ASEAN Cup và hành trình mới cho bóng đá Việt
Năm 2024 sắp khép lại, nhưng với bóng đá Việt Nam thì chỉ mới bắt đầu chiến dịch ASEAN Cup (AFF Cup), giải đấu có ý nghĩa bản lề trước khi bóng đá Việt Nam bắt tay vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là suất dự vòng chung kết World Cup dành cho bóng đá nam.
ASEAN Cup 2024 còn trở nên quan trọng khi bóng đá Việt Nam vừa trải qua gần một năm chưa thành công. Những điểm sáng như U17 giành vé dự Asian Cup lứa tuổi, hay đội futsal nữ vô địch Đông Nam Á chưa đủ để làm quên đi nỗi thất vọng khi bị loại sớm ở Asian Cup và không thể vào được vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Tính trên mọi cấp độ, thì năm 2024 là năm kém nhất về thành tích quốc tế của bóng đá Việt Nam kể từ năm 2013.
Áp lực về thành tích cũng như các đòi hỏi của giai đoạn phát triển sắp đến đã khiến cho ASEAN Cup 2024 trở thành một cột mốc quan trọng. Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa diễn ra một lần nữa xác định phải vô địch giải đấu. Trên tinh thần đó, VFF đăng ký tiền đạo vừa được nhập quốc tịch Việt Nam là Nguyễn Xuân Son, và nếu được FIFA chấp thuận thì ASEAN Cup sẽ là giải đấu chính thức đầu tiên đội tuyển bóng đá Việt Nam có cầu thủ nhập tịch.
Đây là một hướng đi mới của bóng đá Việt Nam, phần nào đó thể hiện được quyết tâm nâng cao chất lượng thi đấu của đội tuyển. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực phụ này cũng gián tiếp cho thấy quá trình xây dựng đội ngũ kế thừa đang gặp khó khăn. Đáng lo hơn, không chỉ với bóng đá nam mà cả đội tuyển bóng đá nữ cũng đã có những dấu hiệu chững lại.
Trên thực tế, bóng đá Việt Nam đang ở một xuất phát điểm rất cao sau một loạt thành tích có tính lịch sử từ năm 2016 đến nay, như việc các đội U19, futsal (2 lần) và bóng đá nữ đã giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup, đội tuyển nam vào đến tứ kết Asian Cup và vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Những kết quả trên đã giúp bóng đá Việt Nam hoàn thành sớm những mục tiêu của Chiến lược TDTT giai đoạn 2010-2030, nhưng chính vì thế mà các thách thức kế tiếp trở nên khó khăn hơn, thậm chí là vượt quá năng lực của làng cầu nội địa nếu xét trong bối cảnh sa sút hiện tại.
Nhưng khi đất nước đang chuyển mình cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng cũng chỉ có một lựa chọn: tối ưu hóa các tiềm năng để phát triển nội lực phù hợp với những yêu cầu mới. Thực tế cho thấy, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam nhận được sự ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần từ doanh nghiệp và người hâm mộ nhiều như hiện nay. Nguồn thu tài trợ và đầu tư vào bóng đá nội luôn ở mức tăng hơn 100% liên tục nhiều năm qua. Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt cũng gợi mở nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có. Vấn đề là làm như thế nào, trong bao lâu và lộ trình cụ thể là gì để bóng đá Việt Nam đạt được các mục tiêu lớn?
Vì vậy, đội bóng do HLV Kim Sang-sik dẫn dắt sẽ đảm nhận vai trò tiên phong tại ASEAN Cup 2024. Năm 2025 sẽ có hàng loạt sự kiện bóng đá quốc tế quan trọng như SEA Games, các vòng loại Asian Cup lứa tuổi, vòng loại World Cup bóng đá nữ… Chính vì thế, chức vô địch Đông Nam Á sẽ là nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy công cuộc chuyển mình cho hành trình mới của bóng đá Việt Nam.