Ba miền đất nước rộn ràng sắc xuân

Với hình sông dáng núi trải dài, từ lâu nước Việt đã định hình 3 miền Bắc, Trung, Nam theo chiều dài đất nước. Ở vùng miền nào cũng có những vẻ đẹp thiên nhiên đặc thù, những đặc sản riêng, những nét văn hóa riêng, làm nên bản sắc và thế mạnh riêng. Trong những ngày xuân này, chúng ta cùng tìm hiểu một đôi nét thú vị về đón xuân ở các cùng miền trên đất nước ta.

Minh họa: Họa sĩ Lâm Thao

Minh họa: Họa sĩ Lâm Thao

Nói về miền Bắc, các tỉnh miền núi phía Bắc đón xuân cũng khác các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Trong những ngày xuân này, tiết trời miền núi phía Bắc đêm và sáng khá lạnh với màn sương ẩm. Nhưng khi mặt trời lên thì sương giá tan mau, làm ửng hồng đôi má của các cô gái và lũ trẻ, sắc xuân bỗng trở nên rộn ràng, rực rỡ. Đâu đâu cũng rạng ngời bởi sắc màu của những bộ váy áo truyền thống dân tộc mà các chị em xúng xính diện đi chơi xuân, xuống chợ. Những cành đào gốc to, hoa dày bung nở tuyệt đẹp đầy nhựa sống. Rượu cần ở khắp nơi, những chảo thắng cố, lẩu ngựa sôi sùng sục, mùi thức ăn ngày Tết nồng nàn gia vị đặc trưng từ hạt mắc mật, mắc khén. Và đâu đây tiếng khèn gọi bạn thiết tha…

Những phong tục đẹp ngày xuân

Dù cho cách ăn Tết, chơi Tết 3 miền có khác nhau, nhưng những phong tục đẹp ngày Tết đến xuân về thì có nhiều điểm chung. Đó là phong tục khai bút đầu xuân; mừng tuổi (miền Bắc), lì xì (miền Nam); đi lễ ở đình, chùa; thăm viếng cha mẹ, họ hàng, thày cô; trồng cây, làm việc thiện…

Ngày xuân ở đồng bằng Bắc bộ, mọi người dường như hối hả hơn với việc thăm hỏi cha mẹ, họ hàng làng xóm và bầy biện trong nhà. Ngoài đào bích, đào phai, chậu quất truyền thống, nhiều gia đình mua chậu lan, chậu cúc về bầy. Cả những chậu mai vàng gửi chút nắng từ phía Nam chở ra Bắc cũng rất được ưa chuộng.

Người dân Bắc bộ sửa soạn mâm ngũ quả khá cầu kỳ, thế nào cũng phải có nải chuối tiêu thật to đẹp đặt ở dưới, hoa quả các màu rực rỡ bày ở trên. Phật thủ cũng là một loại quả không thể thiếu để bày bàn thờ dịp Tết, vì nó vốn được cho là có hình dạng như bàn tay Phật, lại đẹp, thơm và tươi lâu.

Cỗ Tết miền Bắc dù nhà nào có hiện đại đến mấy cũng khó lòng bỏ qua được bánh chưng, giò nạc, hành muối, thịt đông, nem rán và canh măng khô nấu bóng bì, những thực phẩm cao cấp có, bình dị có, mà sự kết hợp của chúng lại với nhau trở thành mỹ vị, thành nét văn hóa ẩm thực lâu đời.

Và dù có tất bật đến đâu thì sáng mùng 1, trong tiết trời se lạnh, các chị, các cô vẫn thả dáng thong dong trong tà áo dài truyền thống đi dạo phố, đi lễ chùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà an vui.

Xuôi xuống miền Trung ta thấy những điều khác lạ ngay từ khẩu vị và tục lệ. Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung là bánh tét; miền Bắc kho bò với gừng thì miền Trung có món bò kho mật mía, thịt ngâm mắm, rồi giò me (giò làm từ thịt bê), tôm chua, nem chua, chả ram. Người Bắc kiêng đầu năm ăn mực vì sợ gặp những chuyện “đen như mực”, nhưng người vùng biển miền Trung không lấy chữ “mực” đó làm phiền, mà coi là món khoái khẩu có thể dùng bất cứ thời điểm nào, đặc biệt vào dịp Tết lại càng phải có.

Trong không khí rộn ràng của xuân mới, người dân miền Trung náo nức chào xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng hoặc cành đào. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, khiến bao người con xa xứ nhớ nhung mỗi độ xuân về. Nhà ai cũng thế, dù mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị thì vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống, dân dã của quê hương này.

Đặc trưng Tết miền Nam chính là hoa mai. Trong bộ tranh Tứ Thời thường được các gia đình ưa chuộng treo để trang trí nhà cửa, thì hình ảnh hoa Mai được xếp đầu tiên rồi mới đến Lan - Cúc – Trúc. 5 cánh hoa mai là hình ảnh của 5 vị thần may mắn, của ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Mai cũng như đào biểu tượng cho sự trường thọ và viên mãn.

Nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”.

Trái cây trên bàn thờ của các gia đình Nam bộ thường là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Những loại quả này khi kết hợp lại, đọc chệch âm đi thì thành “cầu vừa đủ xài” – mong muốn của người dân trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều loại quả quý khác nhau, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, nhưng vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt lợn kho nước dừa. Trong suy nghĩ của người phương Nam, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Bánh tét Nam bộ có thêm nguyên liệu từ lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ, chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm. Mùng 1, mùng 2 Tết thường ăn các món trên kèm với dưa giá cho đỡ ngấy, sang ngày mồng ba sẽ làm thêm các món ăn khác như nấu cháo cá ám, ăn với rau ghém, chuối cây xắt mỏng và các loại rau thơm; cá lóc nướng ăn với lá bông súng non hay đọt vừng…

Người phương Nam đặc biệt chăm chút cho bàn tiệc ngày xuân, tuy nhiên cũng rất chú trọng tới việc “chơi xuân”. Tết chính là dịp thích hợp để mọi người trong làng, trong xóm tổ chức các trò chơi dân gian vào dịp đầu xuân như đu tiên, đua ghe, đi cà kheo, đập niêu đất... Khi đón Tết miền Nam, đặc biệt là miền Tây, mọi người thường tổ chức các trò vui chơi đầu xuân như: Đua xuồng 3 lá, kéo co, chọi gà, tát mương bắt cá, ô ăn quan hay đạp xe qua cầu khỉ. Thông qua đó, người dân sẽ được thư giãn sau một năm làm việc vất vả, chuẩn bị một tinh thần vui tươi chào đón năm mới. Điều này giúp gắn kết tinh thần cộng đồng và cùng nhau nguyện ước cho một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. /.

Ngân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ba-mien-dat-nuoc-ron-rang-sac-xuan-168852-168852.html
Zalo