Australia và Việt Nam thành lập trung tâm công nghệ chiến lược
Trung tâm Công nghệ chiến lược Australia-Việt Nam thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ chiến lược giữa hai quốc gia như ứng dụng 5G, nghiên cứu 6G, an ninh mạng, AI, nghiên cứu mạng thông tin phi truyền thống, truyền thông trong không gian và công nghệ lượng tử.
Trung tâm được thành lập dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam, được vận hành với sự hợp tác giữa Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT) và Nokia.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn thăm UTS Tech Lab năm 2023.
Ông Brendan Dowling, Đại sứ Australia về An ninh mạng và Công nghệ quan trọng cho biết, sáng kiến này sẽ đưa cả hai quốc gia lên vị trí hàng đầu trong công nghệ số kết nối toàn cầu, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, an ninh. “Trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia, trung tâm nghiên cứu này nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ chiến lược, bao gồm khai thác tiềm năng của công nghệ 5G và 6G. Trung tâm sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo công nghệ và sản xuất cũng như tăng cường sự ổn định không gian mạng trong khu vực chung của chúng ta,” ông Dowling nói.
Sự hợp tác này được khởi xướng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tới Australia và UTS Tech Lab vào năm 2023. Trong chuyến đi, các cuộc thảo luận với các đối tác và lãnh đạo công nghệ của Australia đã nhấn mạnh nhu cầu làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa hai nước trong nghiên cứu và đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sáng kiến này đến vào thời điểm quan trọng đối với Việt Nam. “Những tiến bộ trong công nghệ kết nối 5G/6G là chìa khóa để thực hiện Nghị quyết 57 của Đảng trong đó xác định chuyển đổi số quốc gia, khoa học và công nghệ là động lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. Sự hợp tác sẽ quy tụ các nhà khoa học hàng đầu, chuyên gia công nghệ, và các nhà hoạch định chính sách tạo nhằm khai thác tiềm năng của 5G cũng như nghiên cứu 6G, công nghệ nền tảng của chuyển đổi số quốc gia” ông nói.
Giám đốc trung tâm, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Điệp cho biết “Công nghệ kết nối như 5G là nền tảng cho phép ứng dụng các công nghệ khác như AI, sản xuất thông minh”. Đối tác công nghệ của trung tâm, Nokia, dự đoán 5G và công nghệ 5G thế hệ sau có thể đóng góp tới 8.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2030. Điều này mở ra tiềm năng trưởng mới cho cả Việt Nam và Australia.
Theo đó, trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia - Việt Nam sẽ phát triển các ứng dụng 5G và các công nghệ chiến lược nhằm thúc đẩy và tận dụng lợi thế công nghệ, chuyển đổi số mà hai quốc gia cùng quan tâm. Ngoài ra, thông qua việc hợp tác, chúng tôi mong muốn phát triển một trung tâm nghiên cứu có tầm nghìn toàn cầu trong lĩnh vực an ninh mạng và các công nghệ mới như AI, bán dẫn, năng lượng sạch, môi trường.
Trung tâm sẽ trang bị một mạng 5G độc lập (cung cấp bởi Nokia) là môi trường thí nghiệm được kiểm soát để thử nghiệm và tối ưu hóa các ứng dụng 5G. Thông qua đó các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu có thể phát triển các giải pháp thực tế. Hệ thống cũng giúp thử nghiệm tìm ra các lỗ hổng trong hệ thống 5G và tìm giải pháp khắc phục.

Đại diện Bộ KHCN, Bộ Ngoại Giao và Thương mại Australia, UTS, Nokia, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) ngày 20/3/2025.
Với sứ mệnh kết nối nghiên cứu, công nghiệp và chính sách, bên cạnh việc thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu 5G hiện đại, Trung tâm Công nghệ Chiến lược Australia-Việt Nam tài trợ các dự án “hạt giống” công nghệ chiến lược cho các nhà khoa học Việt Nam và Australia, học bổng và chương trình đào tạo cho các kỹ sư, nhà quản lý, nghiên cứu trẻ, sinh viên toàn quốc.
Đặc biệt, chương trình cố vấn dành cho phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và giải thưởng sáng tạo cho các nhà khoa học nữ nhằm tôn vinh, khuyến khích các cống hiến của nữ giới trong công nghệ cũng được triển khai. Trên kinh nghiệm của Australia, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ nghiên cứu và cống hiến trong công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ giúp thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Link chương trình học bổng, đăng ký chương trình đào tạo (gia hạn nhận hồ sơ đến 10 tháng 5, 2025) tại đây!
Link dự án “hạt giống” công nghệ chiến lược Australia-Vietnam (gia hạn nhận hồ sơ đến 10 tháng 5, 2025) tại đây!