Anh trở thành trung tâm tài chính cho dự án nhiên liệu hóa thạch quy mô lớn

Ngày 1/5, tờ The Guardian dẫn kết quả một nghiên cứu mới cho biết các ngân hàng lớn tại Anh đã đầu tư hơn 100 tỷ USD (tương đương 75 tỷ bảng Anh) vào các công ty tham gia phát triển những dự án dầu khí và than đá quy mô lớn - còn gọi là 'bom carbon'.

Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất. Ảnh: TTXVN phát

Các nhà máy nhiệt điện đã hoạt động và đang được xây dựng đe dọa ảnh hưởng đến mục tiêu ngăn chặn sự ấm dần lên của Trái Đất. Ảnh: TTXVN phát

Đây là các dự án có khả năng đẩy thế giới vượt ngưỡng an toàn về nhiệt độ toàn cầu, đe dọa nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của tổ chức Leave It in the Ground Initiative (LiGi), trong giai đoạn 2016 - 2023, chín ngân hàng có trụ sở tại London - như HSBC, Barclays, Lloyds, NatWest và Standard Chartered - đã tài trợ cho các công ty liên quan tới ít nhất 117 dự án "bom carbon" tại 28 quốc gia. Các dự án này, nếu triển khai đầy đủ, có thể tạo ra tới 420 tỷ tấn khí thải carbon dioxide - tương đương hơn 10 năm lượng phát thải toàn cầu hiện nay.

Nhà phân tích chính của LiGi, bà Fatima Eisam-Eldeen, nhận định: “Bất chấp những cam kết khí hậu đầy tham vọng, các ngân hàng Anh vẫn đang cấp vốn cho các công ty nhằm thúc đẩy những dự án tàn phá khí hậu lớn nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015”. Bà kêu gọi chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính áp dụng các quy định mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dòng vốn chảy vào các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù không nằm trong nhóm quốc gia có nhiều dự án "bom carbon" nhất, báo cáo nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh đang đóng vai trò trung tâm tài chính then chốt cho các kế hoạch nhiên liệu hóa thạch toàn cầu. Báo cáo được công bố sau loạt điều tra trước đó của The Guardian, cho thấy nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đang âm thầm theo đuổi hàng loạt dự án mới bất chấp cam kết quốc tế về giới hạn nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C. Các quốc gia có số lượng dự án "bom carbon" nhiều nhất bao gồm Mỹ, Saudi Arabia, Canada, Nga và Trung Quốc.

Với vai trò là nơi đặt trụ sở của nhiều định chế tài chính lớn, Anh đã trở thành đầu mối cung cấp vốn cho hơn 25% số dự án "bom carbon" được xác định trên toàn cầu. Giám đốc tổ chức Reclaim Finance, bà Lucie Pinson, cho rằng: “Các ngân hàng Anh đang biến London thành pháo đài tài chính của châu Âu cho việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại vai trò lãnh đạo mà Vương quốc Anh từng cam kết trong tài chính khí hậu”.

Khi được phóng viên tiếp cận, một số ngân hàng đã từ chối bình luận. HSBC, Lloyds và Standard Chartered không phản hồi. Trong khi đó, người phát ngôn Barclays cho biết ngân hàng đang cung cấp tài chính cho toàn ngành năng lượng nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, với mục tiêu huy động 1.000 tỷ USD tài chính bền vững đến năm 2030.

NatWest cho biết ngân hàng này đã giải ngân hơn 93 tỷ bảng Anh cho các khoản vay và tài chính bền vững từ đầu năm 2021, hướng tới mục tiêu 100 tỷ bảng vào cuối năm 2025. Họ khẳng định các khoản cho vay liên quan đến dầu khí chỉ chiếm dưới 0,7% tổng hoạt động tài chính của ngân hàng.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng dù ngân hàng không trực tiếp tài trợ cho từng dự án "bom carbon" cụ thể, nhưng việc rót vốn vào các công ty mẹ là yếu tố then chốt giúp các dự án này được triển khai.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-cho-du-an-nhien-lieu-hoa-thach-quy-mo-lon-20250501195017868.htm
Zalo