Ba kịch bản tiềm tàng với kinh tế thế giới nếu ông Trump áp thuế thương mại mới

Thuế quan mới tiềm tàng của chính quyền Trump 2.0 có thể tạo ra các kịch bản khác nhau đối với kinh tế toàn cầu: từ đối đầu căng thẳng đến chia tách thành hai khối kinh tế riêng biệt.

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang tin theconversation.com ngày 23/12, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa mang lại hiệu quả như mong đợi khi thâm hụt thương mại của Mỹ không những không cải thiện mà còn tăng từ 195 tỷ USD trong quý đầu năm 2017 lên 260 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2021.

Do đó, chính sách thuế quan mới sắp tới của ông Trump được dự báo sẽ có sự khác biệt đáng kể so với trước đây. Thay vì áp dụng mức thuế tối đa 25% cho một số mặt hàng chọn lọc, lần này ông đề xuất áp dụng thuế 10% hoặc 20% cho phần lớn hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đặc biệt, Canada và Mexico có thể phải đối mặt với mức thuế 25%, trong khi các sản phẩm từ Trung Quốc có thể chịu mức thuế lên đến 60%. Vậy kịch bản nào có thể xảy ra đối với Mỹ, Vương quốc Anh và nền kinh tế toàn cầu?

Kịch bản đầu tiên: Đối đầu. Nếu ông Trump giữ vững lập trường về thuế quan toàn diện, một hậu quả có thể xảy ra là nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với giá cả cao hơn do hàng nhập khẩu đắt hơn. Nhu cầu đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất sẽ tăng lên, điều này có khả năng đẩy mức lương trong nước lên cao – và có thể dẫn đến lạm phát tăng vọt.

Không khó để tưởng tượng nền kinh tế Mỹ sẽ "tăng nhiệt" nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có những lực lượng kiềm chế. Thuế quan cao hơn và đầu tư lớn vào Mỹ rất có thể sẽ kích hoạt sự tăng giá của đồng USD, nghĩa là hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn tại biên giới, trước khi thuế quan được áp dụng. Điều này có thể làm giảm lạm phát.

Ngoài ra, lời hứa về việc sa thải hàng loạt trong khu vực công có thể làm giảm áp lực lên thị trường việc làm. Đổi mới công nghệ – ví dụ như thúc đẩy xe không người lái – cũng có thể chuyển đổi mọi thứ theo hướng tương tự.

Đáng chú ý, chính sách nới lỏng các quy định về môi trường trong lĩnh vực năng lượng, cùng với khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraine và khu vực Trung Đông, có thể góp phần làm giảm giá năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế thế giới.

Kịch bản thứ hai xoay quanh "nghệ thuật đàm phán", thể hiện qua cách tiếp cận giao dịch chính trị đặc trưng của ông Trump. Với việc đề cử Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính, người coi thuế quan như một "công cụ trừng phạt" trong cuộc chơi chính trị và kinh tế, Mỹ có thể sẽ đưa ra các điều kiện hấp dẫn để đổi lấy những nhượng bộ từ các đối tác.

Những nhượng bộ này có thể bao gồm việc tăng cường liên kết chính trị, thu hút đầu tư vào Mỹ, hoặc mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Một câu hỏi sẽ nổi lên là: liệu những thỏa thuận này có được mở rộng sang Trung Quốc không – và liệu Trung Quốc có chấp nhận chúng không? Nếu không, viễn cảnh về hai khối kinh tế – một khối tập trung vào Trung Quốc và khối còn lại tập trung vào Mỹ – là có thể xảy ra.

Trong kịch bản thứ ba, được đánh giá là ít khả năng xảy ra nhất, Trung Quốc có thể chấp nhận các yêu cầu của Mỹ về cân bằng thâm hụt thương mại song phương. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với tốc độ nhanh hơn so với thỏa thuận trước đây giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chiến lược này có thể giúp Bắc Kinh duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trong khi chờ đợi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.

Đối với các đồng minh của Mỹ như Vương quốc Anh và EU, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn. Với mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, các nhà sản xuất Anh trong lĩnh vực dược phẩm và máy móc sẽ chịu tác động đáng kể. Vương quốc Anh đứng trước thách thức về việc có nên áp dụng các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa Mỹ hay không, và nếu có thì ở mức độ nào.

EU, với tư cách là một khối có chính sách thương mại tương đối độc lập và quy mô kinh tế tương đương Mỹ, có động lực mạnh mẽ để đáp trả, có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện. Điều này đặt Vương quốc Anh vào tình thế khó khăn, buộc họ phải lựa chọn giữa duy trì mối quan hệ đặc biệt với Mỹ hay củng cố quan hệ thương mại với EU - thị trường gần nhất của họ. Đáng lo ngại hơn, xu hướng đóng cửa biên giới thương mại có thể là dấu hiệu cho những xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo theconversation.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-kich-ban-tiem-tang-voi-kinh-te-the-gioi-neu-ong-trump-ap-thue-thuong-mai-moi-20241223221548004.htm
Zalo