Áp VAT 0% với phân bón, nông dân được hưởng lợi 6.000 tỷ đồng

Một số quan điểm khẳng định việc áp thuế VAT 0% với mặt hàng phân bón sẽ giúp người nông dân được hưởng lợi 6.000 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là việc các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón và vật tư nông nghiệp nên chịu mức thuế bao nhiêu thì phù hợp?

Hiện nay, đang có hai luồng quan điểm, quan điểm đầu tiên cho rằng, nên áp mức thuế 0% như vậy doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào và cũng không chịu thuế VAT đầu ra nên người nông dân sẽ được hưởng lợi.

Áp thuế VAT 0%, người nông dân được hưởng lợi 6.000 tỷ đồng

Áp thuế VAT 0%, người nông dân được hưởng lợi 6.000 tỷ đồng

Luồng quan điểm thứ hai ủng hộ việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón bởi so với thuế VAT đầu vào 7 - 10% doanh nghiệp đã được hưởng lợi 2 - 3% nếu áp dụng mức này.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề xuất không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này đồng nghĩa với việc phân bón chịu thuế VAT 0%.

Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành hai nhóm hàng hóa: "Phân bón hóa học" và "phân bón hữu cơ". Trong đó, đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm.

"Định hướng này giúp người nông dân chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ; đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch", đại biểu Tuấn cho biết.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.

“Nếu Dự thảo Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu Ngân sách Nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng phản đối đề xuất các mặt hàng vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế suất sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện nay, các mặt hàng nói trên không phải đối tượng chịu thuế giá trị tăng nên các doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của các loại sản phẩm trên.

Đại biểu cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập. Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ.

Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Và hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ap-vat-0-voi-phan-bon-nong-dan-duoc-huong-loi-6000-ty-dong-d112565.html
Zalo