Ánh sáng giữa đường biên (bài 2)

'Vó ngựa' Biên phòng (BP) trở nên thanh thoát, dẻo dai hơn trên bầu trời biên giới Nam Tây Nguyên là từ bản ngã của người lính gác cửa, sự quan tâm chăm lo sâu sắc, yêu thương đùm bọc của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc nơi biên giới, trong đó có tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược trong xây dựng nền BP toàn dân của cố Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Huỳnh Văn Cần. Thông qua phong trào kết nghĩa đỡ đầu không chỉ lan tỏa ý nghĩa, tầm quan trọng của thế trận BP toàn dân từ địa bàn nội địa ra biên giới, mà còn tiếp thêm nguồn 'năng lượng' giúp người lính BP khắc chế được điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, xây dựng đồn BP trở thành điểm đến rất đáng sống và trải nghiệm...

Bài 2: Những "căn cứ hậu cần" thu nhỏ trên biên giới

Từ kỹ năng "tra hạt ngô vào hốc đá"...

Sống trên cao nguyên đá, bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số H’mông vẫn có thể làm ra được hạt ngô, củ sắn để nuôi sống mình. Chỉ có điều, họ phải gánh đất từ dưới chân núi, ven các con sông, con suối lên “nhét” vào hốc đá tai mèo rồi tra vào đó hạt giống, vất vả chăm sóc cho đến ngày thu hoạch. “Của một đồng, công cả gánh” nhưng không còn sự lựa chọn nào khác khi bao quanh họ là trập trùng đồi núi đá tai mèo, nên đành phải canh tác theo kiểu “nhồi đất vào chậu” như trồng cây cảnh.

Cánh đồng lúa nước ở Đồn BP cửa khẩu Đắk Ruê - một trong những “sản phẩm” tiêu biểu từ chủ trương kết nghĩa đỡ đầu các đồn BP ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thái Kim Nga

Cánh đồng lúa nước ở Đồn BP cửa khẩu Đắk Ruê - một trong những “sản phẩm” tiêu biểu từ chủ trương kết nghĩa đỡ đầu các đồn BP ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thái Kim Nga

Với người lính BP Nam Tây Nguyên, đặc biệt là các đồn BP đứng chân trên vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc địa bàn các huyện Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk) và Cư Jút, Đắk Min (Đắk Nông), công tác tăng gia sản xuất cải thiện đời sống hầu hết đều phải vận dụng đến kỹ năng “tra hạt ngô vào hốc đá” của đồng bào H’mông vì điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng quá khắc nghiệt. Trong điều kiện giao thông cách trở, thậm chí nhiều thời điểm phải trưng dụng cả voi của đồng bào để vận chuyển lương thực, thực phẩm vào đồn BP thì việc tiếp phẩm từ nội địa lên, đáp ứng nhu cầu bữa ăn hàng ngày cho bộ đội là bất khả thi. Mà muốn bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ thì cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất và buộc phải lựa chọn cách làm “không ai muốn làm” (vì nó quá tốn kém), đó là bóc bỏ lớp “gan gà” với thành phần chủ yếu là đất sét và đá ong để thay thế đất phù sa chở từ nơi khác đến.

Là cán bộ chỉ huy có thâm niên công tác lâu năm ở các đồn BP trên địa bàn vùng đệm và vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đại tá Quách Dũng, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Đắk Lắk cho rằng, công sức của bộ đội dành cho việc cải tạo đất đai phục vụ tăng gia sản xuất là khó có thể đong đếm, tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa bao giờ là “đủ”. Muốn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, các đồn BP phải bảo đảm nguồn nước tưới, cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện (nguồn kinh phí)... “Sự hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố, các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh (gọi chung là các đơn vị kết nghĩa) theo phân công chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp chúng tôi bám trụ vững vàng trên vùng biên khắc nghiệt, mà còn xây dựng đồn BP trở thành những điểm đến rất đáng sống và trải nghiệm như ngày hôm nay...” - nguyên Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Đắk Lắk chia sẻ.

... Đến những "căn cứ hậu cần" thu nhỏ trên biên giới

Có thể nói, sự khác biệt của chương trình kết nghĩa đỡ đầu các đồn BP trên địa bàn Nam Tây Nguyên (cả tỉnh Đắk Nông hiện nay) là ở chỗ nó không mang tính tự giác hay tự phát mà được vận hành trong sự phân công chỉ đạo nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ.

Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, Đồn BP Yok Đôn đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện tốt đời sống bộ đội. Ảnh: Thái Kim Nga

Nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, Đồn BP Yok Đôn đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện tốt đời sống bộ đội. Ảnh: Thái Kim Nga

“Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (khóa X) trong phần nhận định đánh giá tình hình có chỉ rõ: Tình hình an ninh quốc phòng có chiều hướng phức tạp... Tăng cường an ninh biên giới, an ninh nội bộ vừa là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, vừa là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay, cần phải được quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện khẩn trương... Biên giới phía Tây giữa ta với nước bạn có nhược điểm là cả hai bên đều hầu như không có dân cư, các đồn và lực lượng BĐBP của ta có khó khăn trong xây dựng thế trận nhân dân làm chỗ dựa về nhiều mặt để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Để khắc phục nhược điểm nêu trên, Hội nghị Tỉnh ủy đã quyết định phân công các huyện, thị, các liên hiệp xí nghiệp của trung ương và địa phương có trách nhiệm đỡ đầu, hỗ trợ dưới hình thức kết nghĩa để xây dựng các đồn BP trên toàn tuyến biên giới...” - trích Thông báo số 38-TB/TVTU ngày 2/11/1989 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về Quyết định phân công trách nhiệm các huyện, thị xã, các liên hiệp xí nghiệp hỗ trợ xây dựng đồn BP.

Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Tỉnh ủy Đắk Lắk lúc này như một “cú hích” thật sự, không chỉ lan tỏa tình yêu thương trách nhiệm, sự quan tâm chăm lo sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn trực tiếp nâng cao thực lực hậu cần tại chỗ ở các đồn BP vừa bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, vừa tạo tiền đề phục vụ chủ trương phát triển các khu dân cư biên giới sau này.

Trên dọc dài biên giới từ nơi hợp lưu của hai con sông Ea H’leo và Ia Lốp đến điểm gặp gỡ giữa suối Đắk Huýt và Đắk Đam nơi cực Nam Tây Nguyên, phong trào kết nghĩa đỡ đầu đã tiếp thêm “năng lượng” để người lính BP đẩy mạnh tăng gia sản xuất, hình thành nên những cánh đồng lúa nước, vườn rau xanh, cây ăn quả và đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao. Nhiều đơn vị kết nghĩa, không chỉ hỗ trợ nguồn kinh phí giúp đồn BP mua cây, con giống, mà còn trang bị đầy đủ “vũ khí nhà nông” như máy cày, máy xới, máy bơm nước, xe công nông để lính BP giảm bớt nhân công mà vẫn nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Thực lực hậu cần tại chỗ không ngừng được củng cố, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, trong mọi tình huống trên biên giới Nam Tây Nguyên. Điều này đã được khẳng định qua hàng ngàn ngày căng mình phòng chống đại dịch Covid-19. Trong khi mọi cung đường trên biên giới đều kiểm soát, phong tỏa nghiêm ngặt để thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 thì lính BP vẫn sống khỏe, sống tốt và sẵn sàng sẻ chia tấm lòng cho bà con nhân dân trên địa bàn, cùng các đồng nghiệp bên kia biên giới bằng nguồn thực phẩm tự cung tự cấp của mình. Nói rộng hơn, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã tăng gia sản xuất được gần 62 tấn rau xanh, 15,68 tấn thịt, cá các loại, đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề ra, đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội từ 2.200-2.600 đồng/người/ngày.

Từ những “con số biết nói” nêu trên, thử đặt giả thuyết nếu chỉ vận dụng kỹ năng “tra hạt ngô vào hốc đá” và “độc lập tác chiến” mà không có sự hỗ trợ từ các đơn vị kết nghĩa thì biên giới Nam Tây Nguyên có hình thành nên những “ốc đảo xanh” trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như ngày hôm nay? Câu trả lời chắc chắn là “có thể, nhưng cực kỳ khó!”.

Công tác kết nghĩa đỡ đầu, hỗ trợ xây dựng các đồn BP được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả xuyên suốt từ hơn 35 năm qua với nhiều lần điều chỉnh bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn, từng địa bàn và không ngừng nâng cao sức mạnh thế trận BP toàn dân. Riêng trong giai đoạn 2019-2024, các đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ BĐBP Đắk Lắk nguồn kinh phí hơn 9 tỷ đồng xây dựng 26 công trình, cơ sở vật chất phục vụ học tập, công tác, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tăng gia sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị kết nghĩa đã tặng hàng ngàn suất quà và tiền mặt trị giá gần 3 tỷ đồng, góp phần khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP bám trụ vững vàng trên biên giới.

Bài 3: Vững bước dưới ánh hào quang của Đảng

Thái Kim Nga - Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-sang-giua-duong-bien-bai-2-post478090.html
Zalo