1. Nằm ở trung tâm khu đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, Chùa Cầu Hội An, còn có tên gọi Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, là công trình kiến trúc độc đáo và nổi tiếng bậc nhất của Di sản thế giới này.
Cầu được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.
Về tổng thể, cầu dài khoảng 18 mét, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Mái Chùa Cầu lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Cả chùa và cầu đều được dựng bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt trước của chùa quay về phía bờ sông.
Tuy gọi là chùa nhưng Chùa Cầu không thờ Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.
2. Bắc qua một con mương ở làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu ngói Thanh Toàn được xây vào năm 1776 bằng tiền cúng của một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần ở địa phương là bà Trần Thị Ðạo.
Cầu dài 16,85 mét và rộng 4,63 mét, được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu) chia làm 7 gian. Phần cầu nằm trên hệ thống trụ đỡ có 3 hàng, mỗi hàng có 6 cột. Hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để khách vãng lai nằm nghỉ hoặc ngồi tựa lưng.
Gian giữa cầu được thiết kế rộng nhất và ở đó cũng là nơi đặt bàn thờ để thờ bà Trần Thị Đạo – người khai sinh ra cây cầu. Đây là địa điểm sinh hoạt tâm linh quan trọng của dân làng vào những dịp lễ, Tết.
Trải qua hơn hai thế kỷ, cầu đã nhiều lần bị hư hại do hứng chịu thiên tai cũng như sự tàn phá của chiến tranh. Sau mỗi lần cầu hư hỏng, người dân địa phương lại đóng góp tiền bạc, công sức để tu sửa, giúp cầu giữ được nét kiến trúc từ thuở ban đầu.
3. Nằm ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cầu Khum có tuổi đời nhiều thế kỷ, là một cầu ngói cổ mang kiến trúc độc đáo hiếm có của khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như toàn Việt Nam.
Tượng tự Chùa Cầu Hội An hay cầu ngói Thanh Toàn, cầu Khum cùng được xây kiểu "thượng gia hạ kiều". Nhìn từ xa, cầu khum khum giống như một chiếc thuyền nan úp. Phần thượng gia dài trên 12 mét, chia làm 5 gian. Ba gian bên để trống làm sạp gỗ, là nơi nghỉ chân của người làng.
Hai bên sườn gian giữa cầu bịt kín làm bàn thờ Quan Thần Linh. Đây là một vị thần trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, thường được thờ cùng Thổ Địa, Thổ Công, Định phúc Táo quân...
Trước kia, Cầu Khum bắc qua con đường độc đạo đi vào làng, đóng vai trò như cổng làng. Những thập niên gần đây, khi các con đường mới được xây dựng, cầu Khum không còn nhiều giá trị về giao thông nhưng vẫn là một địa điểm tâm linh quan trọng của người dân địa phương.
Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.
Quốc Lê