'App Quốc hội 2.0' phải nhanh, cập nhật đầy đủ dữ liệu, giao diện thân thiện
Lãnh đạo Quốc hội mong muốn ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, phấn đấu mỗi cán bộ công chức, viên chức của Quốc hội có một trợ lý ảo để phục vụ cho công việc hàng ngày.
Chiều tối ngày 24/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị báo cáo, xin ý kiến về hệ thống phần mềm cung cấp thông tin trên thiết bị thông minh (App Quốc hội số 2.0) và ứng dụng trợ lý ảo do Văn phòng Quốc hội tổ chức.
Phấn đấu giảm 30% thời gian làm việc nhờ ứng dụng công nghệ
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu đã nghe giới thiệu về App Quốc hội số 2.0 và các tính năng mới; giới thiệu sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ công việc; trao đổi, thảo luận về các cải tiến, nâng cấp ứng dụng để phục vụ hiệu quả nhất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội nêu rõ, cần quyết tâm chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để triển khai phục vụ ngay cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trước mắt sẽ sử dụng ứng dụng gỡ băng ghi âm trực tiếp và tóm tắt, tổng hợp nhanh nội dung thảo luận của các đại biểu để phục vụ cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.
Ông Định cho biết, phần mềm App Quốc hội số 2.0 được nâng cấp tính năng trên phần mềm app Quốc hội số 1.0 cần phải có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình sử dụng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, quyết liệt của Viettel trong 3 tháng qua đã xây dựng, cải tiến, bổ sung các tính năng mới cho App Quốc hội số 2.0 theo yêu cầu triển khai đề án Quốc hội số.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội cũng đặc biệt chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong các hoạt động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội và ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viettel phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội đẩy nhanh việc cài đặt, tập huấn, hướng dẫn sử dụng tính năng của phần mềm mới.
Nêu rõ, sau khi cài đặt phiên bản mới 2.0 phải nhanh chóng cập nhật đầy đủ dữ liệu, giao diện thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức các cơ quan của Quốc hội trong quá trình sử dụng, tra cứu, tìm kiếm tài liệu. Cần hoàn thiện 3 tính năng như cam kết để áp dụng thử nghiệm ngay tại Kỳ họp thứ 9.
"Lãnh đạo Quốc hội mong muốn ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, phấn đấu mỗi cán bộ công chức, viên chức của Quốc hội có một trợ lý ảo để phục vụ cho công việc hàng ngày, giảm 30% thời gian xử lý công việc, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ, cung cấp dữ liệu cho ứng dụng và quyết liệt triển khai sử dụng ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan.
Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện App Quốc hội số 2.0
Trước đó, giới thiệu về App Quốc hội số 2.0, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, đã bổ sung một số tính năng mới, cải thiện hiệu suất hệ thống để bảo đảm phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Cụ thể, App Quốc hội số 2.0 đã bổ sung tính năng tìm kiếm và truy cập văn bản, mở rộng phạm vi tìm kiếm, không giới hạn ở từng kỳ họp.

Hệ thống phần mềm cung cấp thông tin trên thiết bị thông minh (App Quốc hội số 2.0) (Ảnh: Quochoi.vn).
App Quốc hội số 2.0 cũng bổ sung tính năng cho phép tra cứu trực tiếp trong một nội dung văn bản giúp truy vấn thông tin nhanh chóng mà không cần phải đọc từng trang tài liệu; tổng hợp tóm tắt các trang tài liệu có ghi chú cá nhân; cập nhật và sắp xếp các văn bản theo thứ tự ưu tiên; phân chia văn bản thành các loại (nghị quyết, nghị định, thông tư...) để tra cứu dễ dàng hơn; tối ưu hóa tính năng chia sẻ tài liệu trực tuyến giữa các đại biểu, tăng tốc độ truy cập ứng dụng khi sử dụng tài liệu...
Tích hợp trợ lý ảo AI để hỗ trợ đại biểu tra cứu thông tin pháp luật và đời sống xã hội; tích hợp chức năng chất vấn bằng văn bản, cho phép đại biểu truy vấn các nội dung chất vấn; bổ sung tính năng đăng nhập bằng vân tay và giọng nói; tối ưu hóa tính năng cập nhật tin tức và các tiện ích hỗ trợ...
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề cập nhật ý kiến, kiến nghị của cử tri tại mỗi Kỳ họp, App Quốc hội số 2.0 đã tích hợp, liên thông dữ liệu với hệ thống quản lý kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tối ưu hệ thống để tăng tốc độ tải ý kiến, kiến nghị của cử tri, hỗ trợ đại biểu tra cứu nhanh chóng; tích hợp chức năng chất vấn bằng văn bản, cho phép đại biểu truy vấn các nội dung chất vấn; bổ sung tính năng đăng nhập bằng vân tay và giọng nói....