'Anh hùng xạ điêu' và bước lùi của bậc thầy phim võ hiệp

Nhận điểm số 5.3 trên Douban và doanh thu thua cả phim hoạt hình 'Gấu Boonie', 'Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả' khiến nhiều người cho rằng phim võ hiệp đã chết. Không ít khán giả hoài nghi liệu đây có thực sự là tác phẩm của Từ Khắc lừng danh một thời.

Cuộc chuyển giao lịch sử giữa hai thế hệ điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc)

Năm 1988, đạo diễn Từ Khắc khi ấy 38 tuổi đã mời huyền thoại gần lục tuần Hồ Kim Thuyên cùng hợp tác thực hiện Tiếu ngạo giang hồ. Sự kết hợp giữa đại diện tiêu biểu của làn sóng điện ảnh mới và bậc thầy phong cách cổ điển được báo chí Hong Kong (Trung Quốc) ca ngợi như giai thoại đẹp.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm sáng tạo đã khiến hai người không thể tiếp tục hợp tác. Hồ Kim Thuyên muốn giữ nguyên chất thơ của giang hồ xưa, trong khi Từ Khắc, với vai trò giám đốc sản xuất, liên tục đưa ra ý tưởng mới. Chỉ sau một thời gian ngắn khởi quay, Hồ Kim Thuyên tuyên bố rút khỏi dự án. Ngay cả Hứa An Hoa, học trò của ông, cũng không thể hòa giải mâu thuẫn. Sự đổ vỡ giữa Hồ Kim Thuyên và "fan cứng" Từ Khắc khiến Lý Hán Tường, bạn thân của Hồ Kim Thuyên, tuyên bố: "Thà chết đói còn hơn hợp tác với Từ Khắc!".

Hồ Kim Thuyên (trái) và Từ Khắc. Ảnh: QQ.

Hồ Kim Thuyên (trái) và Từ Khắc. Ảnh: QQ.

Tiếc thay, quan niệm sáng tạo của hai người quá khác biệt. Hồ Kim Thuyên muốn giữ nguyên nét thơ mộng của thế giới võ hiệp xưa, còn Từ Khắc - với vai trò giám chế - liên tục can thiệp và đưa vào những ý tưởng mới. Chỉ sau một thời gian ngắn khởi quay, Hồ Kim Thuyên tuyên bố rút khỏi dự án, học trò Hứa An Hoa cũng bất lực trong việc hòa giải. Sự đổ vỡ giữa Hồ Kim Thuyên và "fan cứng" Từ Khắc khiến Lý Hán Tường, bạn thân của Hồ Kim Thuyên, tuyên bố: "Thà chết đói còn hơn hợp tác với Từ Khắc!".

Cuối cùng, Từ Khắc và Trình Tiểu Đông tiếp quản dự án, với sự hỗ trợ của Hứa An Hoa. Bộ phim Tiếu ngạo giang hồ ra mắt năm 1990 trở thành dấu mốc chuyển giao giữa hai thế hệ đạo diễn điện ảnh võ hiệp. Hồ Kim Thuyên ngày càng sa sút về sức khỏe và sức sáng tạo, chỉ làm thêm một phim Họa bì: Âm dương pháp vương trước khi từ giã. Trong khi đó, Từ Khắc bước vào thời kỳ hoàng kim, định hình chốn giang hồ trong điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc) thập niên 1990.

Một cuộc chuyển giao mang tính định mệnh. Người đi trước hóa huyền thoại, kẻ kế thừa vương quốc của riêng mình. Nhưng đáng tiếc, năm 2025 khi đã sắp 75 tuổi, Từ Khắc vẫn chưa tìm được người nối gót trong Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả.

Khi huyền thoại già đi, giấc mộng võ hiệp cũng tàn phai

Với điểm số 5.3 trên Douban và doanh thu thua cả Gấu Boonie, nhiều người cho rằng phim võ hiệp đã chết. Nhưng thực tế, có lẽ Từ Khắc đã già. Ông không còn sức lực để sáng tạo đột phá, không còn kiên nhẫn để trau chuốt câu chuyện, và cũng không còn khả năng kiểm soát từng chi tiết.

Một đạo diễn quá non trẻ hay quá già đều bị khán giả thường nghi ngờ liệu họ có thực sự là người đứng sau tác phẩm. Khi Trần Khải Ca còn trẻ, người ta nghi Bá vương biệt cơ không phải do ông thực sự cầm trịch. Giờ đây, Từ Khắc đã già, nhiều khán giả cũng hoài nghi liệu Hiệp chi đại giả có thực sự là tác phẩm của ông.

Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả của Từ Khắc thất bại mùa phim Tết tại Trung Quốc.

Xạ điêu anh hùng truyện: Hiệp chi đại giả của Từ Khắc thất bại mùa phim Tết tại Trung Quốc.

Nhưng thực tế, từ ngôn ngữ điện ảnh đến phong cách hình ảnh, Anh hùng xạ điêu: Hiệp chi đại giả vẫn mang đậm dấu ấn của Từ Khắc. Dù không còn liền mạch, trọn vẹn như thời đỉnh cao, nó vẫn giữ được nét riêng.

Nhân vật phản diện Âu Dương Phong do Lương Gia Huy thủ vai mang đậm chất tà giáo và giữ nét hài trào phúng phóng đại đặc trưng của Từ Khắc thập niên 1990.

