App công nghệ tung nhiều chiêu 'móc tiền' người dùng

Có thể thấy, từ sau đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của người dân đã có những thay đổi rất lớn, việc đặt hàng online trở thành nhu cầu thiết yếu. Lợi dụng điều này, các app gọi xe công nghệ giao đồ ăn, thức uống đã tung ra nhiều chiêu 'hút tiền' từ doanh thu của quán ăn, tiền chiết khấu từ đơn vận chuyển và cả khách hàng...

Doanh nghiệp “chào thua”

Với mong muốn tăng doanh thu, nhiều nhà hàng, quán ăn đã chọn hình thức liên kết kinh doanh qua các app công nghệ. Tưởng như đây là một chiến lược phát triển hợp lý nhưng nhiều nhà hàng thừa nhận rằng, việc này không hề “dễ ăn” khi mà phần lớn lợi nhuận đã phải chi cho app.

Chị Ngô Thị Thu H., chủ một chuỗi cửa hàng cơm gà Hội An tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho biết, xu hướng khách hàng ngày càng gia tăng trong việc tiếp cận mua hàng qua kênh online. Chị đã liên hệ với một số app giao đồ ăn như GrabFood, GoFood, ShoppeFood để đặt gian hàng với mong muốn qua các app sẽ đẩy doanh số ngày càng tăng. Sau 2 năm hợp tác, lượng doanh thu đẩy về từ các app cũng có, song lợi nhuận không đáng là bao khi tỉ lệ chiết khấu cho các app ngày càng tăng dần.

Chị Ngô Thị Thu H., chủ một chuỗi cửa hàng cơm gà Hội An tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho rằng nếu các app giao hàng thu phí, chiết khấu quá cao, chị sẽ không thể trụ được.

Chị Ngô Thị Thu H., chủ một chuỗi cửa hàng cơm gà Hội An tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) cho rằng nếu các app giao hàng thu phí, chiết khấu quá cao, chị sẽ không thể trụ được.

“Nếu như những năm trước, phần phí cho các app chỉ ở mức 15-20%, thì nay trung bình là 25-27%. Mức chiết khấu của các ứng trên đơn hàng sẽ khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác. Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách. Ngoài ra, mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20-30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Doanh số có thể tăng, song chi tiền khuyến mại quá nhiều, lợi nhuận giảm nên tôi đã phải gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng. Việc các app thu một khoản lớn, trong khi phần lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ nhỏ giọt thì chúng tôi không thể trụ được”, chị H. cho biết thêm.

Anh Lê Quốc Vượng, chủ một nhà hàng lẩu nướng Hàn Quốc trên phố Tô Hiệu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời buổi kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, với menu đồ ăn đa dạng, đặc biệt là chú trọng vào cơm trưa văn phòng nên nhà hàng đã định hướng bán hàng qua kênh online để tăng doanh thu. Tuy nhiên, theo anh Vượng, sau khi làm việc với một app công nghệ thì anh được tư vấn phải chiết khấu tới 25% tổng đơn hàng và 1,2 triệu đồng phí đăng kí gian hàng. Tương tự những app khác cũng phải chiết khấu từ 15-25%.

Anh Vượng cho biết: “Với mức phí quá cao như vậy, chúng tôi thà giảm giá trực tiếp để kéo khách về vẫn hơn liên kết với app. Việc app thu phí quá cao chẳng khác gì móc túi người tiêu dùng. Vì thế, tôi đã chọn giải pháp tập trung xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng, tặng hậu mãi, đầu tư fanpage, website, review trực tiếp từ trải nghiệm từ các KOL, KOC...”.

Cùng chung bức xúc, ông Trần Quang H, chủ một cửa hàng hải sản trên đường Trung Kính (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của ông là đơn vị lâu năm và có nhiều đơn hàng giá trị nên đã đàm phán để được mức chiết khấu từ 5-10%. Tuy nhiên, gần đây nhiều app vẫn đòi tăng lên 15-20%, thậm chí 25% nên cửa hàng của ông phải giảm giao hàng qua app. “Tôi thực sự không hiểu họ có nghĩ đến tình trạng kinh tế chung hiện nay hay không, chứ cứ đẩy chiết khấu cao quá thì rất khó. Như cửa hàng của tôi lượng đơn giảm 30-35% so với mọi năm, bây giờ lại “nuôi” thêm app với chiết khấu cao nữa thì thật sự khó sống. Có lẽ, chúng tôi lại phải tìm hướng chiến lược quảng bá khác, sử dụng xe ôm truyền thống để vận chuyển đơn hàng”, ông H nói.

Ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu trên đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng của hãng công nghệ còn “ăn” thêm chiết khấu trên đơn của shipper. Theo đó, tương tự quán ăn, shipper cũng có mức chiết khấu với app từ 20-25%. Chẳng hạn, với một đơn hàng vận chuyển giá 16.000 đồng, tài xế mất 1/4 số tiền cho hãng, chỉ giữ lại 12.000 đồng, chưa kể chi phí đổ xăng đang đắt đỏ. Không chỉ các đối tác bị “ép” mà rất nhiều tài xế cũng tỏ ra bức xúc khi các app thực hiện chính sách ghép hóa đơn giao hàng. Có nghĩa là, tài xế phải giao hàng cho 2-3 khách khác nhau trên cùng một cung đường hoặc khu vực gần nhau. Tuy nhiên, dù người dùng vẫn phải trả đầy đủ phí giao hàng, tài xế chỉ nhận được một phần công thêm rất nhỏ, còn lại app vẫn nhận đầy đủ.

Có người cho rằng, nếu các app thu phí, chiết khấu quá cao thì nhiều cửa hàng sẽ quay lưng với hãng xe công nghệ giao đồ ăn.

Có người cho rằng, nếu các app thu phí, chiết khấu quá cao thì nhiều cửa hàng sẽ quay lưng với hãng xe công nghệ giao đồ ăn.

Thu thêm nhiều phí dịch vụ

Việc các app tăng phí, nhiều người cho rằng người chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng. Chị Lê Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên văn phòng nên việc đặt đồ ăn thức uống online là chuyện cơm bữa. Mới đây, chị xem lại ghi chép thì phát hiện chi phí giao hàng đã tăng mạnh so với 3 năm trước, chưa kể thời gian chờ nhận hàng cũng lâu hơn. Chị cho biết: “Nhiều năm qua tôi thường xuyên mua cơm gà cách công ty khoảng 2 km, chi phí giao hàng đã tăng từ 12.000-15.000 đồng/đơn lên 19.000-25.000 đồng/đơn so với cách đây 3 năm. Không chỉ phí giao hàng tăng mạnh, thời gian chờ nhận hàng cũng lâu hơn”.

Là khách “ruột” của giao dịch mua sắm và đặt xe trên các nền tảng thương mại điện tử, anh Lê Văn Đồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết có một số nền tảng đã bắt đầu thu phí nhiều dịch vụ, thậm chí có nhiều phí rất vô lý. Khách hàng không chỉ “mắc bẫy” tốn tiền dù không có nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn, có app gọi xe mặc định thu bảo hiểm từ 2.000-4.000 đồng/chuyến cho xe máy, ô tô nhưng không những không thông báo mà còn ẩn các thông tin liên quan đến bảo hiểm vào vị trí tác vụ mà khách hàng rất khó nhận thấy. Có ứng dụng còn kèm thêm các dịch vụ có thu phí như phí đóng góp trung hòa carbon...

“Chúng ta không thể phủ nhận những thuận tiện khi đặt dịch vụ qua app nhưng thời gian gần đây có quá nhiều loại phí vô lý đánh vào khách hàng để thu lợi. Nếu như họ thu hàng trăm, hàng nghìn chuyến xe có phụ thu với lý do tương tự thì số tiền thu về hãng là rất lớn. Trong khi khách hàng như chúng tôi lại không có nhu cầu những loại dịch vụ này”, anh Đồng bức xúc.

Theo anh Trần Đăng Hùng (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), khách hàng chuyên sử dụng xe công nghệ cho biết, cùng một quãng đường di chuyển như trước đây, giờ phí dịch vụ lại tăng gấp đôi. Không chỉ chi phí cho cùng một quãng đường đã tăng mà app còn áp nhiều phí khác như: Phí nền tảng, phí quyền lợi chuyến đi, phụ phí ban đêm...

