Anh hùng không đợi tuổi
Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.
Trên mỗi góc tường, người anh hùng trân trọng sắp xếp tài liệu từng giai đoạn của cuộc chiến mà ông tham gia bằng hình ảnh, bài báo, tuyên ngôn, lời hiệu triệu… như những thước phim quay chậm sống động về lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước hơn 50 năm về trước.
Cậu bé mê nụ xòe, kíp nổ
Mở đầu câu chuyện, người anh hùng vừa bước sang tuổi 72 kể, ông sinh ra ở 18 Thôn Vườn Trầu (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) trong gia đình có 8 anh chị em. Các anh em trong gia đình đều đi làm cách mạng từ thuở nhỏ, 6 người là đảng viên, 2 người là liệt sĩ. Là con út trong gia đình, lớn lên với những câu chuyện thấm đẫm anh hùng bất khuất của khởi nghĩa Nam Kỳ, chứng kiến chiến tranh loạn lạc và nỗi đau thương mất mát của gia đình, chòm xóm, quê hương, Ngô Tùng Chinh quyết chí tham gia cách mạng, lấy biệt danh Bé Đi.
Bé Đi bắt đầu cuộc đời đấu tranh ngoan cường, dũng cảm với kẻ thù khi mới 12 tuổi. Lúc đó, công việc của cậu bé là giao liên nội thành, vận chuyển vũ khí. Trong hai năm 1967 - 1969, Bé Đi đã tự tay lắp ghép trên 60 trái nổ, chuyển cho 60 trận đánh. Trong quy trình lắp ghép, cậu bé 14 tuổi đã sáng tạo kíp nổ bằng nụ xòe có công dụng như kíp nổ điện hẹn giờ.
“Vào thời điểm đó, địch càn quét trong chiến khu, ta thả kíp nổ giấu xuống nước khi đem lên phơi khô bị chập điện làm cho nhiều trận đánh trái không nổ. Tôi nghĩ ra cách dùng điếu thuốc Rubi kẹp với đầu dây cháy chậm, đây là sáng tạo trong điều kiện không có kíp nổ điện”, Anh hùng Ngô Tùng Chinh kể về thời chế tạo vũ khí thô sơ đánh giặc.
Với năng khiếu sẵn có cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học chế tạo vũ khí, Bé Đi tiếp tục sáng tạo kíp nổ tự động - đụng là nổ, không đụng không nổ. Ưu điểm của loại vũ khí này là khi đã gài kíp nổ với chất nổ thì địch không tài nào vô hiệu hóa được. Loại vũ khí nhỏ nhắn, thô sơ nhưng đã thành công trong các trận đánh cầu nổi Sài Gòn, ngã sáu, ngã bảy, các đồn bốt nhân sự tự vệ, các trạm biến thế điện.
“Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, gây hoang mang cho địch là ở đâu cũng có Việt Cộng và ở đâu Việt Cộng cũng đánh được. Bởi, sau đợt một và đợt hai xuân Mậu Thân 1968, địch huênh hoang tuyên bố đã đánh tan Việt Cộng, không còn một ai xuất hiện trong nội thành Sài Gòn”, Anh hùng Ngô Tùng Chinh kể.
Cho đến bây giờ, khi chiến tranh đã lùi xa tròn 50 năm, khi mô tả lại những sáng tạo của một thiếu niên nhỏ tuổi, Anh hùng Ngô Tùng Chinh vẫn cảm thấy điều đó quá đỗi tự hào và phi thường. “Tôi chưa qua trường lớp đào tạo nào về điện, việc học văn hóa cũng dang dở. Mọi thứ tôi tự mày mò, tự học hỏi chỉ vì khi ấy lòng căm thù giặc sục sôi. Sau khi anh trai thứ 3 của tôi hy sinh, tôi khát khao được cầm súng đánh giặc, giải phóng quê hương của mình”.
Khi đã có vũ khí để đánh giặc, Bé Đi ngày đêm lang thang ngoài đường thăm dò và quan sát tình hình. Nhờ đó, Bé Đi thông thạo từng con đường, góc phố và đặc biệt là thuộc làu các căn cứ, đồn trại đóng quân của Mỹ - ngụy. Vị chỉ huy trực tiếp của Bé Đi thời điểm đó là đồng chí Huỳnh Văn Minh, Trưởng ban quân sự Thành đoàn từ năm 1963 - 1975 đã giao Bé Đi điều nghiên kỹ lưỡng các vị trí quan trọng của Mỹ - ngụy trong nội thành và lập hồ sơ vị trí chuẩn bị cho những trận đánh lớn.
