Ba giải pháp phòng ngộ độc rượu rởm
Tại Việt Nam, nhiều loại rượu được bán ở các cửa hàng, quán ăn thường do người dân tự nấu hoặc không rõ nguồn gốc.
Ai dễ ngộ độc rượu
Thời gian qua, cả nước ghi nhận rải rác nhiều ca ngộ độc rượu do uống phải rượu chứa cồn công nghiệp. Ví dụ, ngày 13/7, một gia đình 3 người và một người bạn ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, đã phải nhập viện sau khi uống hết 6 chai rượu loại 500ml, pha sẵn. Sau đó, một người đã tử vong. Ba trường hợp còn lại phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) rượu được uống để giải trí, giao tiếp, tăng cường ác mối quan hệ, dùng ngâm thuốc hoặc để nấu ăn. Rượu thực phẩm là rượu ethanol. Tuy nhiên, tại các bệnh viện, bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc rượu rởm, uống nhầm cồn công nghiệp methanol.
Theo bác sĩ Nguyên, hai nhóm ngộ độc rượu chứa methanol gồm:
- Những người mua sản phẩm chứa methanol thường là rượu trắng không rõ nguồn gốc, có giá rất rẻ và được quảng cáo là rượu tự nấu về uống dẫn tới ngộ độc.
- Uống cồn sát trùng rởm: Người nghiện rượu nghĩ rằng cồn y tế an toàn nên mua về pha ra uống và ngộ độc. Khi gia đình mang chai cồn đến, Trung tâm làm xét nghiệm đều chứa methanol nồng độ cao, có loại nồng độ lên tới 85-88% methanol.
Ngộ độc rượu rởm nguy cơ tử vong rất lớn. Bệnh nhân có các biểu hiện như mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong. Di chứng gồm mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động…
Trường hợp ngộ độc mạn tính sẽ có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù.
Bác sĩ Nguyên cho biết bệnh nhân uống phải methanol gây tổn thương não. Khi bệnh nhân vào cấp cứu, kết quả chụp phim cho thấy tổn thương não, mạch máu vỡ ra, phù não, nặng hơn bệnh nhân tai biến mạch máu não. Bệnh nhân được cứu sống nhưng vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề.
Lưu ý, khi ngộ độc rượu rởm, nạn nhân phải được đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế, không thể tự ý điều trị bằng các thuốc, thực phẩm được quảng cáo có tác dụng giải rượu.
Xây dựng mô hình mua bán có kiểm soát
Để tránh mua phải rượu rởm, bác sĩ Nguyên cho biết về lâu dài chúng ta cần có các giải pháp căn cơ như:
- Khuyến khích mô hình sản xuất, kinh danh mua bán có kiểm soát. Người sản xuất và kinh doanh phải đăng ký về sản phẩm chất lượng, có hóa đơn, mã hàng, đơn vị phân phối.
- Người mua rượu cần tuân thủ mua bán sử dụng các sản phẩm có đăng ký và được các cơ quan chức năng kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi sản phẩm không an toàn sẽ truy tìm được nguồn gốc và tiến tới sản phẩm an toàn hơn. Trường hợp rượu chai không mã vạch, nhãn mác, người mua cần biết rõ nơi nấu rượu, nấu theo cách thủ công, lên men truyền thống. Tuyệt đối không nên tham rượu rẻ, không rõ nguồn gốc.
- Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm giả, không an toàn.