Ba Vì đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Huyện Ba Vì nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, có địa hình đa dạng và cảnh quan đặc sắc. Đặc biệt, Ba Vì có lợi thế vượt trội về hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa đặc sắc và mạng lưới giao thông thuận lợi.
Nhờ nỗ lực nâng cấp hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Ba Vì không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn, mà còn khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhận diện tiềm năng, phát huy lợi thế
Ba Vì sở hữu hệ sinh thái núi Ba Vì rộng 12.000ha với địa hình thấp dần từ Nam xuống Bắc, từ Tây sang Đông, chia thành hai khu vực chính sườn Đông và sườn Tây. Khu vực sườn Đông gồm các xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, nổi bật với những dòng suối tự nhiên và thác nước ngoạn mục, như: Khoang Xanh, Ao Vua, thác Mơ. Nơi đây tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, lý tưởng để phát triển các khu du lịch sinh thái. Trong khi đó, khu vực sườn Tây gồm các xã: Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng với cảnh quan rừng núi tự nhiên và sông Đà chảy qua, mang đến tiềm năng lớn cho du lịch nghỉ dưỡng và văn hóa.
Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, huyện Ba Vì còn là nơi giao thoa văn hóa của các dân tộc Kinh, Mường, Dao, tạo nên sức hút độc đáo cho du khách. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng trên đỉnh Ba Vì và đền thờ Bác Hồ là điểm đến tín ngưỡng hấp dẫn. Với những lợi thế vượt trội, huyện Ba Vì đang tập trung triển khai các nghị quyết và kế hoạch phát triển du lịch bền vững, phấn đấu đưa ngành Du lịch trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, nhận thức rõ tiềm năng và lợi thế, đồng thời khắc phục các khó khăn, hạn chế, huyện Ba Vì đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt và phổ biến các định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Nội dung này được truyền đạt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Để cụ thể hóa chủ trương phát triển, huyện ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối khu du lịch với vùng đồng bằng, như tỉnh lộ 414, quốc lộ 32 và các trục giao thông khác. Ngoài ra, Ba Vì còn chú trọng phát triển hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin; bảo tồn di tích; khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; trồng rừng và xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các thế mạnh du lịch, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng được khuyến khích phát triển.
Một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, như chè Ba Trại, miến dong Minh Hồng, sữa Ba Vì... được giới thiệu tại các điểm du lịch, tạo điểm nhấn và tăng tính cạnh tranh. Huyện cũng vận động doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan du lịch bền vững. Các dự án lớn như khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf và khu nước khoáng nóng được khuyến khích triển khai tại những điểm tiềm năng như: Hồ Suối Hai, Thuần Mỹ...
Ba Vì tập trung xây dựng nếp sống văn minh, phong cách giao tiếp lịch sự, đặc biệt tại các khu du lịch. Đồng thời, phát động phong trào vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, tạo cảnh quan sạch, đẹp. Các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc và vùng miền được giữ gìn và phát huy, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn cho du lịch Ba Vì.
Đa dạng trải nghiệm, hấp dẫn du khách
Nhờ đồng bộ các giải pháp, năm 2024, du lịch Ba Vì tiếp tục gặt hái nhiều thành tích ấn tượng, giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Hằng, ở phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Ba Vì vừa gần, vừa tiện, lại có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Ngoài những điểm đến quen thuộc, như: Ao Vua, Vườn quốc gia Ba Vì, các khu nghỉ dưỡng mới xây dựng đã có thêm nhiều lựa chọn thú vị". Còn ông Philip, một du khách người Anh bày tỏ ấn tượng: “Mỗi lần đến Hà Nội, ngoài tham quan phố cổ, tôi luôn dành thời gian đến Ba Vì. Không gian xanh mát, văn hóa đặc sắc của người Mường, người Dao và cảnh quan nơi đây thực sự cuốn hút. Nếu Hà Nội đầu tư thêm các khu du lịch đẳng cấp, Ba Vì sẽ trở thành một “hòn ngọc xanh” của Thủ đô, làm phong phú thêm trải nghiệm đa tầng văn hóa và không gian cho mọi du khách”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 đơn vị du lịch lớn, như: Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Melia Ba Vì, Amour Resort... cùng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Năm 2024, Ba Vì đón 2,8 triệu lượt khách, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu đạt 420 tỷ đồng (tăng 4,7%). Các hoạt động du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống.
Với thiên nhiên ưu đãi, sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, Ba Vì tiếp tục bứt phá, kỳ vọng trở thành “thành phố du lịch” của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng:
Phát triển xanh và hạ tầng đồng bộ
Ba Vì không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng du lịch nhờ thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa dạng, mà còn đang trên hành trình khẳng định vị thế của mình với chiến lược phát triển du lịch bền vững, lấy “xanh” làm cốt lõi. Một trong những giải pháp trọng tâm mà huyện Ba Vì đã và đang theo đuổi là xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái. Chúng tôi định hình phong trào “Sáng - xanh - sạch - đẹp” như một chương trình thi đua sâu rộng trên toàn huyện. Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, các làng quê ở Ba Vì đang dần trở thành những miền quê đáng sống, với nhà cửa ngăn nắp, làng xóm sạch, đẹp, những tuyến đường rực rỡ sắc hoa.
