Áp thuế hàng nhập có giá trị nhỏ cần phù hợp thông lệ quốc tế

Hàng hóa ngoại nhập giá trị nhỏ cũng phải chịu thuế như hàng hóa nội địa là xu hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ phương pháp hoặc thỏa thuận lại với các đối tác để đảm bảo việc áp thuế này phù hợp thông lệ quốc tế.

Số liệu được đưa ra tại tọa đàm về "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 6-2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 đến 1,9 tỉ đô la hàng hóa nhỏ trị giá mỗi đơn hàng dưới 1 triệu đồng qua biên giới không phải đóng thuế.

Doanh nghiệp nội địa bị cạnh tranh không công bằng

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, để giảm chi phí kinh doanh và nắm bắt xu hướng mua sắm online của người tiêu dùng gia tăng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đang đẩy mạnh bán hàng ở kênh TMĐT.

Temu (Trung Quốc) một nền tảng TMĐT trên thị trường thế giới vừa gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Reuters

Temu (Trung Quốc) một nền tảng TMĐT trên thị trường thế giới vừa gia nhập thị trường Việt Nam. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, do sản phẩm quần áo dưới nhãn hàng V-Sixtyfour của VitaJean sản xuất theo tiêu chuẩn của các nhãn hàng quốc tế, nên kém cạnh tranh về giá bán, nhất là so với hàng nhập từ Trung Quốc vừa rẻ và không chịu thuế.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT VitaJean cho rằng, quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng hiện nay là cạnh tranh không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Đáng chú, hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc vốn cạnh tranh về giá thấp đang đẩy mạnh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Việt Nam qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của Trung Quốc khiến doanh nghiệp trong nước càng khó khăn.

Trong bối cảnh các hoạt động TMĐT xuyên biên giới có xu hướng tăng mạnh hiện nay, theo ông Việt, chính sách miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ không còn phù hợp nên một số quốc gia đã bãi bỏ.

Ông nêu dẫn chứng, sản phẩm V-Sixtyfour mà các khách hàng ở Singapore, Thái Lan hay ở các nước châu Âu mua online đang phải chịu thuế tiêu dùng hoặc thuế nhập khẩu, dù trước đây những quốc gia này cũng có ký Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto 1973) giống như Việt Nam.

Để đơn giản hóa việc quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu qua các hệ thống TMĐT xuyên biên giới và có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế, Việt Nam đang thực hiện theo cam kết trong Công ước Kyoto 1973 vì mức thuế nhỏ so với chi phí quản lý.

Tại Điều 1 của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg quy định: “Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT)”.

Tương tự, trong ngành cao su và nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM, cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh hàng hóa giá rẻ và miễn thuế từ Trung Quốc.

Người tiêu dùng trong nước giờ đây có thể mua hàng trực tiếp từ các nền tảng TMĐT Trung Quốc, với thời gian giao hàng chỉ vài ngày. "Cách thức mua bán mới này đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, những doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn với chi phí sản xuất cao và gánh thêm các loại phí - thuế khác", ông Quốc Anh nói.

Sản phẩm V-Sixtyfour của VitaJean bán online đến người tiêu dùng các nước cũng phải đóng thuế. Ảnh: L.H

Sản phẩm V-Sixtyfour của VitaJean bán online đến người tiêu dùng các nước cũng phải đóng thuế. Ảnh: L.H

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào cuối tháng 10 qua, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề xuất không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn TMĐT do lo ngại thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.

Nhận thông tin trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi với đề xuất mới nhà quản lý sàn TMĐT (kể cả sàn nước ngoài) và nền tảng số sẽ nộp thuế thay người bán, ông Quốc Anh cho rằng đây là đề xuất phù hợp thực tế và sẽ cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng quy định miễn thuế nhập khẩu hàng hóa dưới 1 triệu đồng vốn đang gây áp lực rất lớn với các nhà sản xuất trong nước.

Phải chuẩn bị kỹ về pháp lý và công nghệ thuế quan

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, tại các sàn TMĐT, bình quân mỗi ngày có hàng triệu đơn hàng giá trị nhỏ, hoặc được khai báo là quà tặng được chuyển về Việt Nam nhưng không phải đóng thuế. Theo các chuyên gia, quy định miễn thuế đối với các loại hàng hóa giá trị nhỏ đang là một “lỗ hổng” khiến nguồn thu ngân sách bị thất thu rất lớn.

Ông Đào Tiến Phong, Luật sư điều hành Investpush Legal, cho rằng tình hình thực tế về môi trường kinh doanh hiện tại đã khác xa so với hơn 10 năm trước, thời điểm đất nước ký cam kết kết quốc tế trong Công ước Kyoto 1973.

Để đơn giản hóa việc quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu qua các hệ thống TMĐT xuyên biên giới và có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế, Việt Nam đang thực hiện theo cam kết quốc tế trong Công ước Kyoto 1973 và được cụ thể tại Quyết định số 78/2010.

“Với việc phát triển nhanh TMĐT xuyên biên giới và lượng hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ đăng tăng cao hiện nay, tôi cho rằng việc bãi bỏ quy định miễn thuế hàng hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng là cần thiết và phù hợp với xu thế trên thế giới”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, do nhận thấy không còn phù hợp, các nước ở châu Âu, Anh quốc, Singapore… đã bãi bỏ thông lệ miễn thuế đối với hàng hóa nhập có giá trị thấp. Đây là những nước phát triển với hệ thống luật pháp khá chặt chẽ nên trước khi đi đến quyết định áp thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp, chắc chắn họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng việc áp thuế này có ảnh hưởng đến cam kết quốc tế.

“Đến nay, chúng ta cũng chưa nghe hoặc biết đến những vụ việc khiếu nại của các quốc gia chịu thuế liên quan đến hàng hóa giá trị nhỏ bị áp thuế”, ông Phong nêu và cho rằng việc bãi bỏ quy định miễn thuế này sẽ đảm bảo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Tương tự, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng chính sách của Việt Nam nên hướng tới việc tạo sự bình đẳng cho hàng hóa Việt Nam và hàng hóa ngoại nhập trên các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, hàng hóa ngoại nhập giá trị nhỏ cũng phải chịu thuế như hàng hóa nội địa. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới trong quản lý TMĐT xuyên biên giới.

Do đó, những ý kiến đề xuất bãi bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng theo ông là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ phương pháp hoặc thỏa thuận lại với các đối tác để đảm bảo việc áp thuế này phù hợp thông lệ quốc tế.

Shipper chuyển những gói hàng nhỏ mua online đến khách. Ảnh minh họa: TTXVN

Shipper chuyển những gói hàng nhỏ mua online đến khách. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước ý kiến lo ngại các nước sẽ áp thuế này lại với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, ông Điền cho rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, hàng hóa của doanh nghiệp Việt hiện xuất qua kênh TMĐT còn thấp so với hàng hóa các nước đưa vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc. Do đó, việc áp thuế với hàng hóa giá trị nhỏ hiện nay hiện nay là cần thiết để công bằng với các nhà sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, trong đó đã đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT cần được thực hiện đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nên cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị.

Chính sách thuế với hàng giá trị nhỏ ở một số nước

Liên minh châu Âu EU đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống.
Vương quốc Anh (nước Anh, Scotland và Xứ Wales) cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 1-1-2021.
Singapore đã bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT từ ngày 1-1-2023.
Thái Lan thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị từ ngày 1-5-2024.

Nguồn: baochinhphu.vn

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-thue-hang-nhap-co-gia-tri-nho-can-phu-hop-thong-le-quoc-te/
Zalo