Tổng thống Indonesia Joko Widodo và những di sản nổi bật trong một thập kỷ cầm quyền

10 năm cầm quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo để lại nhiều dấu ấn với các chính sách thiết thực cho người dân và nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: Jakarta Daily)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: Jakarta Daily)

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Indonesia vào tháng 10/2014, ông Joko Widodo đã cải thiện mức sống và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua tăng trưởng kinh tế và các chính sách chiến lược.

Trong bối cảnh quá trình chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Prabowo Subianto đang đến gần, Indonesia cần bảo đảm việc tận dụng hơn nữa ASEAN nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia và xây dựng vai trò là một nhà lãnh đạo mới nổi trong thế giới đang phát triển.

Tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế

Sau 10 năm nắm quyền, ông Joko Widodo đã đưa Indonesia trở thành một đất nước được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế lành mạnh và có vị thế quốc tế lớn hơn. Không thể phủ nhận rằng các chính sách của chính quyền Widodo đã nâng cao mức sống của hàng triệu người Indonesia và củng cố ảnh hưởng quốc tế của quốc gia này.

Cụ thể, ông Joko Widodo đã chủ trì sự chuyển dịch của Indonesia sang một bình diện kinh tế mới với các ưu tiên thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giải quyết các thách thức của tình trạng nghèo đói cùng cực, đồng thời khẳng định vai trò lớn hơn của Jakarta trong các vấn đề quốc tế với tư cách là bên ủng hộ lợi ích của các nước đang phát triển.

Một thành tựu đáng chú ý trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Widodo là việc Indonesia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2022, thời điểm vô cùng khó khăn khi thế giới có nhiều xung đột, bất ổn.

Ngoài ra, di sản của ông Widodo còn nằm ở công lao của các cánh tay đắc lực của ông, nổi bật nhất là Bộ trưởng Tài chính “cứng như thép” và có năng lực cao Sri Mulyani Indrawati, hay Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Basuki Hadimuljono.

Mặc dù vậy, cũng cần thừa nhận những ảnh hưởng phát sinh từ di sản tài chính của việc chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng hay những thách thức chưa được giải quyết của cải cách thể chế mà của Tổng thống Widodo để lại cho người kế nhiệm.

Hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia làm Chủ tịch vào tháng 11/2022. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh G20 do Indonesia làm Chủ tịch vào tháng 11/2022. (Nguồn: Reuters)

Tăng cường vai trò trong ASEAN

Môi trường trí thức tương đối cởi mở ở Indonesia, bất chấp áp lực đối với nhiều khía cạnh khác của nền dân chủ, là một nguồn lực cho toàn bộ khu vực.

ASEAN đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với nhu cầu nâng cấp các thể chế và chương trình nghị sự chính sách của mình để củng cố tầm quan trọng của khối như là điểm tựa của hợp tác đa phương ở Đông Á. Sự tham gia của Indonesia vào nỗ lực này là cần thiết để thành công.

Việc đảm nhận vai trò lãnh đạo trong ASEAN đối với Indonesia là một cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế quốc tế.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á chắc chắn sẽ cần sự tham gia của Indonesia trong những năm tới để duy trì mọi nỗ lực cải cách đưa ASEAN đi đúng hướng và sự ổn định cơ bản của nền chính trị Indonesia là một lợi thế trong vấn đề này.

Đối với ASEAN, điểm tích cực về chính trị dưới thời Tổng thống Widodo chính là sự ổn định mạnh mẽ có thể được huy động bởi giới lãnh đạo chính sách đối ngoại của Indonesia, cả trong và ngoài chính phủ, để xây dựng sự đồng thuận rằng Hiệp hội là nền tảng quan trọng mà Indonesia có thể tận dụng lợi ích quốc gia của mình cũng như áp dụng năng lực của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo của thế giới đang phát triển và không liên kết.

(theo East Asia Forum)

Quang Huy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-indonesia-joko-widodo-va-nhung-di-san-noi-bat-trong-mot-thap-ky-cam-quyen-285970.html
Zalo