'Nobel không dành cho kẻ may mắn'
'Giải thưởng danh giá này không chỉ là tôn xưng xứng đáng đối với cá nhân nhà văn mà còn là vinh quang xứng đáng cho Hàn Quốc' - đây là phát biểu của GS-TS. Phan Thị Thu Hiền tại Tọa đàm khoa học 'Han Kang và kỳ tích văn chương xứ sở kim chi' do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp Trung tâm Học viện King Sejong Hồ Chí Minh 6 tổ chức giữa tháng 10.2024. Bà đã có cuộc trao đổi cởi mở, thú vị với Người Đô Thị về chủ đề này.
GS-TS. Phan Thị Thu Hiền nói: "Năm 2004, khi là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, tôi tranh thủ thời gian tìm hiểu văn học Hàn Quốc vì chuyên ngành của tôi là văn học châu Á. Thú thật lúc đầu tôi mường tượng văn học Hàn Quốc (chính xác hơn là “văn học Korea”) chắc không hấp dẫn lắm bởi trong khu vực Đông Á, nho giáo Korea cứng rắn, nghiêm ngặt hơn cả. Nhưng càng đọc, càng yêu mến hơn. Tôi đâm “phải lòng” nền văn chương Hàn Quốc từ lúc nào không biết nữa”.
Đạo lý và phong lưu, tình và hận
Và cho đến nay, Giáo sư đã có tới 15 đầu sách về văn học Hàn Quốc, kèm với niềm vui lớn của nền văn học này…
Qua 20 năm, tôi là tác giả và chủ biên 15 đầu sách về/liên quan văn học Hàn Quốc. Trong đó có 8 cuốn giới thiệu cả 4 nền văn học cổ điển Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Korea để có một cái nhìn so sánh. Nghiên cứu trong quan hệ khu vực văn hóa, văn minh, tôi thấy văn học Korea cổ điển một mặt mang những đặc điểm chung của văn học Đông Á nên rất gần gũi với chúng ta; mặt khác thể hiện bản sắc độc đáo, rất khác Trung Quốc, lại cũng khác Việt Nam hay Nhật Bản, và vì thế có sức cuốn hút rất riêng.
Bà có thể đề cập cụ thể hơn nét tương đồng và bản sắc của văn học Hàn Quốc?
Đặc trưng của văn học Hàn Quốc biểu lộ rõ nhất qua các cảm thức thẩm mỹ thể hiện gen văn hóa, thể hiện tâm hồn dân tộc:
- Cảm thức thẩm mỹ tự nhiên gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa tại thế, sự khẳng định vẻ đẹp và niềm vui của cuộc đời, bây giờ và ở đây, ở chính non sông cẩm tú trong thế gian này.
- Cảm thức đạo lý hòa hợp làm một cùng cảm thức về cái đẹp tao nhã, phong lưu.
Và không thể không nói đến tình và hận. Cái tình gắn kết ta và tha nhân được người Hàn cảm nhận và hành xử đặc biệt sâu đậm. Tình với hận như hai mặt của một đồng xu. Ta chỉ dễ sinh hận, nuôi hận với ai đấy mà ta đã quá nặng tình. Không phải chỉ tình và hận cá nhân, mà còn cả tình và hận cộng đồng. Người Hàn có nỗi hận nghèo khó và cả nỗi hận thuộc địa qua nhiều thời kỳ bị xâm lăng, cai trị. Trương lực giữa tình và hận đem lại sự thể hiện cảm xúc có thiên hướng mãnh liệt, ám ảnh trong văn học Hàn Quốc. Và trương lực này cũng làm động lực cho ý chí vươn lên của Hàn Quốc.
Về chiều sâu tư tưởng, tầm triết học của văn học Hàn Quốc thì thế nào, thưa Giáo sư?
Tôi chưa đủ quan tâm sâu để có thể chỉ ra đặc trưng về tư tưởng, triết học của Hàn Quốc, song tôi chắc chắn rằng nhà văn đoạt giải Nobel phải được nuôi dưỡng với một nền tảng triết học sâu vững. Han Kang là con gái của tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung-won. Lớn lên, bà học ngành văn ở Đại học Yonsei, rồi Đại học Iowa và hiện giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Seoul. Trong sáng tác của Han Kang, sự kế thừa những giá trị truyền thống Đông Á rất đậm đà cùng với sự tiếp biến ảnh hưởng phương Tây.
Bản chất chính trị của Giải Nobel văn chương là chủ đề phức tạp gây tranh cãi. Mặc dù Viện Hàn lâm Thụy Điển cố gắng duy trì tính khách quan nhưng không thể tách biệt hoàn toàn giải thưởng khỏi bối cảnh chính trị và văn hóa rộng lớn hơn khi trao giải. Han Kang và Hàn Quốc không ngoại lệ. Thậm chí có ý kiến cho rằng Han Kang được giải là nhờ công tác dịch thuật…
Với 20 năm gắn bó với văn học Hàn Quốc, tôi đã chứng kiến nỗ lực của Hàn Quốc cho giải thưởng Nobel. Vinh quang cho Han Kang và Hàn Quốc không phải ngẫu nhiên.
