Át chủ bài của bà Harris

Xét về tương quan lực lượng, số người nổi tiếng ủng hộ bà Kamala Harris đông đảo hơn và có tầm ảnh hưởng hơn những ngôi sao thuộc phe ông Donald Trump. Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi cản trở chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ.

Lợi thế từ người nổi tiếng

Khi chiến dịch tranh cử năm 2024 bước vào tuần cuối cùng, đảng Dân chủ đang dựa vào lợi thế về sức mạnh ngôi sao của mình, kêu gọi nhiều người nổi tiếng ủng hộ bà Kamala Harris, tiếp thêm sinh lực cho khán giả và hy vọng mọi người tích cực đi bỏ phiếu.

Trong nhiều năm qua, đảng Dân chủ luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ giới showbiz so với đảng Cộng hòa. Họ cũng tận dụng lợi thế này trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ bởi sự chú ý và năng lượng là yếu tố quan trọng mà mọi ứng viên hướng tới.

Theo AP, lợi thế này phát triển trong thời kỳ ông Trump lên nắm quyền (2017-2021). Giai đoạn này chứng kiến đông đảo người nổi tiếng, kể cả những ngôi sao phi chính trị, phá vỡ sự im lặng và lên tiếng phản đối nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa.

Trong nhiều năm, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ luôn khai thác triệt để tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng. Ông Obama và Eminem kêu gọi bỏ phiếu cho bà Harris vào ngày 22/10. Ảnh: USA Today.

Trong nhiều năm, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ luôn khai thác triệt để tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng. Ông Obama và Eminem kêu gọi bỏ phiếu cho bà Harris vào ngày 22/10. Ảnh: USA Today.

Năm 2024, sự trở lại của ông Trump với tư cách ứng cử viên đảng Cộng hòa một lần nữa khơi dậy làn sóng tham gia vào chính trường của giới người nổi tiếng trong tất cả lĩnh vực từ giải trí, thể thao đến kinh doanh, mạng xã hội... Bầu cử Mỹ được mô tả là một trong những cuộc đối đầu chính trị có nhiều ngôi sao nhất trong lịch sử hiện đại.

Xét về tương quan lực lượng, bà Harris áp đảo ông Trump về số lượng người ủng hộ có tầm ảnh hưởng. Liệt kê sơ vài cái tên cũng thấy được lợi thế to lớn mà Phó Tổng thống Mỹ đang nắm giữ. Đó là Taylor Swift, Beyoncé, Eminem, Leonardo Dicaprio... Họ dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, còn sở hữu hàng chục đến hàng trăm triệu người hâm mộ. Mức độ phổ biến của họ không cần phải bàn cãi.

Hầu hết buổi vận động tranh cử của bà Harris đều có sự góp mặt của ít nhất một ngôi sao. Ngày 20/10, nữ chính trị gia sinh năm 1964 nhận được sự hỗ trợ từ huyền thoại âm nhạc Stevie Wonder tại Jonesboro, Georgia. Ông giúp thu hút những người đi nhà thờ bằng ca khúc Redemption Song của Bob Marley.

Ngày 22/10, trong sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Detroit (tiểu bang Michigan), cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông vua hip hop Eminem là những người thay bà Harris kêu gọi cử tri bỏ phiếu.

Tối 25/10, Beyoncé cùng cựu thành viên nhóm Destiny's Child, Kelly Rowland, xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử của bà Kamala Harris ở Houston, Texas, Mỹ. Nàng ong chúa đã có bài phát biểu hùng hồn tại sự kiện.

Đến ngày 28/10, khách mời của bà Harris tại buổi mít tinh khác ở Đại học Michigan là ca sĩ kiêm nhạc sĩ Maggie Rogers.

“Tôi đến vì Harris. Tôi thích việc các nghệ sĩ âm nhạc ủng hộ bà ấy, nhưng tôi luôn ở đây vì Harris. Rogers là phần thưởng thêm”, Ashley Oberheide, cư dân trong khu vực, chia sẻ.

“Tôi ở đây để ủng hộ Kamala và Tim Walz (ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của bà Harris) nhưng Maggie Rogers là nghệ sĩ âm nhạc mà tôi yêu thích từ khi còn học trung học. Cô ấy đã có tác động rất lớn đến tôi. Tôi tham dự là để thực hiện nghĩa vụ công dân, kết hợp với việc được nhìn thấy một nghệ sĩ mà tôi yêu mến", Audrey Hudson, sinh viên ngành điều dưỡng tại Đại học Michigan, nói.

