Áo dài ngũ thân và hành trình về cội của chàng trai Hà Nội

Bền bỉ nhiều năm qua, có một chàng trai thuộc thế hệ 8X ở Hà Nội cùng các cộng sự tổ chức nhiều hoạt động để ngày càng có nhiều người trẻ quay lại với chiếc áo dài ngũ thân. Chàng trai đó là nhà văn - dịch giả Lê Xuân Khoa.

Lê Xuân Khoa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lê Xuân Khoa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Di sản có giá trị văn hóa vững bền

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đưa ra định chế chiếc áo dài ngũ thân (năm thân) làm trang phục cho dân chúng Đàng Trong. Để rồi sau này, hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) quy định áo dài ngũ thân là trang phục dùng chung cho cả nước Việt Nam.

Chiếc áo dài ngũ thân đã trở thành di sản quan trọng thể hiện sự thống nhất đất nước, dân tộc, cũng có nghĩa là thống nhất văn hóa giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Miền đất cố đô Huế vinh dự trở thành nơi khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân.

Theo ghi chép của Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, của Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương và Toan Ánh trong Nếp nhà thì trang phục nam giới ngày xưa của dân tộc ta được chia làm 4 loại: Phẩm phục dành cho vua quan; nhung phục dành cho binh sĩ; lễ phục dành cho dân chúng khi cúng tế; thường phục thì ai cũng mặc áo dài, đội khăn đóng, mang giày hạ.

Do những biến động về lịch sử và xã hội, từ đầu thế kỷ XX, 3 loại phẩm phục, nhung phục, lễ phục trở nên mờ nhạt, ít người biết đến. Trong khi đó, thường phục ngày càng được ưa chuộng và phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân. Áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng, giày hạ là bộ trang phục rất quen thuộc của người đàn ông Việt Nam, được gạn lọc qua lịch sử, có sức sống dài lâu, có giá trị văn hóa vững bền.

Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn đã sử dụng áo dài ngũ thân trong một số nghi lễ và nghi thức ngoại giao. Ngày nay, các dịp lễ, tết, nhiều sự kiện quốc tế, nhất là các hoạt động ngoại giao, văn hóa của Việt Nam tại nước ngoài, chúng ta thấy sự hiện diện trở lại của áo dài ngũ thân.

Đặc điểm cơ bản của áo dài ngũ thân. Nguồn: CLB Đình làng Việt

Đặc điểm cơ bản của áo dài ngũ thân. Nguồn: CLB Đình làng Việt

Trở về với cội nguồn dân tộc qua trang phục

Lê Xuân Khoa thuộc thế hệ 8X, không phải trải qua chiến tranh, song tuổi thơ vẫn chưa thể gọi là sung túc. Là con út, anh thường “kế thừa” quần áo của bố và anh trai. Khi đất nước còn khó khăn, mọi người đều mong ước đủ ăn, đủ mặc, chưa dám nghĩ đến ăn ngon, mặc đẹp.

Sang thiên niên kỷ mới, xã hội có nhiều biến chuyển, nhất là tác động của công nghệ số, toàn cầu hóa… Internet kéo nhân loại xích lại gần nhau, khiến thế giới càng lúc càng phẳng hơn. Giới trẻ có thể quan sát, học hỏi trào lưu văn hóa từ Âu, Mỹ, Trung, đến Hàn, Nhật… qua báo chí, phim ảnh, mạng xã hội... Lê Xuân Khoa cùng bạn bè say sưa đón nhận tất cả những điều mới mẻ đó với cảm giác hân hoan vì được mở mang tầm mắt.

Nhưng anh cùng bạn bè cũng đặt ra một câu hỏi: Chúng ta đã biết nhiều hơn về thế giới, còn thế giới thì biết gì về Việt Nam? Với 4.000 năm lịch sử, “vân tay văn hóa” của chúng ta là gì?

Vậy là, Lê Xuân Khoa thức tỉnh và “lao vào” di sản văn hóa dân tộc mà như anh nói, anh đang “đi giữa bình minh” - một bình minh mới chớm nhưng chắc chắn sẽ là những ngày nắng đẹp! Bắt đầu từ truyền thống gia đình, vì cả ông nội lẫn ông ngoại anh đều từng là những tay chơi cổ nhạc sành sỏi. Những bản cover nhạc ngoại do Lê Xuân Khoa soạn lời Việt và tự thể hiện đã thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube. Lê Xuân Khoa tiếp tục “cày xới” với chèo, xẩm, chầu văn, ca trù… Bên cạnh âm nhạc, anh còn khát khao được khoác lên mình những trang phục mang đậm cốt cách cha ông.

