Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 8/5, Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi Nhà Trắng công bố mức thuế quan toàn diện vào tháng trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Nguồn: Telegraph
Thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với sự tham gia qua điện thoại của Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Đây là thỏa thuận thương mại thứ hai trong vòng 1 tuần của Thủ tướng Anh Keir Starmer sau khi ông ký hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ vào ngày 6/5.
Theo thỏa thuận, Mỹ hủy bỏ thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu của Anh và cấp hạn ngạch thuế quan 10% (giảm từ mức 27,5%) cho 100.000 ôtô xuất khẩu của Anh sang Mỹ mỗi năm, chiếm tới 80% trong tổng số 120.000 xe của Anh xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.
Đổi lại, chính phủ Anh hủy bỏ thuế đối với ethanol của Mỹ và đồng ý quyền tiếp cận thị trường có đi có lại đối với thịt bò, nông dân Anh được cấp hạn ngạch miễn thuế cho 13.000 tấn thịt bò.
Trong khi đó, thỏa thuận không đề cập tới các nội dung gây tranh cãi như thuế dịch vụ số của Anh hoặc mở cửa thị trường chăm sóc sức khỏe cho các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.
Tổng thổng Mỹ Donald Trump cho biết đây là thỏa thuận đột phá, ca ngợi Anh là một trong những đồng minh lớn của Mỹ. Tuy nhiên, ông xác nhận Mỹ vẫn duy trì mức thuế cơ bản 10% đối với hàng xuất khẩu Anh, song cảnh báo các quốc gia khác có thể sẽ đối mặt với mức thuế cao hơn theo chương trình thuế đối ứng của Mỹ.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ đàm phán một thỏa thuận mới về thép và nhôm với Anh.
Thủ tướng Starmer cho biết thỏa thuận đặc biệt quan trọng và mang tính lịch sử khi hai bên có thể hoàn tất thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán.
Phát biểu tại nhà máy Jaguar Land Rover ở West Mindlands cùng ngày, Thủ tướng Starmer cho biết thỏa thuận sẽ bảo vệ doanh nghiệp Anh và hàng nghìn việc làm tay nghề cao tại nước này, xóa bỏ thuế đối với thép và nhôm của Anh, đồng thời mang lại quyền tiếp cận chưa từng có cho nông dân Anh vào thị trường Mỹ mà không ảnh hưởng tới tiêu chuẩn cao về thực phẩm của Anh.
Thủ tướng Starmer cũng cho biết thỏa thuận rất quan trọng với ngành dược phẩm của Anh khi bao gồm các biện pháp quan trọng cho ngành này với những ưu đãi đáng kể, song không nêu rõ chi tiết.
Các nhà phân tích nhận định mặc dù hỗ trợ đáng kể cho ngành ôtô và dược phẩm, thỏa thuận có thể không thay đổi nhiều đối với đà tăng trưởng kinh tế Anh.
Các ngành công nghiệp trọng tâm trong thỏa thuận chỉ chiếm chưa đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Mỹ và tương đương chưa đến 1% GDP nước này.
Tuy nhiên, việc trở thành nước đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ là một chiến thắng ngoại giao mang tính biểu tượng đối với Anh trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu.
Các quan chức Anh thừa nhận thỏa thuận không đạt được mục tiêu trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) như kỳ vọng.
Mặc dù vậy, các quan chức Anh kỳ vọng thỏa thuận ngày 8/5 sẽ mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo, gồm khả năng giảm mức thuế quan 10% đối với một số mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Anh.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ôtô (SMMT), các thương hiệu xe sang như Bentley, Jaguar Land Rover và Aston Martin phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu ôtô lớn thứ hai của Anh sau Liên minh châu Âu (EU), với hơn 100.000 xe xuất xưởng vào năm ngoái, trị giá hơn 7,5 tỉ bảng (khoảng 9,75 tỉ USD), chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu ôtô của Anh.
Ngoài ôtô, Mỹ chiếm khoảng 165.000 tấn thép xuất khẩu của Anh trong năm 2023 với giá trị gần 400 triệu bảng, chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất khẩu.