Trong khi đó, một cư dân khác tên Rachel Lieberman nhận định Rogers là "điểm nhấn" giúp thu hút phiếu bầu của giới trẻ.

Maggie Rogers giúp bà Harris thu hút cử tri trẻ dự mít tinh tại Đại học Michigan. Ảnh: AP.

Maggie Rogers giúp bà Harris thu hút cử tri trẻ dự mít tinh tại Đại học Michigan. Ảnh: AP.

Ngày 31/10, Jennifer Lopez có bài phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở Las Vegas. Nữ ca sĩ chỉ trích ông Trump vì xúc phạm người Puerto Rico và cộng đồng người Mỹ - Latin nói chung, từ đó thu hút thêm lượng lớn công dân đứng về phe bà Harris.

Vào cùng ngày, dù không phải do bà Harris khởi xướng, dàn sao Avengers tập hợp thông qua cuộc gọi trực tuyến để nghĩ ra khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử của nữ Phó Tổng thống Mỹ, vừa thúc giục người hâm mộ của họ hành động vì vận mệnh đất nước.

Những sự kiện rầm rộ diễn ra liên tiếp dường như để bù đắp lại mùa bầu cử kém nhiệt hơn của đảng Dân chủ vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Chiến dịch của ông Biden vào 4 năm trước được xem là ngoại lệ của người nổi tiếng. Họ không trực tiếp giao lưu với cử tri tại các buổi mít tinh, thay vào đó xuất hiện trong các video quảng bá trên mạng xã hội.

Át chủ bài của bà Harris

Trong số những người nổi tiếng, Taylor Swift được đánh giá là át chủ bài. Tufts Now cho biết Taylor không chỉ có nhiều người hâm mộ, mà còn có các fandom (cộng đồng fan) được tổ chức với các nhóm hoặc câu lạc bộ trong trường học. Họ có khả năng phát triển thành loại không gian được gọi là “ngôi nhà chính trị” - nơi những người trẻ tuổi có thể kết nối, tìm hiểu về các vấn đề và cùng nhau hành động. Điều này được thể hiện rõ qua các sự kiện do Swifties tổ chức, bao gồm Swifties For Kamala (nhóm quảng bá cho chiến dịch của bà Harris trước cả khi Taylor tiết lộ ứng cử viên cô ủng hộ) với hơn 82.600 người theo dõi.

Không chỉ vậy, sau khi Taylor bày tỏ lập trường chính trị trên mạng xã hội vào tháng 9, trang thông tin cử tri vote.gov ghi nhận sự gia tăng đột biến lưu lượng truy cập, lên đến hàng trăm nghìn lượt chỉ trong vòng 24 giờ.

Vào đầu năm, cuộc thăm dò ý kiến của Newsweek, với 1.500 người tham gia, cho thấy 18% cử tri tiết lộ có nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ được Taylor Swift yêu thích. Sức ảnh hưởng của nữ ca sĩ sinh năm 1989 càng rõ ràng hơn với những cử tri dưới 35 tuổi. Năm nay, Mỹ có 8 triệu cử tri mới, đưa con số người đi bỏ phiếu thuộc Gen Z lên 41 triệu. Nhiều người trong số họ chịu ảnh hưởng từ những người nổi tiếng và mạng xã hội.

Taylor Swift được ví như át chủ bài trong số người nổi tiếng ủng hộ bà Harris. Ảnh: Getty Images.

Taylor Swift được ví như át chủ bài trong số người nổi tiếng ủng hộ bà Harris. Ảnh: Getty Images.

Đến tháng 5, tạp chí Mỹ tiếp tục khảo sát 1.500 cử tri đủ điều kiện và kết quả cho thấy tầm ảnh hưởng của Taylor đối với chính trị chỉ có tăng, không có giảm. Cụ thể, 22% cử tri ủng hộ Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 cho biết họ có nhiều khả năng đổi sang bỏ phiếu cho ông Trump nếu Taylor lựa chọn ứng cử viên đảng Cộng hòa (tăng từ 13% trong cuộc khảo sát vào tháng 1). Trong khi đó, 16% cử tri bỏ phiếu cho ông Trump năm 2020 xác nhận có nhiều khả năng bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ được Swift ủng hộ (trước đó là 13%).

“Cô ấy đã ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng, thể thao, kinh tế của các khu vực trên toàn nước Mỹ. Vậy tại sao không phải là chính trị và bầu cử?”, cố vấn truyền thông James Haggerty nói với Newsweek.

Taylor Swift cũng được xem là “linh vật may mắn”. Năm 2020, Taylor hiếm hoi chỉ đích danh ứng viên cô lựa chọn là ông Joe Biden và chính trị gia sinh năm 1942 thực sự đắc cử.

Câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử có lặp lại khi mà Taylor Swift một lần nữa đứng về phe Dân chủ và chỉ trích ông Trump?

Ngay cả ông Trump cũng cảm nhận được mối đe dọa này. Sau khi giọng ca Anti-hero lên tiếng, cựu Tổng thống Mỹ liên tiếp có động thái công kích cô, thậm chí tuyên bố thẳng thừng: “Tôi ghét Taylor Swift”.

Bất chấp thái độ thù địch, ông không ngại dùng hình ảnh AI giả mạo Taylor và fan của cô để kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho ông vào tháng 11. Ông cũng “đạo” thiết kế áo phông The Eras Tour của Taylor cho chiến dịch của mình.

Con dao hai lưỡi

Tuần cuối cùng trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton cách đây tám năm thực sự là thảm đỏ của những biểu tượng âm nhạc và người nổi tiếng.

Buổi mít tinh cuối cùng của cựu Ngoại trưởng Mỹ với tư cách là ứng cử viên tổng thống ở Bắc Carolina được khuấy động nhờ rocker Jon Bon Jovi và Lady Gaga. Trong sự kiện khác tại Independence Mall ở Philadelphia, bà Clinton có sự hỗ trợ của cựu Tổng thống Barack Obama cùng huyền thoại âm nhạc Bruce Springsteen với màn trình diễn ấn tượng.

Jon Bon Jovi và Lady Gaga biểu diễn trong cuộc vận động tranh cử cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 8/11/2016. Ảnh: AP.

Jon Bon Jovi và Lady Gaga biểu diễn trong cuộc vận động tranh cử cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 8/11/2016. Ảnh: AP.

Ở thành phố Cleveland, Ohio, cử tri được thưởng thức những màn trình diễn từ cặp vợ chồng đình đám Jay-Z và Beyoncé, điều mà bà Harris không làm được. Vài ngày trước đó, bà Clinton lấp đầy nhà hát ngoài trời Bayfront Park ở trung tâm thành phố Miami, Florida, bằng sự xuất hiện của Jennifer Lopez.

Chiến dịch tranh cử của Clinton khiến mỗi tiểu bang chiến trường đều tràn đầy năng lượng, khiến đảng Dân chủ cảm thấy chiến thắng trong tầm tay.

Đáng tiếc, tháng 11/2016, bà Clinton thua ở Bắc Carolina, Pennsylvania, Ohio và Florida. Đối thủ của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ khi đó là Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Một sự thật là nếu cử tri đến các buổi vận động tranh cử vì nghệ sĩ yêu thích, mà không phải bị thuyết phục vì giá trị cốt lõi mà ứng cử viên mang lại, họ có thể dễ dàng rời đi nếu như không thỏa mãn được như cầu.

Tình huống này đã xảy ra với bà Harris. Tại sự kiện ở Houston vào tối 25/10, Beyoncé tham gia nhưng không biểu diễn khiến đám đông giận dữ. Họ la hét, mất tập trung, thậm chí bỏ về sau khi ngôi sao Single Lady rời đi, để lại bà Harris gượng cười trong bối rối. Phó Tổng thống Mỹ còn trở thành "trò cười" trong các bình luận trên mạng xã hội.

Đối với một bộ phận người dân Mỹ, sự kiện vận động tranh cử có người nổi tiếng giống như buổi hòa nhạc miễn phí. Họ đến để tận hưởng âm nhạc và gặp nghệ sĩ mà họ yêu thích, không quan tâm đến những thông điệp mà ứng cử viên tổng thống truyền tải.

Cuộc khảo sát trực tuyến của YouGov, tiến hành từ 13-17/8 với sự tham gia của 1.137 công dân Mỹ trưởng thành, chỉ ra 11% đã xem xét lại lập trường chính trị do tác động từ người nổi tiếng, 7% tuyên bố từng ủng hộ một ứng cử viên chính trị do thần tượng thích người đó.

Tuy nhiên, 51% cho hay lập trường chính trị của người nổi tiếng khiến họ bớt yêu thích người nổi tiếng đó. Số người ủng hộ quan điểm “sự tham gia của người nổi tiếng vào chính trị gây tổn hại đến nền dân chủ của Mỹ” nhiều hơn số người phản đối (33 và 20%).

32% người Mỹ cho rằng việc can thiệp vào chính trị thường gây tổn hại đến sự nghiệp của người nổi tiếng, chỉ có 10% cho rằng việc này giúp ích cho các ngôi sao.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/at-chu-bai-cua-ba-harris-post1687606.tpo
Zalo