Ba 'ông lớn' viễn thông cùng hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt tay với DeepSeek

Ba tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc đã tích hợp các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của DeepSeek vào dịch vụ của mình...

DeepSeek trở thành niềm tự hào của Trung Quốc

DeepSeek trở thành niềm tự hào của Trung Quốc

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, ba công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom đã triển khai các mô hình AI của DeepSeek vào sản phẩm và dịch vụ.

Hãng tin Trung Quốc Communications Weekly, cho biết cả ba nhà mạng này đều đã nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) riêng trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, tới đây, họ chủ yếu sẽ sử dụng các mô hình DeepSeek để nâng cấp dịch vụ điện toán đám mây.

China Mobile, nhà mạng di động lớn nhất Trung Quốc, đã tích hợp tất cả các mô hình DeepSeek từ DeepSeek-V1 đến DeepSeek-R1 mới nhất vào nền tảng điện toán của mình. Công ty cho biết khách hàng có thể truy cập các mô hình này, triển khai giao diện lập trình ứng dụng (API) và tạo các trợ lý AI theo nhu cầu riêng.

Trong khi đó, China Telecom và China Unicom đã đưa mô hình DeepSeek-R1 (một chatbot AI chuyên lý luận) vào nền tảng điện toán đám mây của mình. Hiện tại, China Telecom là nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng lớn nhất Trung Quốc và đã vượt qua China Unicom để trở thành nhà mạng di động lớn thứ hai cả nước.

Không chỉ các nhà mạng viễn thông lớn của Trung Quốc tích hợp mô hình AI của DeepSeek, làn sóng ứng dụng công nghệ này đang diễn ra trên toàn ngành công nghệ Trung Quốc, từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, nhà phát triển chip đến các hãng sản xuất phần cứng như máy tính cá nhân và xe điện.

Các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent Holdings, Huawei Technologies, Baidu và Alibaba cũng đã tích hợp các mô hình AI mới của DeepSeek vào nền tảng của họ.

Bên cạnh đó, các công ty thiết kế chip hàng đầu như Moore Threads và Iluvatar Corex cũng đang tối ưu hóa phần cứng để hỗ trợ DeepSeek, với kỳ vọng công ty AI này sẽ dẫn đầu trong việc xây dựng một hệ sinh thái AI hoàn toàn tự động.

DeepSeek đang được tích hợp vào hàng loạt sản phẩm công nghệ nội địa Trung Quốc

Ngành sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc, từ máy tính cá nhân (PC) đến robot và xe điện (EV) cũng đang ứng dụng "trí tuệ" của DeepSeek vào hàng loạt sản phẩm của mình.

Những tên tuổi lớn như Lenovo, UBTech và Geely là những doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ DeepSeek vào sản phẩm của họ.

Lenovo đã tích hợp mô hình AI của DeepSeek vào trợ lý ảo Xiaotian trên PC, nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ, tạo mã, giải toán và suy luận.

Trong lĩnh vực robot, UBTech, nhà sản xuất robot hình người lớn nhất Trung Quốc cũng đang thử nghiệm ứng dụng AI của DeepSeek để giúp robot hiểu và thực thi các chỉ dẫn trong môi trường thực tế phức tạp, hỗ trợ quy trình vận hành trong nhà máy.

Về phía ngành công nghiệp xe điện, Geely đã tích hợp mô hình lý luận R1 của DeepSeek vào hệ thống AI Xinrui do hãng tự phát triển. Công nghệ này giúp xe hiểu và dự đoán nhu cầu của người lái.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phần cứng công nghệ, DeepSeek còn được đón nhận rộng rãi trong nhiều ngành khác.

Youdao, nền tảng giáo dục trực tuyến thuộc tập đoàn NetEase, tuyên bố sẽ “hoàn toàn ứng dụng DeepSeek-R1” nhằm thúc đẩy đổi mới trong công nghệ giáo dục.

Dược phẩm Giang Tô Hengrui, một công ty niêm yết tại Thượng Hải, cũng đã thông báo sẽ áp dụng công nghệ DeepSeek vào hoạt động kinh doanh của mình.

Sự phát triển của DeepSeek phần lớn nhờ vào mã nguồn mở, cho phép bất kỳ cá nhân/tổ chức nào tiếp cận, chỉnh sửa và mở rộng công nghệ. Trong nhiều thập kỷ qua, các mô hình nguồn mở tiên tiến chính là động lực thúc đẩy ngành công nghệ Trung Quốc vươn xa, giúp các doanh nghiệp nước này nhanh chóng áp dụng AI để nâng cao hiệu suất và đổi mới sản phẩm.

Hạ Chi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ba-ong-lon-vien-thong-cung-hang-loat-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc-da-bat-tay-voi-deepseek.htm
Zalo