Các thành viên CLB Đình làng Việt với chiếc áo ngũ thân. Nguồn: CLB Đình làng Việt

Các thành viên CLB Đình làng Việt với chiếc áo ngũ thân. Nguồn: CLB Đình làng Việt

Từ năm 2010, Lê Xuân Khoa bắt đầu mặc áo dài trong một số dịp biểu diễn văn nghệ. Năm 2015, anh thử nghiệm với áo dài ngũ thân. Anh phải mua, may ngoài Bắc, trong Nam nhiều bộ áo dài ngũ thân mới chọn được bộ áo đúng với truyền thống dân tộc. Tiếp đó, Lê Xuân Khoa và các bạn trong CLB đã có sơ đồ bản vẽ áo dài ngũ thân.

Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, lần đầu tiên Lê Xuân Khoa khoác lên mình một bộ ngũ thân chuẩn mực được may bởi một nghệ nhân 9X từ TP Hồ Chí Minh. Với niềm đam mê áo dài ngũ thân, Lê Xuân Khoa cùng cộng sự trẻ là những người “mở đường” để giới trẻ trở về với cội nguồn dân tộc qua trang phục.

Những ngày đầu, nhóm Lê Xuân Khoa chỉ có năm, sáu anh em mặc áo dài ngũ thân dạo quanh hồ Hoàn Kiếm trước ánh mắt tò mò, lạ lẫm của nhiều người. Khách nước ngoài thì xin chụp ảnh lưu niệm, còn nhiều người Việt vẫn nhầm tưởng họ là nghệ sĩ hoặc anh hai quan họ. Cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, các bạn trẻ đã kiên nhẫn giải thích cặn kẽ cho mọi người hiểu, hướng dẫn cách vấn khăn thay vì dùng khăn đóng sẵn, cung cấp tư liệu chứng minh rằng, từ đầu thế kỷ XX, áo dài đã đi cùng giày tây chứ không phải guốc mộc như trên sân khấu…

Nhóm của Lê Xuân Khoa còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, thuyết trình, giới thiệu và trình diễn áo dài ngũ thân tại Hà Nội, đỉnh Mẫu Sơn, cố đô Huế, phố cổ Hội An, miền Tây sông nước, mũi Cà Mau… Riêng Khoa còn vinh dự mặc áo dài ngũ thân dự các sự kiện quốc tế như: Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương tại Phnom Penh, Campuchia (2019), mặc áo dài ngũ thân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội (2021), mặc áo ngũ thân tay thụng tại họp báo và công diễn nhạc kịch Đồng dao cổ tích (2023) mà anh là người biên soạn toàn bộ phần lời của các bài hát trong đó cùng nhiều chương trình, sự kiện khác...

Không chỉ riêng Lê Xuân Khoa, các bạn trẻ trong nhóm đều có cảm giác lịch lãm và tự tin hơn khi khoác chiếc áo dài ngũ thân lên mình, cài năm chiếc cúc, vấn chiếc khăn; cốt cách nam nhân Đại Việt từ hàng trăm năm trước như nhập vào họ, mỗi cử chỉ bỗng khoan thai, mỗi chuyển động trở nên thư thái. Thiết kế thoáng rộng, không ôm bó, có thể che giấu nhược điểm hình thể cho cả người béo lẫn người gầy, không cần phải có vóc dáng như người mẫu thì mặc áo dài ngũ thân mới đẹp.

Khác với nhiều loại cổ phục khá cầu kỳ, áo dài ngũ thân tương đối đơn giản, tiện lợi và dễ mặc. Tuy giản dị nhưng vẫn đủ để tạo ra sự chỉn chu, đứng đắn, hoàn toàn có thể dùng nó thay cho bộ com lê trong các sự kiện trang trọng… Số lượng thành viên nhóm áo dài ngũ thân mang tên Đình làng Việt, số nghệ nhân may áo dài ngũ thân nhờ thế đã tăng lên.

Đó là những tín hiệu thật vui, thật đáng mừng để giới trẻ góp phần vào giữ gìn, quảng bá, phát huy di sản truyền thống dân tộc từ chiếc áo dài ngũ thân, giúp Việt Nam không bị “đồng phục” trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Lê Xuân Khoa sinh năm 1983 tại Hà Nội. Năm 2013, anh xuất bản tiểu thuyết đầu tay

Falling leaves in the city

. Năm 2015, cuốn sách tiểu sử của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành do Lê Xuân Khoa chấp bút với nhan đề

Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du

ra mắt. Sau đó anh xuất bản một loạt sách thuộc mảng tôn giáo, tâm linh với vai trò dịch giả như:

Pillars of Consciousness: Buddha - Zen - Tao - Tantra - Upanishad

(5 cuốn) của Osho,

From Darkness to Light

của Jiddu Krishnamurti. Cuối năm 2020, Lê Xuân Khoa tái xuất văn đàn qua tác phẩm

Biển nhựa sống - Lời nguyền

.

TRẦN THANH HƯNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325620/ao-dai-ngu-than-va-hanh-trinh-ve-coi-cua-chang-trai-ha-noi.html
Zalo