Anh và EU tăng cường trừng phạt Nga giữa bế tắc ngoại giao

Liên minh châu Âu (EU) và Vương Quốc Anh hôm 20/5 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, tập trung vào 'hạm đội ngầm' vận chuyển dầu bất hợp pháp cùng các chuỗi cung ứng quân sự.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao, bao gồm cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, bị giới quan sát cho là không mang lại tiến triển rõ rệt trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine.

Theo báo Washington Post, gói trừng phạt thứ 17 do Hội đồng EU phê duyệt lần này đặc biệt nhắm vào "đội tàu ngầm" của Nga – một hệ thống gồm hàng trăm tàu vận tải dầu mỏ, khí đốt và thậm chí là ngũ cốc vốn hoạt động nhằm lách các giới hạn và cấm vận của phương Tây. Tổng cộng 189 tàu bị trừng phạt, nâng số tàu trong diện này lên 342.

Tàu chở dầu NS Champion bị Mỹ tình nghi nằm trong "hạm đội ngầm" của Nga. Ảnh: kees torn/Flickr

Tàu chở dầu NS Champion bị Mỹ tình nghi nằm trong "hạm đội ngầm" của Nga. Ảnh: kees torn/Flickr

Bên cạnh đó, EU cũng mở rộng danh sách các thực thể và cá nhân liên quan đến tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, áp dụng lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản, đồng thời áp đặt hạn chế thương mại đối với các công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Uzbekistan và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) – những bên bị cáo buộc đã hỗ trợ Nga né tránh trừng phạt.

Song song đó, Vương Quốc Anh đã ban hành 100 lệnh trừng phạt mới, nhắm vào các lĩnh vực quân sự, năng lượng và tài chính, bao gồm cả các tổ chức tài chính bị cáo buộc đang tiếp tay cho Nga tiếp tục Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đặc biệt, 18 tàu từ hạm đội tàu chở dầu của Nga bị đưa vào danh sách đen trong nỗ lực phá vỡ mạng lưới vận chuyển dầu của Moscow. Chuỗi cung ứng vũ khí cũng bị đưa vào tầm ngắm, với hệ thống tên lửa Iskander – loại vũ khí bị cáo buộc đã nhiều lần tấn công các khu vực dân sự của Ukraine – là một trong những mục tiêu chính.

Ngoại trưởng Anh David Lammy tuyên bố các biện pháp trừng phạt nhằm “tăng cường áp lực lên Điện Kremlin” và thúc giục Nga đồng ý với một lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện ngay lập tức. Ông nhấn mạnh, việc trì hoãn các nỗ lực hòa bình sẽ chỉ khiến phương Tây quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ Ukraine tự vệ và "cô lập cỗ máy chiến tranh của Nga".

ĐỌC NGAY: Đàm phán ngừng bắn giữa Nga - Ukraine rơi vào bế tắc

Bên cạnh các biện pháp trừng phạt tài chính, EU và Anh cũng đang bàn thảo việc hạ trần giá dầu của Nga – mức đang được áp tại 60 USD/thùng – nhằm làm suy giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow. Nếu được thực hiện, điều này có thể gây thêm áp lực lên nền kinh tế Nga trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đã giảm.

Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa gia tăng các lệnh trừng phạt mới. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Trump tuyên bố đang “xem xét nhiều lựa chọn” và tin rằng việc dọa trừng phạt có thể làm gián đoạn quá trình đàm phán. Ông khẳng định vẫn giữ vai trò trung gian để đưa hai bên vào bàn đàm phán, bất chấp cuộc trò chuyện giữa ông và người đồng cấp Putin không đạt được thỏa thuận ngừng bắn cụ thể.

Giới phân tích cho rằng, Nga đang sử dụng chiến thuật kéo dài thời gian để tránh phải nhượng bộ thực sự. Nhà nghiên cứu chính trị Tatiana Stanovaya từ Trung tâm nghiên cứu Carnegie về Nga và Á-Âu nhận định, Moscow đang cố gắng trao cho Tổng thống Trump một “thành quả hữu hình” từ các nỗ lực hòa bình của Mỹ mà không phải trả bất kỳ giá nào. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói từ Ukraine khẳng định hòa bình chỉ có thể đạt được khi Nga kiệt quệ cả về quân sự lẫn tài chính, điều mà các lệnh trừng phạt đang nhắm đến.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/anh-va-eu-tang-cuong-trung-phat-nga-giua-be-tac-ngoai-giao.710238.html
Zalo