khâu tiêu thụ mùa vải này. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, vụ vải năm ngoái, Công ty xuất khẩu được 70 tấn vải tươi sang châu Âu. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô, đơn hàng, phấn đấu đưa 600 tấn vải tươi và các sản phẩm chế biến sang châu Âu, Hoa Kỳ, Thái Lan. Để thực hiện mục tiêu, đến nay doanh nghiệp đã đầu tư một kho lạnh sức chứa hơn 1 nghìn m3, bảo đảm trữ nguyên liệu cho sản xuất; đồng thời đầu tư hai dây chuyền sản xuất sản phẩm tiêu thụ sang Hoa Kỳ, châu Âu.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco bảo quản thành công vải thiều bằng công nghệ cấp đông lạnh nhanh, sau nhiều tháng quả vải vẫn giữ được màu sắc, chất lượng.
Đặc biệt, với việc thử nghiệm thành công bảo quản vải thiều bằng công nghệ cấp đông nhanh và giữ nguyên màu sắc, chất lượng trong thời gian dài, Công ty dự kiến sẽ có sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhiều thị trường, người tiêu dùng sẽ không phải chờ đến vụ vải thiều mới được thưởng thức quả vải mà có sản phẩm dùng quanh năm. Đây cũng là một hướng giúp sản phẩm tăng giá trị, giảm áp lực tiêu thụ vải thiều cho người trồng nếu được nâng quy mô, tăng sản lượng bảo quản.
Theo bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (thị xã Chũ), năm nay doanh nghiệp tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống để xuất khẩu vải thiều như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Các sản phẩm chính gồm: Vải tươi, cùi vải đông lạnh đóng hộp, nước ép, dự kiến thu mua hơn 5 nghìn tấn nguyên liệu. Đến nay, các thiết bị, máy móc đã sẵn sàng. Công ty cũng khảo sát, thỏa thuận đặt hàng để thu mua sản phẩm.
Tại vùng trồng vải sớm Tân Yên với 33 mã vùng trồng (diện tích 1.036 ha) hiện đã có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với sản lượng 700 tấn. Cụ thể, Công ty cổ phần Mova Plus ký 500 tấn, Công ty cổ phần Dragonberry ký kết mua 200 tấn với giá ổn định.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với sản lượng lên đến hàng nghìn tấn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đến khảo sát, nắm bắt vùng trồng để tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch. Một số doanh nghiệp phối hợp sát sao cùng các nhà vườn chăm sóc vải thiều đáp ứng tiêu chuẩn đòi hỏi của các thị trường.
Chủ động xúc tiến, mở rộng thị trường
Năm nay, toàn tỉnh có hơn 29,7 nghìn ha vải thiều. Do thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa, đậu quả đạt cao, dự kiến được mùa, thời gian thu hoạch vải chín sớm bắt đầu vào khoảng từ sau ngày 20/5/2025. Tuy nhiên do đặc thù năm nay ít mưa, vải thiều có nguy cơ gặp hạn hán. Theo lãnh đạo xã Phúc Hòa (Tân Yên), những năm trước thường có nhiều đợt mưa xuân nên ở giai đoạn đậu quả non, cánh hoa tàn đều rơi xuống đất song năm nay do ít mưa nên phần lớn cánh hoa đọng lại trên cây, nguy cơ gây nấm bệnh. Để khắc phục, xã khuyến cáo bà con bơm nước rửa hoặc rung cành để cánh hoa khô rụng, đề phòng sâu bệnh hại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vải thiều tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Công Doanh.
Ông Nguyễn Văn Thuận, thôn Quất Du 2 nói: “Gia đình tôi trồng hơn 1 ha vải xuất khẩu. Trời không mưa, hai vợ chồng tôi phải cả ngày bơm nước để vừa tưới cây, vừa rửa cánh hoa tàn giúp làm sạch tàn dư thực vật, hạn chế sâu bệnh trú ngụ”. Nhiều hộ khác trong vùng vải sớm cũng lắp đặt hệ thống bơm tưới nước cho các vườn vải, lắp đặt thiết bị đo độ ẩm tại các khu vực trồng vải để kiểm soát điều kiện sinh trưởng.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa thông tin: “Hiện nay xã đang phối hợp hướng dẫn một cơ sở chuẩn bị các điều kiện để được công nhận bảo đảm đóng gói vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi được công nhận sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi khi đóng gói, xuất khẩu sản phẩm”.
Theo lãnh đạo xã Phúc Hòa (Tân Yên), những năm trước thường có nhiều đợt mưa nên cánh hoa tàn đều rơi xuống đất song năm nay do ít mưa nên phần lớn cánh hoa đọng lại trên cây, nguy cơ gây nấm bệnh. Để khắc phục, xã khuyến cáo bà con bơm nước rửa cành cây đề phòng bệnh hại.
Đồng hành với người sản xuất, doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, dự báo tình hình về sâu bệnh, hướng dẫn người trồng vải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều theo quy trình. Phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất cấp bổ sung các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo đảm điều kiện xuất khẩu vải thiều đến các thị trường quốc tế, phấn đấu toàn bộ diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng để quản lý. Cùng đó, kiểm tra, quản lý việc kinh doanh vật tư nông nghiệp; giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư sản xuất đầu vào, đặc biệt tại các vùng xuất khẩu vải thiều.
Ông La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiều, Sở chủ động làm tốt công tác kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, thương nhân lớn có kinh nghiệm, uy tín về kinh doanh tiêu thụ nông sản đến khảo sát, ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều; quan tâm, chú trọng thị trường truyền thống Trung Quốc, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Mới đây, đoàn công tác của tỉnh vừa có buổi làm việc với doanh nghiệp phân phối lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó sẽ có nhiều thuận lợi cho sản phẩm khi đưa vào thị trường này. Cuối tháng 4, Sở sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều có sự tham gia của cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương và một số tỉnh, thành phố. Tiếp tục làm việc với các đơn vị vận chuyển lớn, có uy tín để thống nhất quy cách đóng gói, hình thức bao bì và điểm tập kết hàng hóa chuyên nghiệp, bảo đảm vải thiều Bắc Giang đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước nhanh nhất với chất lượng tốt nhất.