Anh và Liên minh châu Âu (EU) hàn gắn quan hệ sau Brexit
Hội nghị thượng đỉnh Anh-Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu lần đầu tiên cơ chế họp cấp cao được tổ chức kể từ khi Anh chính thức rời EU (Brexit) vừa diễn ra tại London, Anh.
Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ hai bên, sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit. Trước đó, Anh và EU đã đạt thỏa thuận thiết lập lại quan hệ lớn nhất kể từ Brexit, tập trung vào thương mại, quốc phòng và ngư nghiệp. Thỏa thuận nhằm xóa bỏ rào cản thương mại, tăng cường an ninh châu Âu và thúc đẩy kinh tế Anh.

Mong muốn đầu tiên của Chính quyền Anh khi nỗ lực cải thiện quan hệ với EU, đó là giảm thiểu các tác động tiêu cực của Brexit. Ảnh: Euronews
Sau gần một thập kỷ kể từ khi cuộc trưng cầu ý dân về Brexit diễn ra năm 2016, gây ra những rạn nứt và bất đồng giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, việc Anh và EU nỗ lực hàn gắn quan hệ tác động ra sao tới khu vực và toàn cầu?
Những thỏa thuận đáng chú ý
Thỏa thuận đáng chú ý nhất của Hội nghị thượng đỉnh EU-Anh là việc ký kết hiệp ước an ninh và quốc phòng, tổ chức các cuộc Đối thoại chính sách về ngoại giao và an ninh 6 tháng một lần giữa Ngoại trưởng Anh và Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh mạng và thám hiểm không gian để đối phó với các mối đe dọa chung.
Trên hết, Hiệp ước về an ninh và quốc phòng sẽ cho phép Anh tham gia vào hoạt động mua sắm các thiệt bị quân sự chung cùng với các quốc gia thành viên EU, đồng thời cho phép các quốc gia thành viên Khối 27 mua sắm những thiết bị quân sự do Anh sản xuất. Hiệp ước này cũng mở đường cho sự tham gia trong tương lai của Anh vào quỹ SAFE (Hành động an ninh vì châu Âu) trị giá 150 tỷ euro mà Brussels hiện đang hoàn thiện để tài trợ cho việc tái vũ trang của các quốc gia EU.
Về phía châu Âu, vẫn có ý kiến cho rằng việc ký kết hiệp ước này là cần thiết nhưng chưa đủ để London và các công ty Anh được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên mới của Khối 27.
Ngoài ra, London và Brussels cũng đã đàm phán về việc bãi bỏ các biện pháp kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật tại biên giới chung, nhằm gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến các thủ tục hành chính đối với các nhà xuất khẩu của hai bên. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Anh sẽ phải chủ động và thay đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về việc đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm của EU. Đây có thể được coi là một bước tiến mới trong quan hệ của song phương bởi chính phủ của Thủ tướng Keir Stamer vẫn do dự không quyết định được vấn đề này cho đến trước Hội nghị thượng đỉnh.
Hai bên cũng đi đến nhất trí cho phép các tầu cá của Khối 27 tiếp cận vùng biển của Anh, có hiệu lực đến 2038. Để đi đến thỏa thuận này, phía Thủ tướng Keir Starmer cũng phải chịu nhiều sức ép từ các đảng phái đối lập, cho rằng ông Starmer đang đi ngược lại với tinh thần Brexit bởi dù nghề đánh bắt cá không phải là hoạt động kinh tế chính của London nhưng đây vẫn được coi là một ngành nghề chủ chốt.
Song phương cũng đề cập đến vấn đề di chuyển của thanh niên nhưng tất cả chỉ giới hạn ở mức đàm phán. Các quan chức châu Âu vẫn hy vọng điều này sẽ đi đến một thỏa thuận cho phép đơn giản hỏa việc cấp thị thực cho thanh thiếu niên Khối 27 có nhu cầu đến Anh cũng như việc London quay trở lại chương trình trao đổi sinh viên Eramus. Trước đó, Anh đã tự động rút khỏi Eramus kể từ sau đàm phán Brexit.
Tính toán của Anh khi cài đặt lại quan hệ với EU
Mong muốn đầu tiên của Chính quyền Anh khi nỗ lực cải thiện quan hệ với EU, đó là giảm thiểu các tác động tiêu cực của Brexit. Theo các tổ chức nghiên cứu về kinh tế, Brexit đã khiến Vương quốc Anh suy yếu nghiêm trọng về kinh tế và đứng trước nguy cơ bị các quốc gia châu Âu vượt qua về sự giàu có.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Vương quốc Anh là 0,5% và của một quốc gia tầm trung của EU là Ba Lan, là 3,6%. Hiện tại, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người của Ba Lan là 28.200 bảng so với 35.000 bảng của Vương quốc Anh. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng, Ba Lan sẽ vượt qua Vương quốc Anh vào năm 2030. Tương tự, đến năm 2040, cả Hungary và Romania, những quốc gia kém giàu có nhất của EU, cũng sẽ vượt xứ sở sương mù.
