Cà phê Cầu Đất lần thứ hai liên tiếp đoạt giải nhất tại cuộc thi tuyển chọn chất lượng cà phê của UCC

Chiều 24/4, Cuộc thi Tuyển chọn chất lượng cà phê UCC Group tại Việt Nam lần thứ 11 đã chính thức khép lại tại Đà Lạt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ban giám khảo chấm thi vòng chung khảo

Ban giám khảo chấm thi vòng chung khảo

Cuộc thi không chỉ là nơi tranh tài của những người nông dân tâm huyết mà còn mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn cho hạt cà phê Việt chất lượng cao, đặc biệt là cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản khó tính, nhưng đầy tiềm năng.

TÌM KIẾM CÀ PHÊ ĐẶC SẢN CHẤT LƯỢNG CAO

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra vào ngày 24/4 tại Trường Đại học Đà Lạt, đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nông hộ đến từ các vùng trồng cà phê của Lâm Đồng như Đà Lạt, Lạc Dương và Lâm Hà.

Được phối hợp tổ chức bởi Công ty UCC Việt Nam, Công ty TNHH Cà phê Là Việt và Khoa Nông Lâm của Trường Đại học Đà Lạt, Cuộc thi được tổ chức lần này là lần thứ 11 với mong muốn thực hiện sứ mệnh cao cả: Nâng tầm chất lượng hạt cà phê Arabica Việt Nam, hỗ trợ nông dân phát triển nghề trồng cà phê một cách bền vững và tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Các tiêu chí quan trọng như hương thơm, vị phức hợp, hậu vị, độ chua thanh, độ dày vị, sự cân bằng và hương vị tổng thể đã được các chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng

Các tiêu chí quan trọng như hương thơm, vị phức hợp, hậu vị, độ chua thanh, độ dày vị, sự cân bằng và hương vị tổng thể đã được các chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng

Để lọt vào vòng chung kết, các mẫu cà phê đã trải qua quy trình kiểm định khắt khe từ khâu thu hái, sơ chế đến quá trình thử nếm tỉ mỉ. Hội đồng giám khảo, bao gồm các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, đã đánh giá chất lượng từng mẫu dựa trên tiêu chuẩn SCA (Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới).

Các tiêu chí quan trọng như hương thơm, vị phức hợp, hậu vị, độ chua thanh, độ dày vị, sự cân bằng và hương vị tổng thể đã được thành viên Ban Giám khảo cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra những hạt cà phê có chất lượng xuất sắc nhất, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Và một lần nữa, cà phê đến từ vùng đất Cầu Đất (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) đã xuất sắc giành giải cao nhất cuộc thi lần này. Đây là lần thứ hai liên tiếp cà phê của vùng đất Cầu Đất khẳng định được chất lượng vượt trội, minh chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của người nông dân trong phương pháp canh tác, chế biến cà phê tại địa phương này.

ĐƯA CÀ PHÊ VƯƠN RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Không chỉ nhận được kỷ niệm chương và giấy chứng nhận, những nông hộ đoạt giải còn được trao những phần thưởng tiền mặt giá trị, với giải nhất là 20 triệu đồng. Đặc biệt và giá trị hơn, những mẫu cà phê chiến thắng trong Cuộc thi này sẽ được Tập đoàn UCC đưa vào quy trình sản xuất và phân phối tại thị trường Nhật Bản. Điều đáng tự hào là trên mỗi bao bì sản phẩm sẽ trang trọng in quốc kỳ Việt Nam cùng thông tin chi tiết về người nông hộ đã tạo ra hạt cà phê chất lượng cao đó.

Đây là cơ hội quý để cà phê Việt Nam được giới thiệu rộng rãi tại các cửa hàng cà phê đặc sản ở Nhật Bản, mở ra một kênh xuất khẩu tiềm năng và nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.

Các nông hộ chứng kiến và chờ đợi kết quả phần chấm thi Vòng chung khảo

Các nông hộ chứng kiến và chờ đợi kết quả phần chấm thi Vòng chung khảo

Ngoài phần vinh danh và trao thưởng, cam kết thu mua cà phê, Cuộc thi còn tổ chức buổi tọa đàm về cà phê để các nông hộ, nhà sản xuất và các chuyên gia trong ngành cà phê có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cập nhật những phương pháp sản xuất tiên tiến.

Buổi tọa đàm lần này được tổ chức mở để nông dân và nhà sản xuất, các chuyên gia trao đổi về tiềm năng nông nghiệp của Đà Lạt, quy trình kết nối vùng nguyên liệu với sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, mang đến những kiến thức bổ ích, giúp người nông dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc hàng ngày.

Chia sẻ về cuộc thi, nhiều nông hộ cho biết đây là một sân chơi để thể hiện tài năng mà còn là cầu nối để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và tiếp cận những xu hướng mới của ngành cà phê thế giới, từ đó nâng cao kiến thức và nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam.

Đại diện Công ty Là Việt trao giải Nhì cho nông hộ Huỳnh Thị Thanh Huyền (xã Trạm Hành, Đà Lạt)

Đại diện Công ty Là Việt trao giải Nhì cho nông hộ Huỳnh Thị Thanh Huyền (xã Trạm Hành, Đà Lạt)

Có thể thấy rằng, đối với những người nông dân, tham gia Cuộc thi không chỉ là cơ hội để chứng minh chất lượng sản phẩm của mình, mà còn là dịp để chia sẻ, nhận được những đánh giá khách quan từ các chuyên gia quốc tế, từ đó nâng cao kỹ năng sản xuất và cải thiện hiệu quả kinh tế.

Việc sản phẩm được quảng bá và xuất khẩu sang một thị trường khó tính như Nhật Bản không chỉ làm tăng giá trị hạt cà phê mà còn tạo ra những cơ hội nghề nghiệp bền vững cho cộng đồng trồng cà phê.

Chủ tịch UCC trao giải nhất cho nông hộ Ngô Thị Nghệ, đến từ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt

Chủ tịch UCC trao giải nhất cho nông hộ Ngô Thị Nghệ, đến từ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt

Giải nhất của Cuộc thi thuộc về nông hộ Ngô Thị Nghệ đến từ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt. Giải nhì được trao cho nông hộ Huỳnh Thị Thanh Huyền, cũng đến từ xã Trạm Hành, và giải ba thuộc về nông hộ Hoàng Đình Cường đến từ xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương.

Những thành công này không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của ngành cà phê Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/ca-phe-cau-dat-lan-thu-hai-lien-tiep-doat-giai-nhat-tai-cuoc-thi-tuyenchon-chat-luong-ca-phe-cuaucc-39b3523/
Zalo