Ba địa phương Đông Nam Bộ hợp nhất, hướng tới siêu đô thị quốc tế

Việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ nhằm tối ưu nguồn lực mà còn tạo đột phá về thể chế, chính sách, hướng tới hình thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế, là động lực tăng trưởng của cả vùng và đất nước.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị, hiện ba địa phương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xem xét; đồng thời tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo đúng quy định trước khi trình HĐND các tỉnh, thành phố quyết nghị. Việc hoàn thiện và trình Đề án lên Chính phủ được bảo đảm đúng tiến độ, thời hạn theo yêu cầu là trước ngày 1/5/2025.

Theo Đề án, trụ sở chính trị - hành chính của TP. Hồ Chí Minh mới sẽ đặt tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời có thêm hai cơ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương nhằm bảo đảm vận hành ổn định bộ máy trong giai đoạn đầu. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án tối ưu về tổ chức bộ máy.

Sau sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hồ Chí Minh mới sẽ là 168 đơn vị, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu, giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính hiện có.

Ba địa phương đã thống nhất không sử dụng tên trùng lặp trong toàn thành phố mới nhằm thuận tiện trong công tác quản lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai. Tên gọi các đơn vị hành chính mới được đặt theo nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp truyền thống, văn hóa, lịch sử từng địa phương, ưu tiên những địa danh tiêu biểu, mang dấu ấn sâu đậm trong tâm thức cộng đồng. Dự kiến, TP. Hồ Chí Minh sẽ có các phường mang tên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định; tại Bà Rịa - Vũng Tàu có phường Bà Rịa, phường Vũng Tàu, xã Đất Đỏ; còn Bình Dương có phường Bình Dương, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An...

Khu vực phường Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) sau sáp nhập đơn vị hành chính

Khu vực phường Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) sau sáp nhập đơn vị hành chính

Liên quan điều chỉnh địa giới hành chính, các địa phương đã rà soát, thực hiện điều chỉnh một số khu vực nhằm khắc phục bất hợp lý, bảo đảm quản lý hiệu quả, an ninh trật tự lâu dài và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính. TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương thống nhất đưa vào Đề án nội dung điều chỉnh địa giới để toàn bộ diện tích Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuộc về một xã mới.

Trong quá trình xây dựng Đề án sáp nhập cấp tỉnh, các cơ quan chức năng của ba địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, xây dựng phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở, sắp xếp nhân sự phù hợp với yêu cầu quản lý mới. Ưu tiên hàng đầu là tạo điều kiện ổn định tâm lý, giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giữ lại và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Ban Chỉ đạo đã hoàn tất việc xây dựng, bổ sung Đề án sắp xếp, hợp nhất ba địa phương trên cơ sở bảo đảm duy trì và vận hành ổn định các hệ thống thông tin, dữ liệu và hạ tầng công nghệ sau hợp nhất.

Trong thời gian tới, ba địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, trình Ban Chỉ đạo và cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời, xây dựng Đề án kết thúc hoạt động các đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ và thành lập các đảng bộ cấp xã mới. Công tác chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy tại các phường, xã cũng đang được triển khai đồng bộ.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại hội nghị về Đề án sáp nhập đơn vị hành chính 3 địa phương Đông Nam bộ, hướng tới xây dựng siêu đô thị quốc tế. Ảnh: Mạnh Thắng

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại hội nghị về Đề án sáp nhập đơn vị hành chính 3 địa phương Đông Nam bộ, hướng tới xây dựng siêu đô thị quốc tế. Ảnh: Mạnh Thắng

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ ba địa phương cùng hội đàm, trao đổi thẳng thắn về công tác sáp nhập, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong hành trình xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị tầm cỡ quốc tế – cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là niềm tin, kỳ vọng của cả nước.

Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, việc hợp nhất nhằm tối ưu hóa không chỉ các nguồn lực hữu hình như ngân sách, tài sản, quỹ đất, kết cấu hạ tầng… mà còn là cơ chế, chính sách, thể chế và không gian phát triển mới – nơi các sáng kiến sẽ được triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ hơn.

Thách thức lớn nhất hiện nay là đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, kịp thời. Trách nhiệm trước mắt là lựa chọn, bố trí đội ngũ nhân sự đủ phẩm chất, năng lực để gánh vác trọng trách trong bộ máy mới; đồng thời xử lý thấu tình đạt lý các chính sách đối với từng cán bộ, công chức, viên chức – bảo đảm người tiếp tục công tác yên tâm cống hiến, người không tiếp tục vẫn nhận được sự quan tâm đúng mực.

Thạc Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ba-dia-phuong-dong-nam-bo-hop-nhat-huong-toi-sieu-do-thi-quoc-te-10372821.html
Zalo