Anh cũng xuất khẩu các sản phẩm y tế và dược phẩm trị giá lên tới 8,8 tỉ bảng sang Mỹ, quốc gia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh.
Trong khi có thương mại hàng hóa cân bằng với Mỹ, Anh ghi nhận thặng dư thương mại dịch vụ lớn với Mỹ.
Thỏa thuận Anh - Mỹ là một trong 17 thỏa thuận mà chính quyền Mỹ dự kiến ký kết với các đối tác thương mại lớn sau khi nước này rút lại mức thuế quan toàn diện đối với các quốc gia trên khắp thế giới vào ngày 2/4.
Trong diễn biến khác, ngày 8/5, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá 95 tỉ euro (107 tỉ USD) nếu các cuộc thương thuyết với nhóm đàm phán của Chính phủ Mỹ không thể ngăn một cuộc chiến thương mại.
Đầu tháng 2 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép, nhôm và ôtô nhập khẩu vào nước này. Đáp lại, EU đã lập danh sách các sản phẩm dự kiến đánh thuế với hàng hóa từ Mỹ có tổng trị giá 21 tỉ euro, nhưng sau đó đã tạm dừng động thái trả đũa này cho đến ngày 14/7 để có thời gian đàm phán.
Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất ngày 8/5, EU công bố danh sách áp thuế dài 218 trang nhằm gia tăng áp lực buộc Mỹ phải đạt được một thỏa thuận trong tiến trình đàm phán. Danh sách này liệt kê tất cả các sản phẩm mà EU có thể nhắm tới, bao gồm máy bay, ôtô, tóc giả, các loại hạt, trái cây, nhựa, hóa chất và thiết bị điện do Mỹ sản xuất.
Danh sách cũng đề cập đến rượu whisky bourbon - loại rượu đã bị loại khỏi danh sách các biện pháp trả đũa đầu tiên nhằm bảo vệ rượu vang và rượu mạnh châu Âu khỏi nguy cơ bị trả đũa.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết máy bay và ôtô là hai mặt hàng có giá trị lớn nhất trong danh sách, lần lượt có giá trị là 10,5 tỉ euro và hơn 12 tỉ euro. Nhựa và hóa chất trị giá 12,9 tỉ euro.
EU khẳng định rằng nếu Tổng thống Trump không “xuống thang”, khối này sẽ chuẩn bị thực hiện các biện pháp cực đoan hơn, bao gồm cả việc nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ sẽ đồng thời đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan mạnh đối với EU. Dù vậy, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tái khẳng định quyết tâm của EU đạt được một kết quả trong quá trình đàm phán với Mỹ nhằm tránh việc áp thuế gây tác động không nhỏ với cả hai bên và hơn hết là vì lợi ích của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Cũng trong ngày 8/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trong vòng một tháng tới, Mỹ sẽ công bố hàng chục thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên, nhiều khả năng Washington vẫn sẽ duy trì mức thuế suất cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, ông Lutnick nhấn mạnh: “Trong khoảng 1 tháng tới, chúng tôi sẽ công bố hàng chục thỏa thuận”. Khi được hỏi liệu mức thuế cơ bản 10% có tiếp tục áp dụng với tất cả các nước hay không, ông khẳng định: “Tôi nghĩ là nó sẽ giữ nguyên”.
Theo ông Lutnick, mức thuế 10% sẽ áp dụng cho những quốc gia có cán cân thương mại cân bằng với Mỹ. Trong khi đó, các nước có thâm hụt thương mại với Mỹ có thể phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Ông Lutnick cho biết thêm Washington đang hướng đến việc giảm căng thẳng với Bắc Kinh thông qua các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
Tổng thống Trump cùng ngày cũng bày tỏ kỳ vọng về các cuộc đàm phán thực chất giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần này, đồng thời cho rằng mức thuế 145% áp đặt đối với Trung Quốc có thể được hạ xuống.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Anh vừa là nước đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ sau khi Washington công bố thuế đối ứng với các đối tác thương mại. Ông Trump cũng tuyên bố nhiều thỏa thuận khác đang được đàm phán nghiêm túc và sẽ tiếp nối thỏa thuận này.