ASEAN cần tận dụng thương mại, du lịch và số hóa để tăng trưởng bền vững

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tận dụng thương mại, du lịch và số hóa để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, theo nhận định của bà Sanchita Basu-Das, chuyên gia kinh tế tại Ban Hợp tác và hội nhập khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

ASEAN ngày càng nổi lên như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh minh họa: ADB

ASEAN ngày càng nổi lên như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ảnh minh họa: ADB

Nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới kỷ nguyên cạnh tranh hơn, khi nhiều quốc gia đang đưa chuỗi cung ứng của họ trở về nước nhằm giảm rủi ro do gián đoạn. Những quốc gia khác đang triển khai thuế quan và các rào cản khác để thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước. Các vấn đề xung quanh biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh công nghệ tiên tiến (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật) ngày càng được thảo luận như các vấn đề về an ninh quốc gia.

Để giải quyết những vấn đề này, 10 quốc gia thuộc ASEAN cần hợp tác để đạt được mục tiêu về tương lai kinh tế tốt đẹp hơn cho người dân và bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong đó, thương mại sẽ cần sự tập trung vào các dịch vụ, bao gồm các giao dịch xuyên biên giới trong lĩnh vực tài chính, viễn thông, du lịch, vận tải và các dịch vụ kinh doanh khác, như các dịch vụ chuyên gia và tư vấn. Mỗi lĩnh vực này đều đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia ASEAN trong việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Hậu COVID-19, trước sự suy thoái của thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ đã cho thấy động lực tích cực và thậm chí đưa ASEAN trở thành nhà xuất khẩu dịch vụ ròng.

Đặc biệt, dịch vụ du lịch hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN, với sức hấp dẫn của ASEAN như một điểm đến du lịch. Do đó, trong khi hướng tới mục tiêu xây dựng một ngành du lịch cạnh tranh, các quốc gia ASEAN sẽ hợp tác về các yếu tố hỗ trợ du lịch như cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ năng, xúc tiến tiếp thị, phát triển sản phẩm và các yếu tố khác để tăng cường du lịch nội khối ASEAN, hiện chiếm hơn 40% tổng lượng du lịch quốc tế của ASEAN, góp phần vào khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Nền kinh tế số (bao gồm thương mại điện tử, y tế điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa hải quan) ở cấp độ khu vực dự kiến sẽ tăng từ 300 tỷ USD lên gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Con số này được báo cáo sẽ đạt 2 nghìn tỷ USD nếu các chính sách kết nối số phù hợp được đưa ra, thông qua hợp tác khu vực.

Cuối cùng, sự kết nối vừa mang tính vật lý vừa mang tính thể chế được kỳ vọng sẽ phục vụ cho khả năng cạnh tranh kinh tế của các quốc gia ASEAN, nâng cao năng lực để tham gia tốt hơn với các nền kinh tế lớn hơn của châu Á và những nơi khác. Cơ sở hạ tầng bền vững - năng lượng sạch, vận tải carbon thấp và cải thiện hiệu quả năng lượng cho cơ sở hạ tầng đô thị - đang ngày càng được chú ý.

“Kết hợp điều này với sự hợp tác lớn hơn xung quanh quá trình số hóa, hậu cần xuyên biên giới liền mạch và chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người xuyên biên giới sẽ giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy khả năng phục hồi của các quốc gia trong khu vực”, bà Sanchita Basu-Das nhấn mạnh.

LÊ THẢO(Lược dịch từ ADB)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/asean-can-tan-dung-thuong-mai-du-lich-va-so-hoa-de-tang-truong-ben-vung-150528.html
Zalo