Anh và EU nhất trí 'cài đặt' lại quan hệ sau 5 năm Brexit

Ngày 19-5, Anh đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên kể từ khi London chính thức rời khỏi khối này (hay còn gọi là Brexit).

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thương mại giữa hai bên sụt giảm do chi phí tăng và thủ tục hành chính rườm rà sau Brexit.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đạt được bước đột phá trong cuộc đàm phán trước thềm hội nghị. Ảnh: Standard

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đạt được bước đột phá trong cuộc đàm phán trước thềm hội nghị. Ảnh: Standard

Thủ tướng Keir Starmer, người trước đây ủng hộ việc ở lại EU, đã đặt cược rằng, việc đảm bảo các lợi ích hữu hình cho người Anh sẽ vượt qua bất kỳ chỉ trích nào về "sự phản bội tiến trình Brexit" từ những người bảo vệ quan điểm tách Anh ra khỏi EU.

Theo ông Keir Starmer, thế giới đã thay đổi kể từ khi Anh rời khỏi EU vào năm 2020 và trọng tâm của việc thiết lập lại quan hệ mới là hiệp ước quốc phòng và an ninh, có thể mở đường cho các công ty quốc phòng của Anh tham gia vào chương trình trị giá 150 tỷ euro (167 tỷ USD) để tái vũ trang cho châu Âu.

Thông qua hội nghị, hai bên hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại và quốc phòng để giúp phát triển kinh tế và tăng cường an ninh trên lục địa.

Các hãng truyền thông quốc tế cho biết, Thủ tướng Keir Starmer đã đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa trước thời điểm hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Đầu tháng này, Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Ấn Độ và đảm bảo một số khoản miễn giảm thuế quan từ Mỹ. EU cũng đã đẩy nhanh nỗ lực để xây dựng các thỏa thuận thương mại với những quốc gia như Ấn Độ và tăng cường quan hệ đối tác với Canada, Australia, Nhật Bản và Singapore.

Từ các vấn đề được thảo luận, Anh hy vọng sẽ giảm đáng kể các cuộc kiểm tra biên giới và thủ tục giấy tờ làm chậm xuất khẩu thực phẩm và nông sản với EU. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các cổng điện tử nhanh hơn cho du khách Anh tại sân bay EU cũng sẽ được xem xét.

Đổi lại, Anh dự kiến sẽ đồng ý với một chương trình di chuyển hạn chế cho thanh thiếu niên và có thể tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+. Hai bên cũng đã đạt được một thỏa thuận dài hạn về quyền đánh bắt cá, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong thời kỳ Brexit.

Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng cũng là một nội dung của chương trình nghị sự. Giống như đánh bắt cá, thỏa thuận về năng lượng do cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ký kết sẽ hết hạn vào tháng 6-2026. Văn bản này được cho là cồng kềnh, kém hiệu quả và bị cáo buộc là kìm hãm đầu tư vào Biển Bắc và làm tăng giá cho người tiêu dùng. Cả hai bên đều muốn thay thế nó bằng một thỏa thuận tốt hơn.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/anh-va-eu-nhat-tri-cai-dat-lai-quan-he-sau-5-nam-brexit-702782.html
Zalo