Bắc Giang - Bắc Ninh thống nhất đề án sáp nhập đơn vị hành chính
Hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã thống nhất phương án dự kiến sáp nhập 8 cơ quan Đảng, 13 sở ngành và nhiều đơn vị khác trong lộ trình hợp nhất đơn vị hành chính.
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh hôm nay đã tổ chức hội nghị để thảo luận về phương án sắp xếp các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hai tỉnh hợp nhất, đồng thời xem xét dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đã trình bày dự thảo phương án và đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang. Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, sẽ thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 4.718,6 km², đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn quy định; quy mô dân số 3.619.433 người, đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn; và có 99 ĐVHC cấp xã trực thuộc. Tên gọi của ĐVHC cấp tỉnh mới sẽ là tỉnh Bắc Ninh, với trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đề án cũng đưa ra phương án cụ thể về việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức, đơn vị của hai tỉnh sau hợp nhất. Đối với Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thực hiện theo Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương.
Đoàn đại biểu Quốc hội của hai tỉnh sẽ hợp nhất thành Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh (mới). Việc kiện toàn Trưởng đoàn và Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Đối với HĐND tỉnh, các Ban và đại biểu HĐND của hai tỉnh sẽ hợp nhất thành HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới) và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ.
Đối với các cơ quan chuyên môn giúp việc Tỉnh ủy, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng của 2 tỉnh: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Đảng ủy các cơ quan tỉnh, Đảng ủy UBND tỉnh.
Thành lập Báo và Đài Phát thanh - truyền hình Bắc Ninh trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan: Báo Bắc Giang, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình Bắc Giang, Đài Phát thanh và truyền hình Bắc Ninh.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang là tuyến đường huyết mạch nối 2 tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cùng các tổ chức bên trong cơ quan Ủy ban MTTQVN (sẽ có đề án riêng).
Các Ban của HĐND tỉnh (Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế) của cả hai tỉnh cũng sẽ được hợp nhất để thành lập các Ban tương ứng thuộc HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới).
Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND của hai tỉnh sẽ hợp nhất thành Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Bắc Ninh (mới).
Về việc sắp xếp các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, dự kiến sẽ hợp nhất 13 sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của hai tỉnh, bao gồm: Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nội vụ; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; và Ban Quản lý các Khu công nghiệp.
Thành lập, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị do đặc thù của mỗi tỉnh, gồm: Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Giang và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về tôn giáo, tín ngưỡng từ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.
Tổ chức lại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Ninh đang là cơ quan thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh (là mô hình thí điểm thời gian đến hết năm 2026); tiếp nhận Trung tâm phục vụ hành chính công từ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, sắp xếp lại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang đổi tên thành Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Ninh sau khi tiếp nhận Trung tâm phát triển quỹ đất từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh chuyển về.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã phát biểu tại hội nghị, đề xuất giữ nguyên 4 Ban Quản lý dự án cấp tỉnh hiện có và đổi tên, triển khai các Ban Quản lý dự án cấp huyện thành Ban Quản lý dự án khu vực thuộc Ban Quản lý dự án cấp tỉnh để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang thực hiện.
Tiềm năng và dư địa phát triển lớn
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu khẳng định, Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán và văn hóa do có lịch sử hình thành và gắn bó lâu dài. Ông nhấn mạnh, sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có dư địa, tiềm năng và tương lai phát triển rất lớn.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu kết luận hội nghị.
Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với phương án sắp xếp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi hợp nhất hai tỉnh và dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang đề nghị cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến thảo luận của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện phương án và dự thảo đề án. Ông cũng yêu cầu khi có vấn đề phát sinh, cần trao đổi ngay với Thường trực Ban Chỉ đạo để đảm bảo thời gian và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.