Ấn tượng bức phù điêu bằng đồng tại Khu DTLS Đền Hùng
Không chỉ thể hiện lòng kính trọng, tri ân sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Bức phù điêu 'Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong' bằng đồng tại Khu Di tích lịch sử (DTLS) Đền Hùng còn là công trình văn hóa quan trọng góp phần xây dựng Đền Hùng xứng tầm Khu DTLS Quốc gia đặc biệt, có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục truyền thống đoàn kết, đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, Nhân dân và quân đội ta.
Sau hơn 2 thập kỷ vững vàng, trầm mặc cùng năm tháng, trải qua bao gió mưa, chứng kiến bao dòng xúc cảm của những đoàn người hành hương về Đền Hùng và phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống, Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” bằng đá ở ngã 5 Đền Giếng dù vẫn giữ được nguyên khối nhưng đã xuất hiện một số vết nứt, ố, các khe đá có dấu hiệu xuống cấp... ảnh hưởng đến phần mỹ thuật của bức phù điêu, có phần không còn phù hợp với cơ sở hạ tầng, cảnh quan khu vực ngã 5 Đền Giếng đã được đầu tư khang trang, rộng rãi.
Nhằm tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình xứng tầm Khu DTLS Quốc gia đặc biệt, đảm bảo trang trọng, điều kiện tốt nhất đáp ứng yêu cầu đón, tiếp khách về thăm viếng, Khu DTLS Quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã tham mưu, báo cáo với các cấp lãnh đạo và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công đức tu bổ, tôn tạo nâng cấp bức phù điêu bằng chất liệu đồng thay thế bức phù điêu bằng đá, có quy mô phù hợp với công năng tổ chức các nghi lễ quan trọng và các hoạt động văn hóa; bảo đảm tính thẩm mỹ, trang trọng, tạo sự đồng bộ với kiến trúc và không gian cảnh quan Khu DTLS Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Công trình tu bổ, tôn tạo Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong” được khởi công từ ngày 20/6/2023 đến ngày 20/3/2024 và chính thức được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 8/4/2024- đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn.
Công trình bao gồm 3 hạng mục: Hạ giải toàn bộ bức phù điêu bằng đá hiện trạng được xây dựng từ năm 2001 di chuyển đến lắp ghép lại tại sân Bảo tàng Bộ Tư lệnh Quân khu 2; tu bổ, tôn tạo bức phù điêu mới; hệ thống hạ tầng cảnh quan sân, vườn, điện chiếu sáng, cây xanh được chỉnh trang bố trí đồng bộ cho công trình theo thiết kế.
Trong đó, phần móng và tường đỡ của bức phù điêu cũ được thiết kế mới bằng bê tông cốt thép trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Riêng bức phù điêu được thiết kế xây dựng theo hình vòng cung với chiều dài 28,16m; cao 10,99m; tường vách bê tông cốt thép dày 30cm. Các mảnh của bức phù điêu được đúc bằng hợp kim đồng dày trung bình 1,5cm với kích thước từng tấm 100x100cm, được lắp dựng, hàn ghép trực tiếp tại hiện trường, liên kết với tường vách bê tông cốt thép qua hệ thống khung thép hộp. Quy trình thực hiện phần mỹ thuật của bức phù điêu tuân thủ theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ VH,TT&DL. Hai bên bức phù điêu lắp đặt 18 cột cờ bằng inox cao 10m.
Tọa lạc trên diện tích rộng lớn hàng nghìn mét vuông với hệ thống sân nền, bậc tam cấp được lát bằng đá bazan tự nhiên, vườn, bồn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng đồng bộ, quần thể bức phù điêu bằng đồng đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình những điểm đến thiêng liêng của Khu DTLS Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Trung tâm bức phù điêu khắc họa hình ảnh Bác Hồ đang ngồi nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, hai bên góc bức phù điêu là hình ảnh rừng cọ đồi chè trập trùng đặc trưng của miền Đất Tổ. Với những đường nét tinh xảo, sinh động, chạm đến cảm xúc của người xem, bức phù điêu đã thu hút đông đảo du khách hành hương về Đền Hùng dừng chân tham quan, chiêm ngưỡng, check-in lưu giữ những khoảnh khắc đẹp...
Ông Vũ Xuân Bổng - du khách đến từ xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi về thăm Đền Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, được tận mắt chiêm ngưỡng bức phù điêu bằng đồng mới khánh thành tại khu vực ngã 5 Đền Giếng, mới thấy bức phù điêu thực sự rất đẹp, rất ấn tượng, trong lòng tôi trào dâng sự xúc động, biết ơn. Ngắm nhìn bức phù điêu, tôi càng khắc ghi sâu thêm lời Bác dạy thiêng liêng năm xưa: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tại Lễ khánh thành bức phù điêu ngày 8/4/2024 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: “Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc; khắc ghi chân lý độc lập dân tộc gắn liền với dựng nước và giữ nước, được đúc rút từ lời dạy bất hủ của Bác Hồ; là biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của Quân đội, Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và đồng bào cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi về sau”.