Chúng tôi cũng đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường bền vững, nhất là xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, cùng với việc triển khai chương trình phân loại rác thải tại nguồn. Đây là những bước đi chiến lược nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh của huyện, vừa bảo đảm sức hút du lịch dài lâu. Song song với đó, Ba Vì đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối các điểm du lịch trên địa bàn và rút ngắn khoảng cách với trung tâm Thủ đô. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến với Ba Vì, giảm thời gian di chuyển từ nội đô xuống còn khoảng 30 phút. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch, mà còn mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Với định hướng rõ ràng, sự đầu tư nghiêm túc vào môi trường và hạ tầng, cùng tiềm năng vốn có, chúng tôi tin rằng du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Ba Vì hướng tới không chỉ là điểm đến xanh - sạch - đẹp mà còn là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa độc đáo, gắn kết du lịch với đời sống cộng đồng.
Chủ tịch UBND xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Lập:
Giải quyết nút thắt đất đai
Yên Bài là điểm sáng về du lịch cộng đồng tại Ba Vì, với hàng trăm khu nghỉ dưỡng và homestay từ nhỏ đến lớn. Du lịch không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường tiêu thụ các đặc sản địa phương như bưởi, chè. Điều đáng mừng hơn nữa là ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh đã được cộng đồng nơi đây nâng lên rõ rệt, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bài toán khó khăn lớn nhất đối với Yên Bài vẫn là vấn đề đất đai. Trên địa bàn, hàng nghìn héc-ta đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, dù đã được bàn giao về cho địa phương quản lý từ lâu, vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Nhiều khu dân cư đã tồn tại ổn định từ vài chục năm nay, lại nằm trong diện quy hoạch đất rừng, khiến người dân không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh hay đầu tư vào các mô hình du lịch cộng đồng. Đây là một rào cản lớn trong việc phát huy tiềm năng du lịch của địa phương.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến trung ương sớm vào cuộc để tháo gỡ, giải quyết nút thắt về chính sách liên quan đến đất rừng và đất nông, lâm trường, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được thực hiện một cách minh bạch, nhanh chóng, giải quyết triệt để các tồn đọng nhiều năm qua.
Khi các nút thắt đất đai này được tháo gỡ, Yên Bài không chỉ thu hút thêm nhà đầu tư có tiềm năng, mà còn tạo đà để phát huy tối đa lợi thế sẵn có trong phát triển du lịch cộng đồng. Đây chính là cơ hội để Yên Bài vươn mình trở thành một điểm đến hấp dẫn, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của du lịch Ba Vì, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho cả người dân và địa phương.
Chủ homestay Rose Garden (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Mai Phương:
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Tôi chọn Ba Vì làm quê hương thứ hai, bởi sự cuốn hút của khí hậu trong lành, thiên nhiên tuyệt đẹp và những con người hiền hòa, thân thiện. Với tôi, Ba Vì không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn hòa mình vào không gian xanh và tận hưởng sự tĩnh lặng. Tuy nhiên, để Ba Vì thật sự trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và bền vững, tôi tin rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa chính là chìa khóa.
Ba Vì là vùng đất giàu truyền thống, nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Mường, Dao. Những làn điệu dân ca, phong tục tập quán, lễ hội và các nghề thủ công truyền thống, không chỉ là tài sản quý giá của cộng đồng, mà còn là "linh hồn" của du lịch nơi đây. Bảo tồn các giá trị này không chỉ là trách nhiệm của người dân, mà cần sự chung tay của chính quyền trong việc xây dựng các chính sách phát triển gắn với văn hóa. Tôi hy vọng các cấp chính quyền sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ hội văn hóa và khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc giữ gìn bản sắc.
Ngoài ra, hạ tầng du lịch cũng cần được đầu tư đồng bộ để kết nối các điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tôi tin rằng, khi du khách đến Ba Vì không chỉ được trải nghiệm không gian xanh, mà còn cảm nhận được sự đậm đà của bản sắc văn hóa, họ sẽ nhớ mãi và muốn quay trở lại.
Với định hướng phát triển du lịch xanh bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ thiên nhiên và gìn giữ văn hóa, Ba Vì sẽ không chỉ tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn trở thành điểm nhấn độc đáo trong bản đồ du lịch của cả nước. Tôi tự hào là một phần của hành trình này và mong rằng, Ba Vì tiếp tục vươn xa với những giá trị đặc trưng vốn có của mình.
Sơn Tùng ghi