Biệt động thành “nhí”
Trong thời gian làm biệt động thành, Bé Đi đã tiếp nhận và vận chuyển 20 đợt vũ khí, trực tiếp chiến đấu trong 8 trận, cùng đồng đội tham gia 4 trận, làm tổn thất hàng trăm tên địch. Một trong những trận đánh vang dội của Anh hùng Ngô Tùng Chinh ở tuổi thiếu niên phải kể đến trận đánh tại Ty chiêu hồi vào tháng 11/1968 đã làm rúng động chính quyền Sài Gòn. Khi trận đánh này được thực hiện, Bé Đi mới chỉ vào làm biệt động Thành đoàn được 1 năm.
Để thực hiện trận đánh thành công, sau giờ học, Bé Đi lượn xe vòng quanh Ty chiêu hồi, nơi tập trung những kẻ phản bội đã gây nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng hoạt động nội thành. Vài lần cậu dựng xe đạp ngay trước cổng trường, đi bộ sang quán nước mía bên đường. Lần khác lại gác xe ngay sát vách tường giáp trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt (nay là trường THPT Võ Thị Sáu, phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), bên cạnh là trụ sở của Ty chiêu hồi. Không ai để ý mấy đứa học sinh, trong đầu Bé Đi lóe lên một phương án “kéo địch ra mà đánh”, có đường tiến, có đường rút, có kế hoạch dự phòng nếu lộ thì đối phó thế nào…Bé Đi vẽ một tấm bản đồ Ty chiêu hồi với những mũi tên tiến công đỏ chói đem đến trình bày với cấp trên phương án đánh địch một cách mạch lạc, trịnh trọng như một người chỉ huy đầy mưu lược.
Kịch bản của Bé Đi được cấp trên phê duyệt, đồng thời bố trí thêm một cộng sự phối hợp. Đó là Mười Thanh, người con gái dịu dàng, xinh đẹp nhưng đã là chiến sĩ biệt động dũng mãnh, khi đã vào trận thì xông xáo, khôn khéo, linh hoạt mọi lúc mọi nơi.
Khi mặt trời vừa rọi những tia nắng đầu tiên trên những mỏm nhà cao tầng, đường phố Sài Gòn đã rộn ràng náo nhiệt. Tiếng xe Honda nổ rầm rầm liên hồi, xe hơi nối đuôi nhau không ngớt và những chú bé, cô bé còn cắp sách tới trường học đạp những chiếc xe mini nhỏ ríu rít trên đường. Như bao cô cậu học sinh khác, Bé Đi treo cặp sách trên tay xe, dắt chiếc xe đạp ra cổng. Bé Đi nhanh nhẹn nhập vào dòng người, chỉ khác là trong chiếc cặp của cậu bé không có sách vở mà chỉ có một chiếc bánh chưng và một kíp nổ giấu ở phía sau ngách cặp. Cùng lúc đó, từ hướng khác, nữ sinh Mười Thanh cũng cắp cặp ra đi với bộ áo dài trắng mịn màng, trong sáng. Khác mọi người là trong cặp không có sách vở mà chỉ có những “món hàng” như Bé Đi.
Theo đúng kế hoạch đã định. Đến giữa trưa, Ty chiêu hồi tập hợp đông đúc. Cô nữ sinh áo dài tha thướt dắt chiếc xe đạp gác chiếc cặp căng phồng dựng bên mé tường đứng chờ bạn. Một cậu học sinh khác cũng lách khỏi đám đông đang tan trường, dựng xe ngay khoảng trống trước Ty chiêu hồi. Hai chiếc xe máy trờ tới, hai người nhảy lên lao đi. Bỗng chiếc xe đạp của cô gái phát nổ, phá sập một mảng tường. Những người bên trong Ty chiêu hồi túa ra cổng thì trái nổ trên chiếc xe đạp của cậu bé đã chờ sẵn, nổ tung...
“Đây là trận đánh đầu tiên trong đời làm hoạt động cách mạng của tôi, cũng là món quà kỷ niệm tuổi 15 của mình. Trận đánh này tuy không thắng lợi hoàn toàn nhưng cũng gây được tiếng vang lớn, làm cho bọn ác ôn chiêu hồi kinh hồn rợn gáy. Và điều đặc biệt có lẽ làm chúng bàng hoàng, khiếp sợ hơn khi biết người gây ra vụ nổ chỉ là cậu bé 15 tuổi”, Anh hùng Ngô Tùng Chinh tự hào chia sẻ.
