Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Văn Lang

Với lợi thế đồng đất tương đối bằng phẳng, những năm qua, xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, xã phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Văn Lang.

Trồng bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Văn Lang.

Với diện tích đất trồng lúa 170ha, xã tập trung chỉ đạo Nhân dân bố trí cơ cấu giống và cây trồng đảm bảo khung lịch mùa vụ, tập trung trồng các loại lúa lai, lúa có chất lượng cho năng suất cao như: Thái xuyên 111, Nhị ưu 838, Thiên ưu 8... Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi một số diện tích gieo trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, chủ đạo là cây bí xanh, cà chua.

Được đưa vào canh tác hơn chục năm nay, bí xanh là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích trồng chính vào vụ Đông khoảng 80ha, cho doanh thu trên 15 tỷ đồng mỗi năm. Để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của cây trồng này, được sự hỗ trợ của huyện và các đơn vị chuyên môn, xã tập trung xây dựng thương hiệu, chú trọng sản xuất an toàn. Bí xanh Văn Lang đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và xây dựng vùng trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30ha. Đặc biệt, sản phẩm bí xanh Văn Lang đã đạt OCOP 3 sao và bước đầu xây dựng được mô hình sơ chế, chế biến sản phẩm bí xanh sấy lạnh, mở ra hướng đi mới trong nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong chăn nuôi, ngoài nuôi lợn, gà, xã đã phát triển một số mô hình nuôi dúi, thỏ, ong mật... cho thu nhập ổn định.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã phát triển với nhiều loại hình đa dạng, vừa đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng ngày càng lớn trong Nhân dân, vừa đảm bảo theo lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương. Các hộ kinh doanh dịch vụ mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã đầu tư máy móc thiết bị, trang bị các kiến thức, tham gia các lớp dạy nghề để chuyển đổi sang sản xuất các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 120 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, 11 xưởng cơ khí, chế biến gỗ đang hoạt động.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đồng chí Lê Trung Thành- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Căn cứ tình hình thực tế, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, thu hút nghề mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra bền vững”.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-o-van-lang-222960.htm
Zalo