Bà Rịa - Vũng Tàu: Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên người và gia súc

Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella trên người và bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Ngành Y tế và cơ quan chức năng địa phương đã và đang khẩn trương dập dịch.

Nhân viên y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Nguồn: Sở Y tế.

Nhân viên y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. Nguồn: Sở Y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh ghi nhận 12 trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella, trong đó, 3 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Những trường hợp này đều bị lây nhiễm chéo từ nơi khác, chưa ghi nhận bệnh phát sinh tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 trường hợp ho gà, gồm 2 ca xét nghiệm dương tính, 1 trường hợp nghi ngờ lâm sàng. Tất cả trường hợp này là những ca bệnh tản phát, chưa ghi nhận ổ dịch.

Trong bối cảnh các địa phương phía Nam từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella; trong đó, khoảng 440 trường hợp dương tính với vi rút sởi, hơn 100 trường hợp ho gà, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Phương án chủ yếu là “lấp khoảng trống miễn dịch” do gián đoạn tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh trên cả nước từ năm 2021, khi cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và viện khu vực... đã cung ứng đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho tỉnh theo kế hoạch dự trù hằng tháng, hằng quý mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị. Về phần mình, địa phương đã và đang tăng cường tuyên truyền để các bậc phụ huynh biết và đưa con em đến các điểm tiêm vắc xin. Về phía ngành Y tế, tổ chức tiêm ngay khi có vắc xin. Hiện, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đăng ký đề xuất đối tượng và nhu cầu vắc xin Td (uốn ván - bạch hầu giảm liều) để tiêm cho trẻ 7 tuổi trên địa bàn từ tháng 9-2024 theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

“Các bệnh như: Ho gà, sởi, bạch hầu... đã có vắc xin phòng ngừa. Việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra”, bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo.

Lịch tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguồn: Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Lịch tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguồn: Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Còn Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát hiện ngày 14-8 trên đàn lợn nuôi tại xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) đã kịp thời được khống chế và kiểm soát. Theo đó, ổ dịch này do hộ chăn nuôi nhập lợn về nuôi, nhưng không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương. Sau 14 ngày, kể từ ngày nhập về nuôi, 19/30 con lợn thịt xuất hiện triệu chứng sốt cao, nằm yên một chỗ, bỏ ăn. Qua kiểm tra, số lợn này bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cơ quan chức năng đã phối hợp các ban, ngành, địa phương hướng dẫn chủ hộ tiêu hủy lợn mắc bệnh chết, lấy mẫu bệnh phẩm và cấp phát hóa chất sát trùng để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi 2 lần/ngày, thực hiện trong 7 ngày liên tiếp... Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc là một trong những trung tâm chăn nuôi gia súc, từ đầu năm đến nay, tại đây xảy ra 2 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn phải tiêu hủy là 123 con, tương đương 3.566kg.

Chí Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ba-ria-vung-tau-khan-truong-phong-chong-dich-benh-tren-nguoi-va-gia-suc-675445.html
Zalo