Apple chưa giải mã được AI, lãnh đạo tuyên bố iPhone có thể trở nên lỗi thời
Apple trở thành hãng công nghệ giá trị nhất thế giới nhờ phát hành các sản phẩm tinh tế một cách có chiến lược, đi kèm nội dung được chọn lọc kỹ lưỡng, chạy trên phần mềm chỉ được cập nhật đáng kể mỗi năm một lần.
Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực kinh doanh phát triển nhanh, phức tạp hơn và có xu hướng tích hợp sâu rộng vào đời sống. Trong lịch sử, những sản phẩm thành công nhất của Apple đều dựa trên các công nghệ cốt lõi được phát triển nội bộ, ví dụ màn hình cảm ứng đa điểm cho iPhone, chip tiên tiến trên iPad và các dòng Mac mới hơn.
Với AI, công thức này đã không thành công. Năm ngoái, Apple đã khai tử dự án ô tô tự lái sau khi chi hàng tỉ USD trong suốt 1 thập kỷ, một phần vì nhận ra rằng AI của mình sẽ không thể thực hiện được lời hứa về chiếc xe hoàn toàn tự động.
Nếu tiếp tục thất bại trong lĩnh vực AI, nhiều kế hoạch tương lai của Apple có thể sẽ không thành hiện thực, từ kính thực tế tăng cường (AR), robot cho đến đồng hồ thông minh và tai nghe có thể nhận diện vật thể xung quanh. Điều đó sẽ khiến Apple rơi vào thế bất lợi trong cuộc chiến định hình cách người dùng tương tác với các thiết bị thông minh trong tương lai.

Eddy Cue lo ngại AI có thể khiến Apple tụt hậu, tương tự cách iPhone từng khiến Nokia thất bại trên thị trường smartphone - Ảnh: Ariel Davis
Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ tại Apple và là người thân cận với Giám đốc điều hành Tim Cook, nói rằng vị thế hàng đầu của hãng trong thế giới công nghệ đang gặp rủi ro. Ông chỉ ra rằng Apple không giống Exxon Mobil (một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới), cung cấp một mặt hàng thiết yếu mà thế giới luôn cần, Eddy Cue bày tỏ lo ngại rằng AI có thể khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ tụt hậu, tương tự cách iPhone từng khiến Nokia thất bại trên thị trường smartphone.
Tại một phiên điều trần trước tòa án liên bang gần đây liên quan đến vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ với Alphabet (công ty mẹ Google), Eddy Cue nói rằng iPhone có thể trở nên lỗi thời trong vòng một thập kỷ tới. “Nghe thì điên rồ, nhưng là sự thật”, ông nhấn mạnh.
Siri cuốn hút Steve Jobs
Steve Jobs (nhà đồng sáng lập Apple) chưa bao giờ đặc biệt hứng thú với việc xây dựng các công cụ tìm kiếm, dù là thông minh hay không.
“Steve không tin vào việc khách hàng phải đi tìm kiếm thứ gì đó. Ông ấy tin rằng nhiệm vụ của Apple là chọn lọc và giới thiệu cho khách hàng những gì họ có thể chưa từng nghĩ đến nhưng sau này sẽ cần”, một người từng làm việc với huyền thoại Apple nói.
Niềm tin đó, giống như nhiều tư tưởng khác của Steve Jobs, đã định hình Apple ngay cả sau khi ông qua đời. Vào giữa những năm 2010, Apple từng xem xét ý tưởng đặt thanh tìm kiếm ngay trên màn hình chính của iPhone, thay vì ẩn nó sau một thao tác vuốt. Thế nhưng, nhóm thiết kế của Apple đã bác bỏ ý tưởng này.
Tuy vậy, khi lần đầu tiên biết đến Siri, ban đầu là một ứng dụng trên App Store, Steve Jobs đã bị cuốn hút. Dag Kittlaus, đồng sáng lập Siri, cho biết ý tưởng ban đầu là tạo ra một “công cụ trực tiếp làm điều đó cho bạn”.
“Tầm nhìn cuối cùng là bạn có thể trò chuyện với internet và trợ lý ảo sẽ xử lý mọi thứ. Bạn thậm chí không cần biết thông tin đến từ đâu và vấn đề tìm kiếm ứng dụng hay website sẽ không còn tồn tại”, Dag Kittlaus kể.