Hàn Quốc đã lập nên kỳ tích kinh tế vào những năm 1990 từ một nước rất nghèo, tăng trưởng thần kỳ, phát triển phồn vinh. Năm 2000, Giải thưởng Nobel Hòa bình trao cho Kim Dae-jung, tổng thống thứ 10 của Hàn Quốc, có thể xem như kỳ tích của thể chế dân chủ. Thập niên cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, ta chứng kiến cùng với các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Hyundai, LG... thì Hallyu (Hàn lưu - làn sóng Hàn Quốc) với K-drama, K-pop, Manhwa, Webtoon... đưa Hàn Quốc thành một cường quốc. Và Nobel cho Han Kang tiếp tục là biểu tượng của kỳ tích văn chương mà Hàn Quốc đạt đến. Điều đó mở ra kỷ nguyên mới, nâng tầm Hallyu với K-literature.
Hàn Quốc đã phấn đấu trong 20 năm với chiến lược cấp chính phủ. Một trong những tổ chức chính phủ là Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc chuyên trách giới thiệu, quảng bá văn học Hàn Quốc đến thật nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm họ sẽ tuyển chọn khoảng 100 tác phẩm xuất sắc để giới thiệu ra nước ngoài. Dịch giả các nước chọn tác phẩm muốn dịch và dịch thử một phần gửi cho Viện. Dịch giả được chọn sẽ nhận tài trợ kinh phí, được đi thực địa trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc để hiểu tinh thần, tâm hồn Hàn Quốc nhằm bảo đảm chuyển ngữ hiệu quả nhất, chân thực nhất.
Hàn Quốc còn có rất nhiều hoạt động nỗ lực lan tỏa văn học toàn cầu. Nói chung, họ đã làm rất nhiều để đưa văn học Hàn Quốc đến với thế giới. Đó là một sự đầu tư lâu dài, nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Sức mạnh văn chương, vị thế quốc gia
Thưa Giáo sư, chúng ta có nền văn học phong phú. Thế có sự tương đồng nào để Việt Nam hy vọng một giải thưởng danh giá như Nobel?
Tôi xin nói về Han Kang để chúng ta cùng nghĩ ra câu trả lời. Tác phẩm được xem là nổi tiếng hơn cả của bà là Người ăn chay. Nghe tên tác phẩm, người ta sẽ nghĩ đến một thông điệp sinh thái. Rồi vì tác giả là nữ, nhân vật chính cũng là nữ chịu những tổn thương, người ta dễ nghĩ đây là sự kết hợp diễn ngôn sinh thái với nữ quyền. Tác phẩm thể hiện xã hội gia trưởng của Hàn Quốc, xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng xa cách thiên nhiên, môi trường. Nếu chỉ dừng ở đó, tôi chắc Han Kang chưa đủ tầm Nobel. Kỳ thực, tác phẩm của Han Kang khởi đầu từ một chủ đề sinh thái - nữ quyền, đã đặt ra và đi sâu vào những vấn đề có tính nhân loại, đặc biệt là vấn đề bạo lực, một bạo lực mang tính phổ quát và thậm chí có trong bản tính người.
Nhà văn Han Kang quê ở Gwangju, cũng là quê của cố Tổng thống Kim Dae-Jung. Cả hai người Hàn đoạt giải Nobel đều xuất thân từ vùng đất có lịch sử đau thương trong phong trào đấu tranh dân chủ. Cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại chính quyền độc tài năm 1980 bị đàn áp dã man, hàng ngàn người thiệt mạng. Thảm sát Gwangju để lại những chấn động mạnh mẽ trong tâm trí Han Kang dù cô bé chín tuổi lúc đó chỉ nghe về tình cảnh khủng khiếp này qua những câu chuyện của người lớn. Han Kang từng nói: “Sự cố này in sâu vào tâm trí tôi như một nỗi sợ hãi con người chứ không phải chỉ là sự căm ghét đối với chế độ quân sự”.
Người ăn chay không có chi tiết nào trực tiếp liên quan Gwangju, tuy nhiên ám ảnh Gwangju thì hẳn là can hệ. Ở cuối tác phẩm, nữ nhân vật Yeonghye không chỉ từ chối thức ăn nguồn gốc động vật, cô từ chối mọi thức ăn. Nếu bạo lực như một cái gì ở sâu trong cốt lõi bản chất người thì chỉ có thể tận diệt nó bằng cách từ chối hiện hữu con người. Yeonghye nỗ lực chuyển hóa kiếp người thành một đời cây. Cây cối không tranh giành, áp chế, không ăn thịt đồng loại, không cướp mạng sống của tha nhân nuôi dưỡng mạng sống của mình. Cây cối chỉ lớn lên nhờ đất, nhờ khí trời, ánh nắng, cùng những giọt mưa. Và nở hoa.
Sức mạnh, sức hấp dẫn của tác phẩm Han Kang là đào sâu, đào sâu mãi vào những câu hỏi căn bản, hệ trọng về con người và cuộc đời.
Giải thưởng Nobel cho Hàn Quốc có gợi ý gì cho nền văn học của chúng ta?
Những câu chuyện chúng ta đề cập từ đầu đến giờ chắc cũng đã đưa ra một số gợi ý về khá nhiều phương diện, phải không?
Sắp tới nếu Thái Lan, Singapore hay nước Đông Nam Á nào đó đoạt Nobel Văn chương, chắc chúng ta còn ưu tư hơn?
Nếu có ngày đó thì hẳn là cũng phải nghiêm túc tìm hiểu quá trình mà họ đã quan tâm đến sức mạnh mềm, nỗ lực làm cho nền văn hóa dân tộc trở nên thu hút, quyến rũ đối với nước ngoài. Họ có lẽ cũng đã chuẩn bị âm thầm, rất lâu dài với nỗ lực, trong đào tạo nhân lực, trong khuyến khích sáng tạo, quảng bá... tương tự như Hàn Quốc.
Xin cảm ơn bà.
Quốc Ngọc thực hiện