Bắc Giang: chính thức khai mạc lễ hội Y Sơn Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng 12/2 (tức ngày 15 tháng Giêng), UBND xã Sơn Thịnh (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Y Sơn Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời được tổ chức hàng năm.
![Hội trường khai mạc buổi lễ. Ảnh: Duy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458249/00ec4e8f79c1909fc9d0.jpg)
Hội trường khai mạc buổi lễ. Ảnh: Duy Anh.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Hoàng Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Phạm Văn Nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; các cụ cao tuổi; các đồng chí Thường trực Đảng ủy, UBND, HĐND xã Sơn Thịnh cùng đông đảo Nhân dân trong xã, du khách thập phương.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Ngô Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết Lễ hội Y Sơn có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân trong vùng từ xa xưa.
![Cụ Hoàng Văn Đến (93 tuổi) đánh trống khai hội. Ảnh: Duy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458249/a29ff8fccfb226ec7fa3.jpg)
Cụ Hoàng Văn Đến (93 tuổi) đánh trống khai hội. Ảnh: Duy Anh.
Thông qua Lễ hội Y Sơn, người dân có dịp thể hiện nét văn hóa truyền thống của địa phương; được hòa mình vào không khí vui tươi của lễ hội. Bên cạnh đó, còn giúp Nhân dân được bày tỏ, làm lễ để tạ ơn trời, phật đã ban cho mọi người một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Lễ hội cũng là nơi để người dân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhau về văn hóa, tín ngưỡng, từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân; khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, tinh thần cộng đồng cho thế hệ trẻ hiện nay và các thế hệ mai sau.
![Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương. Ảnh: Duy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458249/baacd1cfe6810fdf5690.jpg)
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương. Ảnh: Duy Anh.
Đến hẹn lại lên, ngay sau những ngày vui tết, đón Xuân là đến Lễ hội Y Sơn, lễ khai mạc năm nay được tổ chức tại chùa Y Sơn, ngôi chùa tọa lạc ở phía Tây của ngọn núi Y Sơn.
Tương truyền rằng chùa là nơi Thánh phụ, Thánh mẫu qua thăm cầu tự về sinh ra Đức thánh Hùng Linh nên chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ Đức Thánh phụ, Thánh mẫu.
![Du khách thành tâm dâng hương. Ảnh: Duy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458249/9527ed44da0a33546a1b.jpg)
Du khách thành tâm dâng hương. Ảnh: Duy Anh.
Việc tổ chức Lễ hội Y Sơn ngày nay theo đúng nghi thức cổ truyền của người dân xưa. Điều này không chỉ góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của xã Sơn Thịnh nói riêng, huyện Hiệp Hòa nói chung góp phần tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã mà còn thể hiện tính cộng đồng, tình đoàn kết của Nhân dân trong huyện.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hội truyền thống Y Sơn huyện Hiệp Hòa xuân Ất Tỵ vẫn giữ nguyên sức cuốn hút, hấp dẫn người dân; bởi lễ hội là tinh hoa văn hóa Kinh Bắc, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, làm cho thế hệ hôm nay thấu hiểu, tri ân đối với công lao của tổ tiên, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
![Buổi chiều tại khu vực quanh chùa sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian. Ảnh: Duy Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458249/003b8d59ba1753490a06.jpg)
Buổi chiều tại khu vực quanh chùa sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian. Ảnh: Duy Anh.
Lễ hội Y Sơn năm nay được tổ chức trong 3 ngày, 14, 15 và 16 tháng Giêng, bao gồm các hoạt động: rước chân linh đức thánh từ Đền sang Chùa, lễ dâng hương hoa, lễ vật, tế lễ, chương trình văn nghệ, tổ chức các giải thể thao và trò chơi dân gian khác.
Để 3 ngày lễ diễn ra thành công tốt đẹp, Ban tổ chức mong mọi người về dự lễ hội hãy đề cao trách nhiệm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; giữ vệ sinh công cộng, chấp hành tốt nội quy, quy ước của lễ hội, của địa phương, chống các biểu hiện mê tín dị đoan.