Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất gắn với thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó từng bước tạo dựng những sản phẩm có thương hiệu, giá trị trên thị trường như gạo hữu cơ, hồ tiêu, cà phê, gỗ rừng trồng... giúp thay đổi đời sống người dân khu vực nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới bền vững.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A

Đến nay, toàn tỉnh có 150 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn. Các loại nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết chủ yếu là các sản phẩm chủ lực của tỉnh với hơn 1.200 ha lúa, 1.000 ha cà phê, 1.000 ha hồ tiêu, 300 ha dược liệu, 100 ha chanh leo và 64 trang trại chăn nuôi gia công...

Các mô hình, dự án liên kết đã tạo ra phong trào sản xuất hàng hóa sâu rộng trong cộng đồng, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất cho đội ngũ ban quản lý HTX, tổ hợp tác, làm nền tảng đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nhiều mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đơn cử như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê với sự tham gia của các đơn vị: Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ xanh toàn cầu (Hà Nội), Công ty SX và TM Cát Quế (Hà Nội), Công ty Slow Coffee (Đan Mạch), Công ty TNHH PUN Coffee.

Các đơn vị liên kết đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến cà phê với hệ thống thiết bị máy móc khá hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các hộ gia đình liên kết sản xuất với các HTX, doanh nghiệp có thu nhập tăng cao hơn so với các hộ không tham gia liên kết thông qua tăng giá bán từ 20% - 30% tùy thời điểm.

Riêng đối với HTX Nông sản Khe Sanh đã liên kết đầu vào với 7 tổ nhóm gồm hơn 100 hộ dân, doanh thu hằng năm đạt 22 tỉ đồng. Từ mô hình này, 100 lao động địa phương được tạo việc làm, trong đó có khoảng 70 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của người lao động từ 48 - 72 triệu đồng/năm.

Đối với mô hình liên kết phát triển sản xuất hữu cơ, từ năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT đã mời gọi Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi Ong biển, Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Tổng Công ty Sông Gianh, HTX Nông sản sạch Triệu Phong, Tập đoàn Quế Lâm... đến liên kết sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Nếu như năm 2017, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 250 ha thì đến năm 2023, diện tích này đạt trên 1.100 ha. Trong đó có 346,58 ha lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ và canh tác tự nhiên; 502,5 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 94,3 ha lúa theo hướng VietGap; 160,6 ha lúa sản xuất an toàn thực phẩm. Năng suất lúa tươi bình quân đạt trên 65 tạ/ha và được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng.

Đối với cây hồ tiêu, chỉ tính riêng việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ, đến nay đã có gần 150 ha có liên kết sản xuất và tiêu thụ tại địa bàn các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Các công ty: Organics More Co.,Ltd; TNHH Duy Prosper; HTX sản xuất, kinh doanh Hồ tiêu Vĩnh Linh, HTX Hồ tiêu Cùa Cam Lộ đã liên kết gắn với tiêu thụ. Thông qua chuỗi liên kết, nông dân có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá, là sản phẩm hữu cơ, an toàn cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa góp phần phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Phần lớn nông dân vẫn phải “tự bơi” tìm đầu ra cho hàng nông sản, thủy sản.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, diện tích liên kết và số lượng tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản qua liên kết còn quá thấp, chưa tạo nên những động lực trong sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng được mùa mất giá, cũng như chưa phát huy được vai trò của “4 nhà”: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học để nông nghiệp phát triển bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách toàn diện, bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tổ chức, chỉ đạo, định hướng thúc đẩy phát triển sản xuất.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương căn cứ quy hoạch tỉnh để triển khai các khu/vùng sản xuất quy mô hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất gắn với chế biến.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, đầu tư vào chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Về phía các địa phương cần rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích phát triển các nông sản có tiềm năng lợi thế liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Huy động, lồng ghép các nguồn lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị bền vững, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên gắn với liên kết tiêu thụ nông sản.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/day-manh-lien-ket-trong-san-xuat-nong-nghiep-186875.htm
Zalo