Ấn tượng không gian văn hóa Tây Bắc tại Thủ đô

Triển lãm thị giác 'Tây Park - Ngàn' đem đến một trải nghiệm đa giác quan cho công chúng với loại hình nghệ thuật chính là nhiếp ảnh in trên giấy dó truyền thống được sắp đặt, bài trí kết hợp với các đạo cụ, hiện vật đặc trưng của Tây Bắc, Việt Nam. Triển lãm được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn tại vùng đất này.

Bước vào không gian triển lãm "Tây Park - Ngàn" tại Area 75 Art & Aution (75 Hàng Bồ, Hà Nội), du khách ngay lập tức được đắm mình trong không gian văn hóa Tây Bắc đặc sắc. Những bức chân dung phụ nữ vùng cao in trên giấy dó được sắp đặt tinh tế trên mâm mây và thổ cẩm truyền thống, tạo nên một khung cảnh vừa gần gũi vừa độc đáo.

Nguyễn Thanh Tuấn, người được công chúng biết đến qua vai trò MC, người dẫn chương trình của nhiều series truyền hình thực tế như "Đi là đến" (VTVCab), "Hành trình 1735+" (QPVN), "Nét ẩm thực Việt" (VTV3) đã mang đến góc nhìn mới về Tây Bắc qua ống kính của mình. "Tôi đặt tên triển lãm là Tây Park vì muốn tạo ra một cách gọi mới, gần gũi hơn cho vùng đất này. Park trong tiếng Anh vừa có nghĩa là vùng đất rộng, vừa gợi nhớ đến Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Còn "Ngàn" không chỉ là rừng, mà còn là hàng ngàn câu chuyện tôi đã thu thập trong 10 năm qua", anh chia sẻ về ý nghĩa tên gọi triển lãm.

Tác giả Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ về triển lãm "Tây Park - Ngàn".

Tác giả Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ về triển lãm "Tây Park - Ngàn".

Dưới ánh sáng vàng ấm áp 3200K, mô phỏng ánh nắng Tây Bắc, 100 câu chuyện về phụ nữ vùng cao dần được hé lộ. Không gian triển lãm rộng 100m2 được thiết kế như một hành trình xuyên qua các tỉnh Tây Bắc theo thứ tự địa lý: Hòa Bình - Sơn La - Yên Bái - Lào Cai - Điện Biên. Các tác phẩm được sắp đặt độc đáo trên mâm mây đan lát của người Thái, kết hợp với điếu đục bằng tre, thổ cẩm và nhiều hiện vật đặc trưng khác.Không gian còn được tô điểm bởi âm nhạc với các tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Hoài Nam và nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, xen lẫn âm thanh tự nhiên của suối chảy, tiếng chim, tiếng gà gáy vùng cao.

Cụm biểu tượng của triển lãm lấy cảm hứng chính từ những nét hoa văn trên trang phục của đồng bào Tây Bắc tuy cứng cáp nhưng cũng gợi tả về những khúc cua quanh co của đường đèo. Cũng có thể hiểu biểu tượng này như hai dấu hỏi lớn ghép vào nhau tạo ra chữ T - chữ cái đầu tiên của Tây Park. Những dấu hỏi ấy chính là sự bí ẩn của thiên nhiên, văn hóa vùng đất luôn hấp dẫn những ai ưa khám phá trải nghiệm và cũng là dấu hỏi cho chính Thanh Tuấn sẽ còn gì chờ đón chính mình ở hành trình tiếp theo? Cụm biểu tượng này sẽ được nhắc lại nhiều lần trong triển lãm với loạt chân dung phụ nữ vùng cao tạo nên hay ở góc nhìn trên cao ta sẽ thấy rõ hơn trong không gian triển lãm.

Triển lãm là thành quả từ hành trình 10 năm đi và trải nghiệm của Nguyễn Thanh Tuấn. Điểm nhấn của triển lãm là 100 bức chân dung phụ nữ vùng cao từ 6 tỉnh Tây Bắc, được in độc đáo trên chất liệu giấy dó truyền thống. Trong số những tác phẩm ấy, du khách ấn tượng với những câu chuyện có thật về bà Chọi - người phụ nữ Thái đen khiếm thính ở Điện Biên, với ánh mắt chan chứa nghị lực và tình yêu cuộc sống. "Câu chuyện về bà Chọi và người chồng khiếm thính đã chạm đến trái tim tôi. Họ yêu nhau bằng ánh mắt, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng gia đình và nuôi dạy những đứa con thành người. Đó là minh chứng cho sức mạnh phi thường của tình yêu và nghị lực sống", Thanh Tuấn xúc động kể.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện riêng, được tác giả ghi chép tỉ mỉ như những mẩu truyện ngắn trên giấy dó. "Cảm hứng với chất liệu giấy dó đến với tôi từ năm 2014, khi được làm việc với các họa sĩ chuyên về chất liệu này. Tôi còn phát hiện ra nhiều loại giấy dó độc đáo của đồng bào các dân tộc dọc quốc lộ 6 lên đến Điện Biên, được làm từ vỏ cây dướng, cây giang, rơm và đặc biệt là cây leo mọc trên núi đá. Điểm khó khăn nhất khi thực hiện in ảnh trên chất liệu giấy dó đó là việc xử lý bề mặt giấy để có thể phù hợp với công nghệ in ấn hiện đại do giấy dó có độ sần và các mép không hoàn chỉnh dẫn đến việc dễ bị dắt giấy hoặc kẹt giấy", nghệ sĩ bộc bạch.

Đặc biệt, từ ngày 28/11 đến 1/12, triển lãm sẽ có thêm show diễn thị giác "Ngàn" với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nghệ sĩ điêu khắc Lò An Chương, biên đạo múa Nùng Văn Minh và nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền. Show diễn sẽ tái hiện câu chuyện cảm động về tình yêu của đôi vợ chồng khiếm thính người Thái, cùng những thử thách và nghị lực vươn lên của con người Tây Bắc. Điểm nhấn của show diễn là phần giao lưu đặc biệt vào ngày 29/11, khi Nguyễn Thanh Tuấn sẽ trò chuyện riêng với 10 khách mời và cùng thưởng thức những món ăn sáng tạo từ nguyên liệu Tây Bắc như bánh mì men chua mắc khén, panacotta dứa Điện Biên và nước uống lên men Kvas từ trà miền sơn cước.

Dànhnhiều tâm huyết cho show diễn thị giác "Ngàn", Nguyễn Thanh Tuấn bộc bạch: "Lần đầu tiên tôi muốn hóa thân thành một nhân vật trong chính kịch bản của mình, kể câu chuyện bằng hành động thay vì lời nói như những vai trò trước đây. Tôi muốn dành tặng 10 vị khách đặc biệt cơ hội thưởng thức những món ăn sáng tạo từ nguyên liệu Tây Bắc, tôi hy vọng có thể kể thêm những câu chuyện thú vị về văn hóa ẩm thực vùng cao".

Điều đáng quý là Thanh Tuấn không chỉ dừng lại ở việc trưng bày nghệ thuật. Anh dự định trích một phần doanh thu từ triển lãm để cùng các nghệ sĩ về làng Nủ, xây dựng không gian văn hóa như bích họa và bảo tàng nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương. "Tây Park - Ngàn" mở cửa tự do từ ngày 26 - 28/11/2024, trong khi show diễn "Ngàn" sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến 1/12/2024, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm nghệ thuật độc đáo cho công chúng Thủ đô.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/an-tuong-khong-gian-van-hoa-tay-bac-tai-thu-do-181204.html
Zalo