Bà Rịa – Vũng Tàu: Hướng dẫn quy tắc '6 không' giúp trẻ em phòng chống lừa đảo qua mạng

Các em học sinh được hướng dẫn quy tắc '6 không' để tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng, đồng thời được giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách xử lý các vấn đề gặp phải trong quá trình hoạt động trên không gian mạng.

 Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Hữu Chiến

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Hữu Chiến

Ngày 20.12, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức diễn đàn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”.

Diễn đàn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng số và nâng cao nhận thức cho học sinh về việc tự bảo vệ bản thân khi sử dụng internet. Nội dung tập trung vào cách nhận diện, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại và lừa đảo qua mạng; hướng dẫn trẻ em tương tác an toàn, sáng tạo trong không gian mạng ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Hữu Chiến nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận internet, nhưng đồng thời cũng đặt các em trước nhiều nguy cơ như bị tiết lộ thông tin cá nhân, lôi kéo vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục và lừa đảo qua mạng”.

Theo ông Trương Hữu Chiến, năm 2023 có 3 nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 thủ đoạn phổ biến. Đặc biệt, nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm vào phụ huynh và người lớn tuổi như giả danh giáo viên thông báo tình huống cấp cứu, lừa đảo tuyển người mẫu nhí, cài cắm link quảng cáo tín dụng đen hay đánh cắp thông tin CCCD để vay nợ.

 Quy tắc “6 không” giúp trẻ em phòng chống lừa đảo qua mạng

Quy tắc “6 không” giúp trẻ em phòng chống lừa đảo qua mạng

Tại diễn đàn, học sinh được hướng dẫn quy tắc “6 không” để tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng, gồm có:

Không kết bạn, trò chuyện với người lạ;

Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, tài khoản ngân hàng cho người không quen biết;

Không tham gia các hội nhóm không rõ mục đích; không truy cập vào các đường link, tệp đính kèm từ người gửi không xác định;

Không thực hiện chuyển khoản hay đặt cọc trước cho người lạ;

Không tin vào các cuộc gọi giả danh cán bộ nhà nước, công an hay đơn vị tài chính yêu cầu điều tra qua điện thoại.

Ngoài ra, các em còn được báo cáo viên hướng dẫn cách nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, bảo mật thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn.

 Các em học sinh đặt câu hỏi, chia sẻ tình huống cụ thể tại diễn đàn

Các em học sinh đặt câu hỏi, chia sẻ tình huống cụ thể tại diễn đàn

Diễn đàn thu hút sự quan tâm và tương tác sôi nổi của các em học sinh. Nhiều em đã đặt câu hỏi, chia sẻ tình huống cụ thể và giải pháp xử lý khi gặp rủi ro trên môi trường mạng. Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cũng có những chia sẻ thiết thực, giúp học sinh hiểu rõ hơn về kỹ năng tự bảo vệ và xây dựng thói quen sử dụng internet lành mạnh.

Sự kiện đã góp phần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản cho học sinh khi tham gia môi trường mạng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, cần sự chung tay của toàn xã hội để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh và sáng tạo cho trẻ em.

Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ba-ria-vung-tau-huong-dan-quy-tac-6-khong-giup-tre-em-phong-chong-lua-dao-qua-mang-post399934.html
Zalo