Trước tình trạng các app công nghệ “đẻ” ra những loại phí, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo người dùng lưu ý về các khoản phụ thu trong các ứng dụng gọi xe công nghệ. Theo đó, một số ứng dụng gọi xe công nghệ cung cấp kèm thêm các dịch vụ có thu phí, như: Phí bảo hiểm cho chuyến đi, phí đóng góp trung hòa carbon...

Nhiều tài xế giao hàng qua app cũng bức xúc khi các app còn “ăn” thêm chiết khấu trên đơn của họ.

Nhiều tài xế giao hàng qua app cũng bức xúc khi các app còn “ăn” thêm chiết khấu trên đơn của họ.

Các ứng dụng này đã tự động tích chọn sẵn tính năng đồng ý lựa chọn dịch vụ khi người tiêu dùng đặt xe. Nếu người tiêu dùng không bỏ chọn tính năng này sẽ bị phát sinh thêm chi phí khi đặt xe. Trong khi đó, các dịch vụ này không phải là dịch vụ bắt buộc phải sử dụng. Người tiêu dùng chỉ phải thanh toán thêm phí khi đồng ý lựa chọn dịch vụ. Theo đó, người tiêu dùng cần đọc, nghiên cứu đầy đủ các thông tin thể hiện trên ứng dụng khi thực hiện giao dịch đặt xe để bảo đảm thực hiện chính xác, đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình...

Mặc dù, với mỗi đơn hàng, app công nghệ thu lời từ nhiều bên nhưng nhiều ứng dụng công nghệ vẫn kêu gặp lỗ. Theo các app, áp lực lớn cho thị trường giao đồ ăn tới từ nhà đầu tư. Thông tin từ Grab, Gojek, Be cho biết, với mức phí trên không chỉ phục vụ cho hoạt động mà còn chi vào các chương trình quảng bá cho các đối tác nhà hàng, quán ăn, kể cả đối tác tài xế cũng như hỗ trợ ưu đãi giảm giá cho khách hàng. Do đó, nguồn thu trên các app họ không thụ hưởng được bao nhiêu, thậm chí còn phải bù lỗ.

Nói về vấn đề này, TS Trương Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao chính là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, các app cũng cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải để hỗ trợ tài xế và khách hàng. “Suy cho cùng, khách hàng vẫn là mấu chốt của vấn đề, nếu như khách hàng phải chịu mức phí quá cao, chắc chắn họ sẽ quay lưng lại với bạn. Xu thế mua sắm online là tất yếu của sự phát triện, cứ để xảy ra chuyện này chẳng khác “bóp chết” xu thế. Vì vậy, cần phải có sự hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có sự phát triển bền vững được.

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ - Giám đốc Công ty truyền thông Buzi, việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các app đặt đồ ăn đã qua thời gian "trăng mật" khi các app và các sàn thương mại điện tử tăng các khoản phí thu từ người bán, người giao hàng (shipper) để tối ưu lợi nhuận.

Với các app đặt đồ ăn, việc thu phí đối với người bán dao động từ 15-25% tùy theo mô hình kinh doanh. Việc này đưa người bán hàng tới hai quyết định, một là giảm chất lượng món ăn để bảo đảm biên độ lợi nhuận hoặc tăng giá để bù cho phần chi phí phải trả cho các ứng dụng. Và, dù chọn phương án nào, người bán hàng trên ứng dụng vẫn gặp bất lợi, hoặc là tăng giá bán, hoặc giảm chất lượng sản phẩm.

Ngoài chi phí thu được từ người bán, các app đặt đồ ăn còn có một khoản phí từ shipper. Nếu muốn kiếm nhiều hơn, shipper phải chạy nhiều hơn, thậm chí phải gom đơn hàng đi giao một lần để tiết kiệm thời gian và chi phí xăng dầu, xe cộ... Đối với người dùng cuối, thoạt nhìn có vẻ như các biểu phí này không ảnh hưởng nhưng thực tế lại là người chịu nhiều ấm ức.

Chẳng hạn, nếu không bị áp mức thu phí cao, người bán hàng có thể dùng khoản phí đó cải thiện việc đóng gói để đồ ăn khi giao tới khách được ngon hơn, ví dụ này rất dễ thấy khi chúng ta so sánh với việc ăn tại quán và đặt đồ về nhà thì "độ ngon" đã giảm ít nhất 30%.

Đinh Hiền

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/app-cong-nghe-tung-nhieu-chieu-moc-tien-nguoi-dung--i717683/
Zalo