'Apple thà chịu thuế 25% còn hơn đưa sản xuất về Mỹ'
Theo nhà phân tích, xét về yếu tố lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ chịu ít thiệt hại hơn khi chấp nhận mức thuế 25% và vẫn duy trì sản xuất iPhone bên ngoài nước Mỹ.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo là một chuyên gia nổi tiếng với nhiều dự đoán chính xác về chuỗi cung ứng của Apple. Mới đây, ông đã chia nhận định trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) sau khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục kêu gọi Apple đưa việc sản xuất iPhone về Mỹ. Trước đó, ông Trump đã đe dọa áp mức thuế 25% với tất cả iPhone không được lắp ráp trong nước.
“Xét về lợi nhuận, việc Apple chịu mức thuế 25% cho iPhone bán tại Mỹ vẫn tốt hơn nhiều so với việc chuyển dây chuyền lắp ráp về Mỹ”, ông Kuo viết.

Nếu Apple chuyển việc sản xuất về Mỹ, giá một chiếc iPhone có thể lên đến 3.500 USD. (Ảnh: Gizmochina).
Phân tích này cho thấy quy mô sản xuất của Apple hiện rất lớn và phức tạp. Hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và ngày càng nhiều ở Ấn Độ. Apple đang hợp tác với nhiều nhà cung cấp và nhà máy lớn như Foxconn và Pegatron.
Các đối tác này có nhà máy quy mô lớn, được xây dựng riêng để đáp ứng yêu cầu của Apple. Họ đã làm việc với nhau trong nhiều năm, giúp Apple sản xuất iPhone với số lượng lớn và chi phí thấp. Việc xây dựng lại hệ thống này tại Mỹ hiện nay gần như là không thể.
Mặc dù Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple, nhưng phần lớn iPhone không được lắp ráp tại đây. Một số linh kiện, như kính do Corning sản xuất, có nguồn gốc từ Mỹ.
Tuy nhiên, khâu lắp ráp cuối cùng chủ yếu diễn ra ở nước ngoài. Nếu Apple muốn đưa quá trình này về Mỹ, công ty sẽ phải đầu tư hàng tỷ đô la cho cơ sở vật chất, tuyển dụng và đào tạo nhân lực. Điều này không đảm bảo sẽ đạt được hiệu quả như hiện nay ở châu Á.
Apple đang có kế hoạch chuyển phần lớn việc sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ từ nay đến năm 2026. Theo Bloomberg, mỗi năm sẽ có hơn 60 triệu iPhone được sản xuất tại các nhà máy ở Ấn Độ trong hai năm tới. Foxconn, đối tác chính của Apple, cũng đang đầu tư 1,5 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở sản xuất mới tại đây.
Sáng 23/5 giờ Việt Nam, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: “Từ lâu tôi đã nói với Tim Cook rằng iPhone bán tại Mỹ cần phải được sản xuất tại Mỹ, không phải ở Ấn Độ hay nơi nào khác. Nếu không làm như vậy, Apple sẽ phải trả mức thuế ít nhất 25%. Xin cảm ơn vì đã chú ý đến vấn đề này!”.
Nếu mức thuế này được áp dụng, giá bán iPhone tại Mỹ có thể tăng mạnh. Theo công ty phân tích Wedbush Securities, nếu Apple chuyển việc sản xuất về Mỹ, giá một chiếc iPhone có thể lên đến 3.500 USD.
Hiện có khoảng hơn 120 triệu người dùng iPhone tại Mỹ. Mỗi năm, Apple bán hơn 60 triệu iPhone tại thị trường này. Vì vậy, dù phải chịu thuế 25%, chi phí vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng tại Mỹ.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.