Người tù tuổi 15
Sau nhiều trận đánh làm náo loạn nội thành Sài Gòn, Bé Đi bị bắt giam tại khám Chí Hòa. Trong lao tù cậu bé vừa bước sang tuổi 15 được học những bài học mới như: bảo vệ khí tiết, chống chào cờ, chống đàn áp, đòi quyền dân sinh, dân chủ...
Chúng đưa Bé Đi ra tòa án. Trên công đường, viên công tố thốt lên: “Tên tù thiếu nhi này là một tên đảng viên cứng đầu”. Hắn vừa dứt lời, Bé Đi điềm tĩnh giơ tay phát biểu: “Tôi chưa phải đảng viên, tôi chỉ đang phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản”. Cả phiên tòa đều ngỡ ngàng. Lính bảo an lao vào đánh người tù thiếu niên tới tấp. Anh em tù chính trị đồng thanh hô la khẩu hiệu chống đối “đả đảo đàn áp”. Trước sức ép quá lớn, tòa phải hoãn xử. Sau đó, Bé Đi bị tuyên án 10 năm khổ sai, 5 năm lưu đày biệt xứ.
Năm 1971, Bé Đi bị đưa đến Trung tâm cải huấn thiếu nhi Đà Lạt (đặt tại tỉnh Lâm Đồng), đây thực chất là nhà tù dành cho thiếu nhi, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Hơn 600 tù nhân bị chế độ ngụy quyền Sài Gòn giam cầm ở đây là thiếu nhi từ 12 đến 17 tuổi, trong đó khoảng 200 thiếu nhi nữ.
Ngay ngày đầu tiên về nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Bé Đi đã kêu gọi các bạn tù vừa chuyển về từ Côn Đảo, Chí Hòa, Đà Nẵng cùng chống chào cờ. Các cậu bé đồng lòng nghiến răng chịu đựng đòn roi trút xuống, những thùng nước lạnh dội vào trong cái lạnh cắt da, những vắt cơm ngày càng nhỏ cùng vài hột muối để đấu tranh với những đòn đàn áp ngày càng dã man của chế độ nhà tù.
Trong 2 năm 1971 - 1973, với tinh thần bất khuất, chấp nhận gian khổ, hi sinh, những chiến sĩ nhỏ ở nhà lao đã làm chùn bước những bàn tay tàn bạo của cai ngục, buộc chúng phải chấp thuận ba yêu sách của những người tù thiếu nhi đề ra gồm: Bãi bỏ việc dùng tù trị tù; Cho chúng chơi chung toàn khu; Cho chúng cắt đặt người làm công tác tạp dịch, tự sắp xếp chỗ nằm. Ba yêu sách này được ông quản đốc chấp thuận trước vị đại diện quân trấn Đà Lạt. Kể đến đây, Anh hùng Ngô Tùng Chinh chỉ cho tôi xem bản yêu sách năm xưa được ông giữ gìn cẩn thận, đóng khung trang trọng treo trong nhà lưu niệm.
Cũng tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Bé Đi đã tổ chức đợt vượt ngục thứ 7, là đợt cuối cùng và lớn nhất trong lịch sử nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. “Nửa đêm hôm đó, 13 người đã vượt qua lớp trần nhà có hàng rào kẽm dẫn điện, 2,3 lượt rào kẽm gai, những vệt đèn pha, tiếng bước chân của lính tuần tra để về với tự do. Cuộc chiến đấu của các tù nhân thiếu nhi trong nhà lao Đà Lạt diễn ra bền bỉ, kiên trì trong máu và nước mắt suốt hơn 2 năm trời. Trước sự đấu tranh không ngừng nghỉ tại đây cùng với sự lên án mạnh mẽ của công luận trong nước và quốc tế, đến tháng 6/1973, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức bị xóa sổ.
Đất nước hòa bình, Bé Đi trở về đúng với tên gọi của mình là Ngô Tùng Chinh. Việc đầu tiên, ông lao vào học tập trong tất cả khoảng thời gian còn lại, bù đắp cho những năm tháng mải miết hoạt động cách mạng đã phải dang dở con chữ. Ông lần lượt lấy bằng cử nhân kinh tế, cử nhân luật, cử nhân chính trị, thạc sĩ xây dựng Đảng. Sau đó, ông được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của thành phố. Năm 2005 ông chuyển công tác về Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, giữ chức Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cho đến ngày nghỉ hưu.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2009, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.