Tạo hình hai nhân vật chính Quách Tĩnh (Tiêu Chiến đóng) và Hoàng Dung (Trang Đạt Phi) gợi nhớ đến Tân long môn khách sạn (1992) - đầy bụi bặm, lấm lem, mái tóc lúc nào cũng xù lên như bị tĩnh điện. Một nét đẹp "thô ráp" mà Từ Khắc hay Vương Gia Vệ đều từng làm rất tốt. Nhưng đáng tiếc, dưới lối tạo hình này, nữ chính Trang Đạt Phi lại thiếu đi nét sắc sảo cần có, điều không nằm trong khả năng cứu vãn của Từ Khắc.

Theo QQ, một số góc máy trong Hiệp chi đại giả vẫn mang đậm phong cách Từ Khắc: khi thất quái xuất hiện với ánh sáng phủ nửa khuôn mặt, khi Quách Tĩnh mô tả "Ngũ Tuyệt" với chất liệu đậm nét truyện tranh Hong Kong - Trung Quốc, hay khi anh giải cứu Đà Lôi bên bờ sông khô cạn - cảnh này gần như là "song sinh" với trận chiến bên bờ sông trong Long môn phi giáp.

Tờ Hiuxiu nhận định: “Nếu thật sự có ai đó ‘đạo diễn thay’ Từ Khắc, người này chắc chắn phải là fan cuồng, đã sống trọn trong dư âm của điện ảnh Hong Kong – Trung Quốc thập niên 1990. Kẻ có tài đến vậy lẽ ra đã tự tạo dựng được danh tiếng riêng, chứ chẳng ai lại cam chịu làm ‘thế thân’ cho Từ Khắc”.

Trong các tác phẩm đỉnh cao của Từ Khắc, kết thúc phim luôn để lại dư âm và không gian cho khán giả suy ngẫm. Cuối Thiện nữ u hồn 2, Ninh Thái Thần hỏi Yến Xích Hà: "Là quên sạch sẽ tốt, hay có hy vọng tốt hơn?". Kết thúc Tân long môn khách sạn, Kim Tương Ngọc đốt khách điếm, quyết tâm thay đổi cuộc đời.

"Nhưng Hiệp chi đại giả lại khiến người xem thất vọng. Kết thúc phim được giải thích quá rõ ràng, không chừa chỗ cho trí tưởng tượng. Tình yêu giữa Quách Tĩnh và Hoàng Dung được xây dựng vội vã, thiếu chiều sâu. Thậm chí, tình bạn giữa Quách Tĩnh và Thoát Lôi cũng chỉ dừng lại ở mức hời hợt" - báo Trung viết.

Có lẽ, võ hiệp không thực sự chết. Nhưng với Hiệp chi đại giả, Từ Khắc đã đánh mất cái hồn của chính mình.

Ai sẽ cứu phim võ hiệp?

Tờ QQ bình luận: "Hiệp chi đại giả cho thấy sự thật phũ phàng: làn sóng điện ảnh võ hiệp Hong Kong không phải là thành tựu của riêng Từ Khắc, mà là của cả một thế hệ. Khi thiếu đi bối cảnh thời đại và đội ngũ sáng tạo, ngay cả Từ Khắc cũng không thể tái hiện được sự xuất sắc của Đông Phương Bất Bại".

Đạo diễn Từ Khắc - người được mệnh danh bậc thầy phim võ hiệp Hong Kong (Trung Quốc).

Đạo diễn Từ Khắc - người được mệnh danh bậc thầy phim võ hiệp Hong Kong (Trung Quốc).

Để cứu phim võ hiệp, có lẽ cần cách tiếp cận hoàn toàn mới. Như Vân Chi Vũ của Quách Kính Minh, với thế giới quan độc đáo và hệ thống nhân vật phức tạp, đã mở ra hướng đi mới. Na Tra: Ma đồng giáng thế là ví dụ điển hình, với cách kể chuyện táo bạo và góc nhìn mới lạ, cũng có thể là nguồn cảm hứng.

Phim võ hiệp cần được giải phóng khỏi những khuôn mẫu cũ, tìm kiếm sự đổi mới từ nội dung đến hình thức thay vì mãi bám vào cái bóng của người xưa. Chỉ khi đó, giang hồ điện ảnh mới có thể tái sinh.

Đạo diễn Từ Khắc được mệnh danh là bậc thầy phim võ hiệp Hong Kong (Trung Quốc), làm nên hàng loạt bom tấn từ vai trò đạo diễn cho đến nhà sản xuất. Tiên phong trong dòng phim võ hiệp mới, ông góp phần làm sống lại thể loại phim võ hiệp với những kỹ thuật quay phim hiện đại, cốt truyện hấp dẫn và hiệu ứng hình ảnh tiên tiến, điển hình là 6 phần phim Hoàng Phi Hồng (1991-1997) - Lý Liên Kiệt đóng chính, phim Đao Mã Đán, Long môn phi giáp, Địch nhân kiệt, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại, Thiện nữ u hồn, Tân bến Thượng Hải…

Hà Trang

Theo QQ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/anh-hung-xa-dieu-va-buoc-lui-cua-bac-thay-phim-vo-hiep-post1716000.tpo
Zalo