Ở dạng ban đầu như một ứng dụng iPhone, Siri có thể đặt chỗ ăn tối, tìm rạp chiếu phim hoặc gọi taxi. Steve Jobs ngay lập tức nhận ra Siri không chỉ là ứng dụng đơn thuần mà tin nó có thể trở thành giao diện người dùng chính cho các thiết bị Apple. Ngay sau khi dùng thử Siri, Steve Jobs gọi điện cho Dag Kittlaus và mời ông cùng các đồng sáng lập đến nhà mình. Trong một cuộc trò chuyện kéo dài ba giờ, Steve Jobs đề nghị mua lại công ty Siri của Dag Kittlaus. Lúc Dag Kittlaus do dự, Steve Jobs đã gọi cho ông suốt 24 ngày liên tiếp.
Sau khi Dag Kittlaus cuối cùng đã đồng ý, Steve Jobs biến Siri thành một trong những ưu tiên phát triển hàng đầu của Apple. “Ông ấy coi đó là dự án cá nhân của mình. Tôi gặp Steve Jobs hàng tuần cho đến khi sức khỏe của ông không còn cho phép”, Dag Kittlaus nhớ lại.
Siri được ra mắt ngay sau khi Steve Jobs qua đời ngày 5.10.2011 vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Trong những năm đầu phát triển, Siri chủ yếu tập trung vào các tác vụ cơ bản như cung cấp thông tin thời tiết, hẹn giờ, phát nhạc và xử lý tin nhắn. Siri không hưởng lợi nhiều từ nghiên cứu học máy sơ khai của Apple, vốn tập trung vào nhận diện khuôn mặt và dấu vân tay, gợi ý thông minh (nhắc bạn khi nào nên rời nhà để đến đúng giờ cuộc hẹn dựa trên tình trạng giao thông), bản đồ cải tiến và những vụ đặt cược lớn của công ty khi đó: Kính thực tế ảo (VR) và ô tô tự lái.
Mua lại hàng tá công ty AI nhỏ
Một số giám đốc cấp cao phụ trách kỹ thuật phần mềm nghĩ rằng Apple nên đưa AI trở thành yếu tố nổi bật hơn trong hệ điều hành iOS của iPhone.
Apple bắt đầu mua lại hàng tá công ty AI nhỏ để hỗ trợ nỗ lực của mình, gồm các hãng học máy như Laserlike, Tuplejump và Turi. Thậm chí, họ còn cân nhắc mua lại Mobileye Global (chuyên phát triển các hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến và công nghệ xe tự hành) với mức giá đề xuất khoảng 4 tỉ USD, theo những người am hiểu về cuộc đàm phán.
Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất của Apple, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống lái xe tự động và công nghệ thị giác máy tính, đồng thời bổ sung nhân lực AI cho các dự án khác. Song cuối cùng, Apple đã từ bỏ và Intel mua lại Mobileye Global năm 2017 với giá 15 tỉ USD.
Dự án ô tô của Apple cũng mang lại một thành tựu AI ban đầu: Một bộ phận chuyên biệt gọi là Neural Engine, cho phép các chip của hãng xử lý khối lượng khổng lồ các tác vụ AI cần thiết cho xe tự lái. Các chip tích hợp Neural Engine sau đó trở thành tiêu chuẩn cho iPhone, iPad và các phần cứng khác, giúp thiết bị Apple có khả năng chạy mô hình AI tạo sinh.
Tim Cook, người vốn nổi tiếng là giữ khoảng cách với việc phát triển sản phẩm, lại rất nỗ lực thúc đẩy AI. “Tim Cook là một trong những người tin tưởng AI nhất ở Apple. Ông ấy thường xuyên bực bội vì Siri luôn tụt lại phía sau Alexa, và Apple vẫn chưa có chỗ đứng trong ngôi nhà thông minh như loa Echo của Amazon”, một người từng làm việc với ông nói.
Do dự khi phải đầu tư lớn vào AI
Sau khi Apple từ bỏ dự án ô tô tự lái, hàng trăm kỹ sư AI từng tham gia được phân về nhóm của John Giannandrea, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chiến lược học máy và AI tại Apple.
