Ba lô có thể cung cấp điện để đọc sách khi mặt trời lặn

Khi hoàn thành việc nhà, Innocent James thường thắp đèn dầu để đọc sách. Vùng Arusha phía bắc Tanzania không có điện nên gia đình đành mua dầu đốt đèn đắt đỏ để cậu bé học lúc trời tối.

Giờ đây, James đã 33 tuổi, vậy mà nhiều phụ huynh ở vùng nông thôn Tanzania - nơi quanh năm mặt trời lặn vào khoảng 7 giờ tối - vẫn phải lựa chọn giữa tiết kiệm tiền với cho phép con cái đọc sách ban đêm. Nhưng công ty Soma Bags của James đã đem đến một giải pháp tối ưu, đó là ba lô trang bị tấm pin mặt trời sạc điện đèn đọc sách.

Ba lô trang bị tấm pin mặt trời đem lại ánh sáng - Ảnh: UNDP Tanzania

Ba lô trang bị tấm pin mặt trời đem lại ánh sáng - Ảnh: UNDP Tanzania

Bắt đầu từ dự án quy mô nhỏ với bao xi măng bỏ đi, máy khâu cùng tấm pin mặt trời, Soma Bags nay trở thành doanh nghiệp thu hút rất nhiều tổ chức từ thiện và thương hiệu thời trang từ khắp nơi trên thế giới. Năm ngoái, công ty bán được 36.000 ba lô cho khách hàng khắp châu Phi, cung cấp nguồn điện vô giá khi mặt trời lặn.

Đem lại ánh sáng cho nông thôn

Mẹ và bà ngoại của James đều là giáo viên. Họ nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho anh từ nhỏ.

Lúc học đại học ở Mwanza, James bị sốc vì thấy nhiều học sinh trốn học đi xin tiền, chủ yếu để đến quán cà phê trò chơi điện tử địa phương. Từ đó anh muốn giúp các em tìm lại niềm yêu thích học tập.

James gây bất ngờ khi bỏ học kỳ cuối cùng và dùng học phí còn lại để mua một chiếc xe đẩy làm thư viện di động, sau đó đến các trường học thu hút hàng trăm học sinh đến đọc sách.

Nỗ lực trên gặp phải vấn đề lớn: học sinh mượn sách rồi trả lại khi chưa đọc. James nhận ra dù rất háo hức muốn đọc nhưng các em không đủ khả năng. Chưa đến một nửa số hộ gia đình Tanzania có điện sử dụng. Thậm chí ở nông thôn tỷ lệ này giảm còn 1/3. Nhiều nhà phải dựa vào đèn dầu để thắp sáng ban đêm.

Dầu rất đắt mà ánh sáng từ đèn lại lờ mờ. Chúng cũng gây ô nhiễm và dễ gây bỏng hoặc gây hỏa hoạn. Do đó, không ít phụ huynh chọn cho con đi ngủ thay vì mở đèn dầu đọc sách.

Lấy cảm hứng từ một giáo sư đại học luôn mang theo sạc năng lượng mặt trời bên mình, James giải quyết vấn đề bằng cách khâu tấm pin mặt trời bên ngoài ba lô cung cấp năng lượng cho đèn đọc sách. Năm 2016, anh tự tay làm 80 ba lô mỗi tháng. Tấm pin mặt trời sạc điện cho đèn lúc người đeo đi học lẫn tan học. Khi các em về nhà thì đèn có đủ năng lượng hoạt động 6 - 8 giờ. Một ngày trời nắng cung cấp đủ năng lượng để đọc sách nhiều đêm.

Ba lô trang bị tấm pin mặt trời gồm cả đèn đọc sách được bán với giá 12.000 - 22.500 shilling Tanzania (từ 4 - 8USD), tương đương 12 đến hơn 22 ngày sử dụng đèn dầu, theo khảo sát khách hàng do Soma Bags thực hiện.

Sản phẩm Soma Bags đã hiện diện khắp châu Phi - Ảnh: CNN

Sản phẩm Soma Bags đã hiện diện khắp châu Phi - Ảnh: CNN

Sản phẩm trên trở nên nổi tiếng thúc đẩy James tăng sản lượng. Năm 2019, anh thành lập Soma Bags rồi xây dựng nhà máy trên địa bàn làng Bulale một năm sau đó. Nhà máy hiện có 65 lao động. Ba lô được làm từ bao xi măng tái chế tìm thấy trên đường phố Mwanza nên rất bền, nhẹ, không phát thải và chẳng tốn chi phí nguyên liệu đầu vào. Tất nhiên sản phẩm cũng rất đẹp nhờ biểu tượng hươu cao cổ cùng sọc vàng - xanh lá cây.

Quan chức Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Joseph Manirakiza khen ngợi: “Thật sáng tạo! Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có người biết biến bao xi măng thải thành thứ hữu ích”.

Khách hàng mua ba lô chủ yếu là gia đình và trường học ở vùng nông thôn Tanzania, vốn quen biết James từ lúc anh thực hiện dự án thư viện di động. Tuy nhiên, ngày nay cũng có hơn 200 tổ chức từ thiện mua hàng để tặng cho trẻ em. Soma Bags ngày càng trở nên phổ biến ở thành thị.

Bên cạnh ba lô nhỏ tích hợp đèn đọc sách, công ty còn tung ra ba lô lớn tích hợp nguồn sạc dung lượng lớn hơn để sạc thiết bị khác như điện thoại. Họ còn sản xuất cả túi du lịch, túi thể thao, túi mỹ phẩm không trang bị tấm pin mặt trời. Các mặt hàng của Soma Bags đã hiện diện tại Nigeria, Rwanda, Madagascar, Congo, Kenyam Ba Lan, Đức, Hà Lan.

Ước tính hiện khoảng 600 triệu người dân châu Phi sống trong cảnh không điện. Năng lượng mặt trời được xem như lựa chọn hàng đầu giúp cải thiện tình hình.

Không chỉ Soma Bags, doanh nghiệp Smart Girls Uganda cũng sản xuất và phân phối hơn 12.000 túi năng lượng mặt trời của riêng mình cho trẻ em khắp lục địa đen.

Giám đốc điều hành Jamila Mayanja cho biết: “Mục đích của túi năng lượng mặt trời không chỉ là đem đến ánh sáng mà còn là trao cho trẻ em quyền kiểm soát việc học hành lẫn tương lai của bản thân, qua đó giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo trong cộng đồng của các em”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ba-lo-co-the-cung-cap-dien-de-doc-sach-khi-mat-troi-lan-228690.html
Zalo