Bà Tòng giữ lửa nghề thêu của người Dao Đỏ
Ở thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) giữa căn nhà lợp mái cọ đơn sơ nép mình dưới tán rừng đại ngàn, bà Phùng Thị Tòng vẫn đều đặn từng đường kim mũi chỉ, lặng lẽ gìn giữ và truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống cho con cháu trong bản Dao nơi đây.
Trong gian nhà sàn đơn sơ bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian, bà Tòng cẩn thận trải ra trước mắt chúng tôi những bộ váy áo truyền thống của người Dao Đỏ. Ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ giữa căn nhà mộc mạc, tôi lặng lẽ lắng nghe bà kể, giọng bà chậm rãi, trầm ấm như hơi thở của núi rừng, đưa tôi lạc vào miền ký ức xa xưa của tộc người Dao Đỏ. Vừa kể bà vừa kéo ra một bộ váy thêu tay, hoa văn rực rỡ trải dài như những dòng suối sắc màu đổ về từ quá khứ. Từng đường kim mũi chỉ tinh xảo là những câu chuyện thầm thì được dệt nên bởi bàn tay khéo léo và trái tim đầy yêu thương của người phụ nữ trong bản.

Bà Phùng Thị Tòng cùng với những người trong thôn trao đổi về cách thêu hoa văn trên vải thổ cẩm.
“Ngày xưa, cả làng Bản Biến ai cũng biết thêu”, bà kể, ánh mắt sáng lên giữa làn khói lam mỏng manh bên bếp lửa. Vào những ngày Tết, ngày hội hay khi nông nhàn, người lớn tuổi lại tụ họp truyền dạy cho con cháu từ cách chọn chỉ, lên khuôn đến từng đường thêu nhỏ nhất. Khi còn nhỏ, bà Tòng thường ngồi kề bên mẹ và bà ngoại, chăm chú quan sát từng mũi kim thêu, từng họa tiết hiện lên sống động như có hồn. Những buổi truyền dạy nghề thêumộc mạc mà ấm áp ấy đã gieo trong bà hạt mầm yêu nghề, bén rễ sâu trong tim từ lúc nào không hay.

Bà Tòng (bên trái) diện trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
Chiếc khăn mặt đơn giản là sản phẩm thêu tay đầu tiên của cô bé Tòng ngày nào, nhưng với bà, đó là niềm tự hào lớn lao, bước khởi đầu cho hành trình gìn giữ nghề thêu truyền thống của người Dao Đỏ. Năm 20 tuổi, bà tự tay thêu bộ trang phục cô dâu cho chính mình, bộ váy cưới rực rỡ sắc đỏ, từng đường thêu không chỉ là sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn là tình yêu, là niềm tự hào về cội nguồn. Bà gìn giữ bộ váy ấy đến tận bây giờ như một báu vật, thiêng liêng và bất tử với thời gian.
Dòng chảy truyền thống ấy tiếp tục được nối dài. Hai cô con gái của bà cũng được mẹ kiên trì dạy thêu từ tấm bé. Mỗi người đều có một bộ váy do chính tay mình hoàn thiện dưới sự dẫn dắt của mẹ. Rồi khi các cháu lần lượt ra đời, bà lại tỉ mẩn thêu những chiếc mũ xinh xắn để đón chào từng thành viên bé nhỏ trong gia đình.

Bà Tòng (thứ hai từ trái sang) cùng những người phụ nữ trong thôn chuẩn bị tham gia hoạt động văn hóa cộng đồng.
Không dừng lại ở đó, bà Tòng còn kiên trì dạy thêu cho lớp trẻ trong bản. Ban đầu, nhiều cháu nhỏ xem đó là nghề xưa cũ, lỗi thời. Nhưng bằng tấm lòng và sự nhẫn nại, bà đã khiến các cháu hiểu rằng, những hoa văn ấy là “dòng máu” văn hóa chảy từ đời này sang đời khác, là bản sắc, là ký ức và là niềm tự hào của người Dao Đỏ.
Thời gian trôi, nhiều người trẻ rời làng đi xa lập nghiệp. Nhưng mỗi lần trở về, họ lại tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà Tòng, quây quần bên bếp lửa đỏ hồng, nghe bà kể chuyện. Giọng kể của bà vẫn trầm ấm như ngày nào, dẫn dắt người nghe qua những nghi lễ linh thiêng, những bài học tổ tiên để lại.

Gia đình bà Tòng giữ lại ngôi nhà truyền thống để phục vụ du khách tham quan.
Năm 2024, bà Tòng đã mở rộng cánh cửa ngôi nhà truyền thống để đón du khách bốn phương. Du khách đến với homestay của bà không chỉ được nghỉ ngơi, mà còn được thưởng thức hương vị văn hóa. Từ bộ váy áo rực rỡ được thêu tay tinh xảo, đến những món ăn dân tộc thơm lừng do chính tay bà Tòng chế biến. Bằng giọng kể nhẹ nhàng, ấm áp, bà dẫn lối cho mỗi người tìm về cội nguồn văn hóa xa xưa của người Dao Đỏ nơi đây.