Tuy nhiên, nỗ lực của John Giannandrea thường bị cản trở. Craig Federighi, Giám đốc phần mềm của Apple, vẫn do dự khi phải đầu tư lớn vào AI. Ông không xem AI là năng lực cốt lõi cho máy tính cá nhân hay thiết bị di động, và không muốn rút nguồn lực khỏi việc phát triển các bản cập nhật hệ điều hành cho iPhone, Mac và iPad hằng năm, theo nhiều đồng nghiệp.
“Craig Federighi không phải kiểu người nói ‘Chúng ta cần làm điều lớn lao này, cần ngân sách lớn và rất nhiều người”, một lãnh đạo kỳ cựu của Apple cho biết.
Nhiều lãnh đạo khác cũng đồng quan điểm với Craig Federighi. “Trong thế giới AI, bạn sẽ không biết sản phẩm là gì cho đến khi đầu tư xong. Đó không phải là cách Apple vận hành. Apple bắt tay xây dựng sản phẩm khi đã biết rõ kết quả cuối cùng là gì”, một lãnh đạo kỳ cựu khác nói.
Kết quả là Apple bị bất ngờ bởi sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11.2022. Một giám đốc cấp cao nói rằng Apple Intelligence (bộ tính năng AI mới) “thậm chí chưa từng là một ý tưởng trước đó”.
“Những gì OpenAI đang làm đâu phải là bí mật. Bất cứ ai để ý đến thị trường cũng sẽ thấy và lao vào”, một giám đốc khác nhận xét.
Khi chuẩn bị cho màn ra mắt Intelligence tại WWDC 2024 vào tháng 6, Apple buộc phải thừa nhận rằng khả năng AI tạo sinh của mình đang tụt lại rất xa. Họ có thể xử lý ảnh cơ bản và có chatbot đang thử nghiệm nội bộ, nhưng chatbot này kém hơn đáng kể so với ChatGPT, theo dữ liệu nội bộ của Apple.

John Giannandrea (trái) và Craig Federighi (phải) tại WWDC 2024 - Ảnh: Bloomberg
Vận động hành lang để Apple sử dụng Google Gemini thay vì ChatGPT
Nhu cầu từ Apple muốn cung cấp một phiên bản sản phẩm AI duy nhất mà người dùng thực sự muốn đã dẫn đến cuộc chạy đua để hợp tác. Apple bắt đầu đàm phán với các đối thủ như Google, Anthropic và OpenAI về việc tích hợp công nghệ AI vào phần mềm của mình. John Giannandrea đã vận động hành lang mạnh mẽ để Apple sử dụng Google Gemini, nói rằng OpenAI không bền vững và không đáng tin cậy trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, nhóm phát triển chiến lược của Apple lại nghĩ khác. Tại WWDC 2024, Apple thông báo rằng Siri sẽ chuyển các truy vấn mà nó không xử lý được sang ChatGPT.
Việc tích hợp với ChatGPT chỉ trở thành hiện thực vào tháng 12.2024, nhưng khi ra mắt, đây là một trong số ít tính năng của Apple Intelligence hoạt động như quảng cáo. Các sản phẩm được đánh giá cao là tính năng tóm tắt email cùng Writing Tools - có thể chỉnh sửa, sắp xếp lại và tóm tắt văn bản. Tuy nhiên, AI soạn văn bản trong Writing Tools là của ChatGPT.
Nhiều tính năng AI khác của Apple bị người dùng đánh giá là ra mắt vội vàng, ngay cả khi đã trì hoãn hàng tháng. Tính năng Genmojis, cho phép người dùng tạo emoji tùy biến, hiếm khi giống như hình ảnh bóng bẩy được Apple quảng bá trên tivi hay bảng quảng cáo lớn, và đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý đến mức có thể khiến iPhone quá nóng và hao pin.
Tính năng tóm tắt tin tức đã bị dừng sau khi một số tiêu đề do AI tạo ra sai lệch nghiêm trọng. Các tính năng AI phức tạp chỉ hoạt động được nhờ dự án máy chủ đám mây mà bộ phận dịch vụ trực tuyến của Apple may mắn phát triển từ trước để xử lý những gì iPhone không thể.
