ASEAN khó 'né' ông Trump nhưng có phương thức hiệu nghiệm của riêng mình
Trong bài viết riêng cho Báo Thế giới & Việt Nam, ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia ASEAN của tờ Bangkok Post nhận định, ASEAN đã chứng minh rằng dù tồn tại sự đa dạng và quan điểm khác nhau, đồng thuận vẫn là nguyên tắc cơ bản. ASEAN ổn định và thịnh vượng là tài sản cho hòa bình toàn cầu và phát triển kinh tế.

Đồng thuận vẫn được coi là nguyên tắc cơ bản của ASEAN. Trong ảnh: Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN 44, tháng 10/2024 tại Lào. (Nguồn: VGP/Nhật Bắc)
Dấu ấn tuyệt vời "tuổi" 58
Bối cảnh địa chính trị hiện nay rất bất ổn, giống như các kiểu thời tiết khó lường. Khi Năm Rắn vừa bắt đầu, cộng đồng quốc tế phải vật lộn trước các chính sách đáng ngạc nhiên từ cường quốc hàng đầu thế giới – Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ASEAN trong ngắn hạn và trung hạn xây dựng các lập trường chính sách để củng cố hòa bình và ổn định khu vực. Ở “tuổi” 58, ASEAN có dấu ấn tuyệt vời về các cách tiếp cận phi đối đầu, dựa trên khuôn khổ luật lệ và hệ thống của Liên hợp quốc.
Hai yếu tố chính ASEAN cần phải xem xét. Đầu tiên, sự trở lại của Tổng thống Donald Trump sẽ tác động sâu rộng đến trật tự toàn cầu. Chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" ngày càng tăng cường của ông Trump đã tạo ra không ít căng thẳng ngoại giao, các mối đe dọa cũng như hình thành các biện pháp đối phó giữa các đồng minh và đối tác.
Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ phải đối mặt với các chính sách đối lập của Mỹ ở quy mô như vậy. Ông Trump đã cho thấy sẽ thực hiện các tuyên bố của mình. Do đó, ASEAN không được để bối cảnh bên ngoài chia rẽ nội khối.
Thứ hai, cho đến nay, ASEAN vẫn chưa phải là mục tiêu trực tiếp trong các chính sách của ông Trump, bao gồm cả việc tăng thuế quan hoặc các biện pháp kinh tế khác.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có tiếp tục coi trọng mối quan hệ với ASEAN hay không. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (2017–2021), quan hệ Mỹ-ASEAN không có nhiều điểm nhấn, vì vậy, không có lý do gì để mong đợi sự thay đổi trong cách tiếp cận của ông.
Khi trở lại nhiệm sở, trọng tâm của ông Trump là láng giềng cận kề, bao gồm Canada, Mexico và Mỹ Latinh. Nhưng chỉ trong vài ngày tiếp theo, các chủ thể bị nhắm đến còn bao gồm cả Trung Quốc và EU.
Đồng thuận là nguyên tắc cơ bản
Trong những tháng tới, cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ thu hút sự chú ý của toàn cầu, có thể dẫn đến tái diễn cuộc chiến thương mại. Mọi hành động của hai cường quốc này đều sẽ gây ra hậu quả rộng lớn. Nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột cũng không thể loại trừ.
Khả năng một trong hai bên áp dụng cách tiếp cận ít đối đầu hơn là rất thấp, bởi vì, Mỹ đang thúc đẩy các lợi ích cốt lõi của mình và mong muốn duy trì vị thế là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Ngoài căng thẳng Mỹ-Trung, những thách thức quan trọng khác sẽ định hình tương lai toàn cầu: Chuyển đổi số, nền kinh tế xanh, an ninh mạng, an ninh lương thực, năng lượng và sự thay đổi nhân khẩu học.

Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19 tại Lào, ngày 11/10/2024. (Ảnh: Quang Hòa)
Cách tốt nhất để ASEAN giải quyết các vấn đề xuyên biên giới này là duy trì sự đoàn kết, đặc biệt là trong quan hệ với các cường quốc, bao gồm EU, ASEAN+3 và Nam bán cầu.
Mặc dù mục tiêu vẫn là hội nhập ASEAN liền mạch, nhưng sự hỗ trợ từ các đối tác đối thoại cũng quan trọng không kém trong việc đạt được các mục tiêu khu vực. Điều này “nói dễ hơn làm”.
Tuy nhiên, ASEAN đã chứng minh rằng, bất chấp sự đa dạng và quan điểm khác nhau, sự đồng thuận vẫn là nguyên tắc cơ bản. Một ASEAN ổn định và thịnh vượng là tài sản cho hòa bình toàn cầu và phát triển kinh tế.
Sức mạnh ngoại giao trong tổng thể đa cực
Trong một thế giới đa cực, ASEAN có thể thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình. Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ra đời năm 1976, vẫn là nền tảng cho cách tiếp cận ngoại giao của ASEAN. Các nguyên tắc của hiệp ước này - không sử dụng vũ lực, ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và không can thiệp nội bộ của nhau - đã được công nhận rộng rãi.
Ngày nay, 55 quốc gia, đại diện cho một phần tư tổng số thành viên Liên hợp quốc, đã ký TAC, nêu bật vai trò của hiệp ước trong việc duy trì hòa bình và ổn định.
Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục định hướng sự hợp tác của ASEAN với các đối tác đối thoại trong các lĩnh vực như hợp tác hàng hải, phát triển bền vững, kết nối và kinh tế.
Vào thập kỷ tới, nền kinh tế ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, gia tăng ảnh hưởng của ASEAN đối với các vấn đề toàn cầu. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, chẳng hạn như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và các hội nghị ASEAN+1, phải được tận dụng hiệu quả hơn để thúc đẩy các vấn đề liên quan đến lợi ích chung.

Vai trò của Việt Nam trong ASEAN đã được khẳng định rõ ràng trong 3 thập kỷ qua. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45. (Nguồn: VGP)
Động lực quan trọng của ASEAN
Sự thích ứng và sức mạnh của ASEAN phụ thuộc vào các thành viên của Hiệp hội. Việt Nam, quốc gia Đông Dương đầu tiên gia nhập ASEAN vào năm 1995, ban đầu được coi là tác nhân tiềm ẩn gây gián đoạn trong các mối quan hệ bên ngoài của ASEAN.
Tuy nhiên, ba thập kỷ sau, vai trò của Việt Nam trong ASEAN đã được khẳng định rõ ràng và thực tế được thừa nhận rộng rãi rằng Việt Nam là một bên thúc đẩy hòa bình và tăng trưởng kinh tế.
"Ngoại giao tre" của Việt Nam, tượng trưng cho sự linh hoạt và khả năng phục hồi, đã giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các cường quốc toàn cầu trong khi vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình.
Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế khu vực, hưởng lợi từ cả các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng cũng đã giúp Việt Nam tăng cường ảnh hưởng chính trị, cả trong khu vực và quốc tế.
Trong những năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất của ASEAN. Các ưu tiên về kinh tế và an ninh của Việt Nam tương quan chặt chẽ với lợi ích chung của Hiệp hội. Với kinh nghiệm lịch sử và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ tăng cường năng lực chung của ASEAN để ứng phó với những bất ổn toàn cầu.
Kỷ nguyên của ngoại giao ì ạch và những lời xã giao đã qua. Ngày nay, “ASEAN Way 2.0” phải linh hoạt, thích ứng và sẵn sàng cho tương lai để đối mặt với những thách thức mới.
*Bài viết là quan điểm riêng của tác giả.