Và với những thỏa thuận mới đạt được cùng EU, Chính phủ Anh hy vọng nền kinh tế nước này sẽ được hưởng lợi thêm khoảng 9 tỷ bảng Anh (tương đương 12,1 tỷ USD) vào năm 2040, qua đó giúp Anh duy trì vị thế quốc gia kinh tế top đầu thế giới.
Ngoài ra, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đảm bảo việc thông qua một hiệp ước an ninh và quốc phòng, thể hiện cam kết của Vương quốc Anh, một cường quốc hạt nhân, đối với an ninh của Lục địa già, vào thời điểm lá chắn bảo vệ của Mỹ đang dần biến mất khỏi châu Âu.
Và trong bối cảnh không chỉ riêng châu Âu mà cả Anh cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm tàng như khả năng gia tăng chiến tranh, việc có thể tham gia vào các cơ chế phòng thủ chung cũng sẽ giúp London cải thiện khả năng quốc phòng, có thêm nhiều thông tin và thời gian để chuẩn bị các biện pháp chống trả trong trường hợp xung đột nổ ra.
Các hành động gần đây của Anh như chủ động cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập một « liên minh tự nguyện », sẵn sàng tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để đảm bảo an ninh trong trường hợp một lệnh ngừng bắn với Nga được thiết lập; hay tổ chức nhiều cuộc họp tại London, Berlin, Warsaw, Paris, Brussels và thậm chí tại Kiev vào ngày 10/5 mới đây cùng các đồng minh, đã đánh dấu sự quay trở lại của Anh trên trường chính trị quốc tế. Đồng thời giúp Anh lấy được sự tín nhiệm của nhiều quốc gia EU, nâng vị thế của London tại khu vực và trên thế giới, vốn bị lu mờ "nghiêm trọng" kể từ sau sự kiện Brexit.
Anh và EU sẵn sàng thiết lập quan hệ thành công và mang tính xây dựng
Xét theo một khía cạnh nào đó, việc Anh và EU đi đến nhất trí bãi bỏ các biện pháp kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch động-thực vật tại biên giới chung là một thành công cho Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer. Điều này sẽ cho phép hàng hóa của London dễ dàng tiếp cận thị trường EU hơn, mở ra hy vọng khôi phục nền kinh tế Anh mặc dù cái giá phải trả đó là cho phép các tàu đánh cá của Pháp, Bỉ, Hà Lan tiếp cận vùng biển của mình.
Để đạt được bước tiến này, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã phải chịu nhiều áp lực đến từ đảng đối lập cánh hữu dân túy « Cải cách Vương quốc Anh » (Reform UK), đảng vừa giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử địa phương hồi đầu tháng 5 và vượt lên dẫn trước Công đảng của ông Starmer trong các cuộc thăm dò gần đây. Reform UK cáo buộc Thủ tướng Anh phản bội lại tinh thần của Brexit, đi ngược lại quyết định của người dân nước này.
Sẽ là thất bại nếu Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU không đạt được những bước tiến quan trọng về kiểm dịch động thực vật hay vấn đề đánh bắt cá.
Tuy nhiên, việc chưa đi đến bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào liên quan đến vấn đề di chuyển của thanh niên cho thấy song phương vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được giải quyết triệt để. Mặc dù các quan chức đôi bên hứa hẹn về các vòng đàm phán tiếp theo nhưng nhìn chung đây vẫn sẽ là một vấn đề nhức nhối cần nhiều thời gian để cả hai có thể đi đến những kết luận mang tính đột phá. Tương tự, vấn đề hợp tác năng lượng vẫn sẽ là một dấu hỏi đầy nghi ngờ, liệu EU đã sẵn sàng cho sự xuất hiện của Anh trong mạng lưới năng lượng xanh định hình tương lai của mình ?
Ngoài ra, Anh và EU vẫn tồn tại một số lằn ranh đỏ, giới hạn việc nâng cấp quan hệ hợp tác kinh tế song phương lên một tầm cao mới như việc Thủ tướng Keir Starmer vẫn giữ nguyên lời hứa kể từ khi tranh cử, đó là nhất quyết không nỗ lực tái hòa nhập Vương quốc Anh vào liên minh thuế quan và thị trường nội địa châu Âu.
Tóm lại, quan hệ song phương Anh và EU đã đạt được một số cải thiện đáng kể trong vấn đề kiểm dịch và đánh bắt cá, hứa hẹn một tương lai tươi đẹp hơn cho đôi bên kể từ hậu Brexit, song cả hai vẫn còn tồn tại một số bất đồng cần nhiều thời gian để xóa nhòa "khoảng cách".