Trì hoãn ra mắt Siri mới
Kế hoạch Siri của Apple thậm chí còn chậm hơn nữa. Công ty đã quảng bá các tính năng mới của trợ lý AI trong các quảng cáo truyền hình kể từ khi dòng iPhone 16 ra mắt, nhưng chúng vẫn chưa sẵn sàng.
Việc thiếu chatbot AI nội bộ khiến một số giám đốc Apple lo lắng hơn. Theo một số nhân viên, Giannandrea đã lập luận nội bộ rằng các tác tử AI vẫn còn nhiều năm nữa mới có thể thay thế con người theo cách có ý nghĩa và hầu hết người tiêu dùng đều chia sẻ sự ngờ vực với AI tạo sinh. Các nhân viên cho biết điều đó lý giải tại sao Giannandrea không đấu tranh để xây dựng một chatbot cạnh tranh thực sự với ChatGPT dành cho người tiêu dùng. Các đồng nghiệp tiết lộ Giannandrea nói với họ rằng "người tiêu dùng không muốn các công cụ như ChatGPT và một trong những yêu cầu phổ biến nhất từ khách hàng là tắt nó".
Vào tháng 3.2025, Apple xác nhận một bản tin trên trang Bloomberg rằng Siri mới sẽ bị hoãn ra mắt.
Vấn đề kỹ thuật chính là Apple phải chia đôi hạ tầng của Siri, một phần dựa vào mã cũ cho các chức năng truyền thống như đặt báo thức, phần còn lại dựa vào mã mới để xử lý các yêu cầu dựa trên dữ liệu cá nhân. Việc "vá víu" này được xem là cần thiết để đưa tính năng mới ra thị trường sớm nhất có thể, nhưng lại phản tác dụng, gây ra nhiều vấn đề tích hợp khiến dự án Siri bị chậm trễ. Nhân viên Apple nói các tính năng riêng lẻ trông ổn, nhưng khi kết hợp mã để chạy chung trong Siri, mọi thứ bắt đầu đổ vỡ.
Dự án Siri trì trệ khiến tinh thần nhóm kỹ sư sụt giảm nghiêm trọng. “Chúng tôi thậm chí không được biết chuyện gì đang xảy ra hay tại sao. Không có sự lãnh đạo”, một người nói.
Bên trong Apple, Giannandrea bị đổ lỗi nhiều nhất cho việc trì hoãn và khởi đầu sai lầm, theo lời nhiều nhân viên và những người thân cận với công ty. Họ nói ông khó hòa nhập với nhóm lãnh đạo cốt lõi của Apple, vốn đã làm việc với nhau hàng chục năm và điều hành công ty như một doanh nghiệp gia đình.
Sự thiếu khẩn trương của Giannandrea có thể không chỉ do tính cách mà còn vì triết lý. Ông khá thận trọng với tốc độ phát triển AI và hoài nghi về giá trị của chatbot. Nội bộ công ty cho biết Giannandrea lập luận rằng không có mối đe dọa cấp thiết nào từ OpenAI, Meta Platforms, Google và các hãng khác. Thay vào đó, Giannandrea tin rằng thứ người dùng thực sự cần ở một trợ lý ảo là giao diện điều khiển thiết bị. Dù có những lần trì hoãn và thất bại, ông vẫn giữ vững niềm tin đó.
Tất nhiên, ít ai muốn thừa nhận bản thân thất bại và cũng không công bằng nếu đổ hết lỗi lên một người. Về phần mình, Giannandrea đã chia sẻ với đồng nghiệp rằng phần lớn lỗi lầm thuộc về nhóm tiếp thị và quảng cáo của Apple, do Greg Joswiak và Tor Myhren giám sát các khía cạnh khác nhau, vì quảng bá quá mức các tính năng AI chưa hoàn thiện.
Các quản lý sản phẩm có trách nhiệm minh bạch với bộ phận tiếp thị về thời điểm thực tế mà những tính năng sẽ sẵn sàng. Craig Federighi là người đưa ra quyết định cuối cùng với phần mềm, còn Tim Cook định hình toàn bộ văn hóa phát triển sản phẩm của Apple.