Ba Lan: Quản lý bất động sản tại nhiều địa phương chưa hiệu quả

Sau khi thực hiện cuộc kiểm toán đánh giá tình hình quản lý hàng loạt bất động sản thuộc Kho bạc nhà nước tại nhiều địa phương, Kiểm toán nhà nước Ba Lan (NIK) bày tỏ lo ngại khi công tác quản lý bất động sản chưa đáng tin cậy, chưa chặt chẽ khiến thu nhập từ nhiều bất động sản không tương xứng với giá trị thực tế.

Nhiều bất động sản chưa được quản lý hiệu quả. Ảnh : ST

Nhiều bất động sản chưa được quản lý hiệu quả. Ảnh : ST

Thiếu sót tồn đọng hàng chục năm

Cuộc kiểm toán của NIK nhằm kiểm tra việc quản lý tài sản của Kho bạc Nhà nước; việc lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận giám sát lĩnh vực này. NIK tập trung thực hiện kiểm toán các văn phòng tại 4 tỉnh; các văn phòng thuộc 7 quận; các sở, ban, ngành tại 4 thành phố trong giai đoạn từ năm 2020-2023.

Báo cáo của NIK đã đưa ra một số phát hiện kiểm toán quan trọng. Theo đó, các cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật chi phí khai thác và hưởng hoa lợi từ bất động sản chưa sát sao trong theo dõi tình hình thị trường bất động sản, chưa cập nhật phí hằng năm, chưa đảm bảo nguồn thu từ bất động sản tương xứng với giá trị. Trong 8/11 đơn vị được kiểm toán, NIK phát hiện thấy 3.800 bất động sản có số liệu thu phí thường niên được lập hoặc cập nhật lần cuối cách đây tới 20 năm. Đặc biệt, ở thị trấn KędzierzynKoźle (tỉnh Opolskie), số liệu liên quan đến phí quản lý thường niên chưa bao giờ được cập nhật.

Trong một nửa số trường hợp được kiểm toán, NIK phát hiện nhiều sai sót trong công tác thu nợ; đặc biệt nhiều văn phòng quận đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào trong việc thu nợ hoặc thực hiện rất chậm trễ. Tình trạng này cùng với việc trốn tránh trả nợ của các đơn vị đã dẫn đến việc các khoản nợ ngày càng tăng cao.

Các cơ quan quản lý đã không đảm bảo việc ghi nhận chính xác bất động sản trong hồ sơ ngoại bảng (hồ sơ nguồn thu nhập không được ghi nhận theo thủ tục kế toán thông thường). Hồ sơ ngoại bảng không được lưu giữ hoặc lưu giữ không cẩn thận, mặc dù trước đó Bộ Tài chính đã đưa ra các khuyến nghị liên quan.

NIK ghi nhận các văn phòng quận đã có một số nỗ lực nhằm bảo vệ bất động sản, tuy nhiên các hành động của họ không có hệ thống và thường bao gồm các biện pháp can thiệp nhỏ lẻ, ít hiệu quả. Ngoài việc thiếu kế hoạch bảo vệ bất động sản, các động thái được thực hiện chậm trễ. Trong nhiều trường hợp, các văn phòng quận không yêu cầu kiểm tra định kỳ về tình trạng của các tòa nhà. Qua kiểm tra, NIK nhận thấy tình trạng của các tòa nhà đã và đang đe dọa đến sự an toàn của người dân, đồng thời ngày càng làm gia tăng tình trạng xuống cấp của tài sản.

Nhiều cơ quan không giám sát chặt chẽ việc quản lý nguồn tài nguyên bất động sản của Kho bạc Nhà nước tại các địa phương. Hơn nữa, các chính quyền tỉnh không xác định được nguyên nhân của tình trạng này, không giám sát hiệu quả của hoạt động thu nợ.

Kiểm toán nhà nước Ba Lan

Công tác giám sát của thống đốc các tỉnh đối với việc quản lý tài sản thuộc Kho bạc Nhà nước cũng bị chỉ trích là không phù hợp. Báo cáo của NIK dẫn chứng, các bộ phận của nhiều tỉnh chịu trách nhiệm giám sát nhưng không có thông tin về số nợ quá hạn thanh toán. Tại 2 tỉnh, dữ liệu này chỉ thu được trong quá trình NIK thực hiện kiểm toán.

Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản là nhiệm vụ cấp bách

NIK cũng nhận thấy việc bảo vệ tài sản để khỏi bị hư hại và phá hủy được thực hiện không đầy đủ. Trong báo cáo về tình hình tài sản của Kho bạc Nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Ba Lan cho biết, Kho bạc Nhà nước sở hữu tổng diện tích đất đai là 10,3 triệu ha. Báo cáo này gồm các thông tin về tình trạng pháp lý, giá trị và cơ cấu tài sản của Kho bạc Nhà nước nhưng không có dữ liệu về bất động sản do các cơ quan chức năng quản lý, đặc biệt là về giá trị của bất động sản đó, nguyên nhân do những dữ liệu này không được lưu trữ ở cấp trung ương.

Qua các phát hiện kiểm toán, NIK đã đưa ra một số khuyến nghị. Đối với Bộ Tài chính, NIK cho rằng Bộ cần xác minh nhu cầu cấp vốn cho nhiệm vụ liên quan đến quản lý các nguồn lực của Kho bạc Nhà nước và đưa vào kế hoạch chi tiêu ngân sách nhà nước tổng số tiền được phân bổ để thực hiện trong năm. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quy định các cơ quan chức năng phải ghi chép vào sổ sách kế toán những bất động sản mà Kho bạc Nhà nước giao cho các cơ quan quản lý.

Đối với lãnh đạo các tỉnh, NIK khuyến nghị cần tăng cường giám sát quá trình thu các khoản nợ liên quan đến việc quản lý bất động sản của Kho bạc Nhà nước; cung cấp đủ và đúng thời hạn các khoản trợ cấp cho các quận để hoàn thành nhiệm vụ đầy đủ và kịp thời.

NIK nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần cập nhật phí thường niên hưởng dụng vĩnh viễn nếu giá trị tài sản làm cơ sở xác định các khoản phí này khác biệt đáng kể so với giá thị trường; song song với đó cần thực hiện các hành động có kế hoạch và có hệ thống để bảo vệ tài sản của Kho bạc Nhà nước khỏi bị phá hủy và hư hại./.

(Theo NIK và tổng hợp)

YẾN NHI

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ba-lan-quan-ly-bat-dong-san-tai-nhieu-dia-phuong-chua-hieu-qua-33740.html
Zalo