Anh khó sở hữu 'đối trọng' của siêu tăng T-14 Armata

Tin công nghiệp quốc phòng ngày 4/4: Anh khó có thể sớm sở hữu 'đối trọng' của xe tăng Armata khi nguồn lực phân bổ cho chương trình phát triển không đầy đủ.

Anh gặp khó trong chương trình phát triển xe tăng Challenger-3; Israel thử nghiệm hệ thống phòng thủ cứng chống UAV là những nội dung của bản tin công nghiệp quốc phòng hôm nay ngày 4/4.

Anh gặp khó trong chương trình phát triển xe tăng Challenger-3

Chương trình phát triển xe tăng Challenger-3 mới của Anh đã bị ảnh hưởng do sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Mua sắm và Công nghiệp Maria Eagle đã nói về những vấn đề này với tạp chí quân sự Army Recognition.

Bà Eagle đã công bố phản hồi bằng văn bản cho câu hỏi của nghị sĩ Mark Francois về tình trạng của chương trình Challenger-3. "Bà thừa nhận rằng chương trình đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ của chuỗi cung ứng. Nhấn mạnh rằng, các nguồn lực bổ sung đã được phân bổ để giải quyết những trục trặc này, bà xác nhận rằng giai đoạn thử nghiệm tiếp theo đã được lên kế hoạch bắt đầu vào quý 2/2025", ấn phẩm Army Recognition viết.

Xe tăng Challenger-3. Ảnh: Getty

Xe tăng Challenger-3. Ảnh: Getty

Bộ Quốc phòng Anh vẫn tiếp tục theo dõi tiến độ của chương trình để đánh giá mọi tác động đến khung thời gian thực hiện chương trình phát triển xe tăng mới. Cơ quan này muốn đạt được khả năng bắt đầu triển khai và hoạt động của xe tăng Challenger-3 vào năm 2027.

Phiên bản Challenger nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống ngắm bắn mới, hệ thống treo thủy lực và hệ thống động cơ cải tiến. Xe sẽ được trang bị pháo nòng trơn Rheinmetall L55A1 120mm.

Vào tháng 9/2024, trang tin Defense News thông báo Rheinmetall đã ra mắt Challenger 3 tại sự kiện của Quân đội Anh tại một bãi thử vũ khí mới. Liên doanh Rheinmetall và BAE Systems Land đã sản xuất được hai nguyên mẫu Challenger-3 để phục vụ thử nghiệm và đánh giá tiềm năng.

Israel thử nghiệm hệ thống phòng thủ cứng chống UAV

Công ty Rafael của Israel đã thử nghiệm thành công hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) Typhoon 30 cải tiến với pháo Bushmaster của Mỹ.

Tạp chí Army Recognition thông tin, các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật được tiến hành vào tháng 2/2025 đã xác nhận hiệu quả của hệ thống trong việc tiêu diệt UAV giả lập mục tiêu. Hệ thống Typhoon 30 phát hiện, theo dõi và tấn công UAV ở nhiều cự ly khác nhau.

Hệ thống phòng thủ chống UAV Typhoon 30. Ảnh: Defense News

Hệ thống phòng thủ chống UAV Typhoon 30. Ảnh: Defense News

Trong quá trình thử nghiệm, các thành phần của tổ hợp được đặt trên một nền tảng module. Điều này cho phép hệ thống được lắp đặt nhanh chóng trên nhiều phương tiện mang khác nhau, bao gồm tàu chiến, xe bọc thép và công sự.

Hệ thống Typhoon 30 được trang bị pháo tự động Bushmaster II 30mm có thể bắn đạn lập trình ngòi nổ cận đích để tạo chùm mảnh văng định hướng phá hủy UAV mục tiêu. Tốc độ bắn của súng là 200 viên/phút. Typhoon cũng được trang bị hệ thống quang điện tử với camera ngày và đêm cùng hệ thống radar RADA MHR RPS-42.

Vào đầu tháng 4/2025, các chuyên gia Nga đã phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mô-đun có tên Rubin để bảo vệ bộ binh và xe cộ khỏi máy bay không người lái. Tổ hợp hỗ trợ việc chuyển mạch tần số hoạt động.

Colombia quyết định trang bị chiến đấu cơ JAS 39 Gripen

Đầu tháng 4/2025, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã công bố quyết định của chính phủ về việc mua máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen từ Tập đoàn Saab của Thụy Điển. Theo đó, Brazil sẽ mua máy bay hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ mới nhất và bao gồm các máy bay cùng mẫu đang được sử dụng ở Brazil là phiên bản Gripen E/F.

Colombia đã nghiên cứu khả năng mua máy bay chiến đấu mới trong gần 10 năm. Tuy nhiên, Gripen không được ưa chuộng nhiều. Do đó, vào năm 2018, Bogota đã gửi yêu cầu tới Washington về khả năng cung cấp và chi phí cho 18 máy bay chiến đấu F-16C/D từ lực lượng dự bị của không quân Hoa Kỳ. Sau đó, Hoa Kỳ mở rộng chương trình cung cấp của mình bằng cách bao gồm cả máy bay F-16 mới và đã qua sử dụng, nâng tổng số máy bay lên 24 chiếc. Tuy nhiên, Gripen có thể là sự lựa chọn cuối cùng.

Máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen. Ảnh: SAAB

Máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen. Ảnh: SAAB

Saab đã đề nghị thời gian ân hạn không tính lãi trong 8 năm và được một ngân hàng Thụy Điển tài trợ, cũng như đầu tư vào ngành công nghiệp. Cùng với đó, phía Thụy Điển sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời, dựng một số nhà máy nước uống và nâng cấp thiết bị tại một trong những bệnh viện.

Máy bay JAS 39 Gripen được xem là một trong những dòng tiêm kích hạng nhẹ hàng đầu thế giới hiện nay. Saab đã phát triển chương trình tiêm kích Gripen-NG với hai biến thể nâng cấp mới nhất là JAS 39E Gripen và JAS 39F Gripen.

Trong khi JAS 39E là phiên bản chiến đấu tiêu chuẩn, thì JAS 39F được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện, kiểm soát không phận, và tác chiến điện tử. Điểm mạnh của máy bay là khả năng tác chiến hỗn hợp tốt, chi phí hoạt động rẻ, dễ bảo dưỡng, nâng cấp thiết bị.

Chúng có tính năng mạnh mẽ hơn so với phiên bản JAS 39 Gripen tiêu chuẩn nhờ được trang bị động cơ phản lực F414G do Mỹ chế tạo, hệ thống radar mảng định pha chủ động (AESA) Raven ES-05, khoang chứa nhiên liệu lớn, khung thân cải tiến giúp tăng trọng lượng mang vác và tầm hoạt động.

Hệ thống điện tử trên khoang tiên tiến cho phép Gripen E sử dụng được các loại tên lửa không - đối - không ngoài tầm nhìn hiện đại của Mỹ và châu Âu như AIM-120C-7 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder, và MBDA Meteor.

Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/anh-kho-so-huu-doi-trong-cua-sieu-tang-t-14-armata-381497.html
Zalo